Nuôi Heo Rừng Ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Những tưởng vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ có gió, sóng và sản vật từ biển, nhưng rất lạ ở nơi này còn nuôi được heo rừng – vật nuôi chỉ thường nuôi ở vùng núi, trung du. Dẫu chưa phải là phổ biến song việc con heo rừng đang thích ứng tốt với điều kiện sống ở đây như một thí nghiệm hay cần được tiếp tục nghiên cứu…
Heo rừng lần đầu tiên được nuôi trên đảo Lý Sơn tại đơn vị Trạm Rada 550. Ý tưởng nuôi heo rừng là của Ban Chỉ huy trạm. Thượng tá Hồ Bá Trung – Trạm trưởng Trạm Rada 550 cho biết: Nơi đơn vị đóng quân do nhiệt độ cao, thiếu nước, nên nuôi con gì, trồng cây gì cũng khó sống.
Anh em trong đơn vị nghĩ chắc con heo rừng có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên ở đây, nên đặt mua 2 con heo rừng lai về nuôi. “Sau khi thả nuôi, heo lớn nhanh. Thức ăn dễ kiếm, chỉ là canh, cơm thừa, rau già, cỏ dại. Sau một thời gian, heo đẻ ra 4 heo con. Đơn vị quyết định để nuôi hết”.
Khuôn viên nuôi heo rừng của đơn vị được bố trí theo cách rất “thiên nhiên”, đá lởm chởm, có gốc cây làm bóng mát. Cả ngày heo cứ leo núi ủi đất, đói lại tìm cỏ, rau, cơm thừa đổ sẵn trong máng để ăn. Tối đến, kéo nhau về ngủ trong căn chuồng nhỏ xây bằng gạch, đúc mái nằm ở góc khuất gió. Cứ thế, ngày qua ngày, những con heo rừng lớn lên, sinh sôi thành đàn.
Cuối năm 2013, Cơ quan quân sự huyện Lý Sơn cũng quyết định nuôi thử nghiệm 4 con heo rừng dưới chân núi sát doanh trại. Heo được chăm sóc kỹ lưỡng, cộng với môi trường sống được bố trí tự nhiên nên heo sống khỏe, lớn nhanh. Từ 4 con heo ban đầu, sau một thời gian, hai con heo cái đã đẻ ra thêm một đàn heo con gần 20 con. Tất cả đàn heo con được đơn vị đưa vào nuôi để mở rộng mô hình này.
Hằng ngày, các chiến sĩ của đơn vị tranh thủ thời gian rảnh xuống núi cắt cỏ cho heo. Để chuẩn bị thức ăn cho đàn heo rừng, các anh em trong đơn vị đã trồng thêm mì, cỏ voi, rau lang nhằm đảm bảo heo không bị “đứt bữa”.
Trạm trưởng Trạm Rada 550 Hồ Bá Trung bảo: “Nuôi heo rừng chủ yếu là để tăng chất lượng cuộc sống, cải thiện bữa ăn trong ngày lễ, tết cho anh em đơn vị. Thú thực, cũng là thịt heo nhưng thịt heo rừng ở biển có tiền cũng không dễ gì mua được. Quý và giá trị là ở chỗ ấy”.
Những chiến sĩ sau giờ huấn luyện lại cần mẫn cắt cỏ, kiếm rau chăm đàn heo rừng. Mỗi chú heo lớn lên, khỏe mạnh, sinh sản ra đàn heo con là một thành tích về chinh phục nắng gió biển khơi, tích cực tăng gia, cải thiện bữa ăn của bộ đội.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2014, Trạm Rada 550 và Cơ quan quân sự huyện Lý Sơn sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi heo rừng tại đơn vị, với nguồn giống từ chính những con heo bố mẹ sẵn có, các cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 550 và Cơ quan quân sự huyện Lý Sơn cho rằng, heo rừng nuôi không khó, nếu chịu khó, ai cũng có thể nuôi được.
Nếu như mô hình này được chuyển giao đến nhiều hộ dân trên đảo, thì tương lai không xa Lý Sơn sẽ có thêm nguồn thực phẩm mới, hòa vào sản vật phong phú của biển, phục vụ người dân trên đảo và khách tham quan.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 10/12 vừa qua, tại hội thảo “Tăng năng suất sản xuất nông nghiệp: Sử dụng phân bón và hóa chất”, do Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức, đa số nông dân kiến nghị các cơ quan chức năng quản lý tăng cường các biện pháp kiểm tra nạn mua bán phân bón giả, kém chất lượng tràn lan. Trong khi chi phí phân bón chiếm 30-50% giá thành nông phẩm nông dân làm ra.

So với cùng kỳ năm ngoái, XK nhân điều trong 11 tháng qua đã tăng 18,2% về lượng và 22,6% về giá trị. Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của nhân điều Việt Nam. Trong 11 tháng đầu năm nay, Mỹ chiếm 32,79% giá trị điều XK của Việt Nam, tiếp đó là Trung Quốc 15,02%, Hà Lan 11,17%...

Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, họ luôn có khát khao cháy bỏng. Một trong những mong ước đó là muốn làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương và dạy dỗ con cái trưởng thành. Chúng tôi đã gặp những con người như thế!

Như 1 chiến binh không say sưa với chiến thắng, Cty CP Đường Quảng Ngãi tỉnh táo nhận ra 1 điều: Muốn phát triển bền vững, không thể “muôn năm” 1 sản phẩm, mà phải đa dạng hóa. Như xây nhà phải có cửa thoát hiểm, để nhỡ xảy ra sự cố, không thể tháo thân bằng cửa chính thì cũng còn cửa phụ.

Bên cạnh đó, nhà máy còn luôn đảm bảo chất lượng sản phẩm urê cung cấp ra thị trường. Mới đây, sản phẩm phân bón Đạm Phú Mỹ đã được xuất sang các thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và thân thiện với môi trường như New Zealand, Jordan, châu Âu…