Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi gà tiến Vua

Nuôi gà tiến Vua
Ngày đăng: 01/12/2015

Là một trong những người tiên phong nuôi gà Đông Tảo tại Gia Lai, anh Vũ Xuân Khoa (hiện trú tại tổ 8, phường Thống Nhất, TP.Pleiku) đang là chủ nhân của một trang trại nhỏ chuyên nuôi gà Đông Tảo.

Sinh ra và lớn lên ở Cửa Nam (TP.Nam Định), một trong những nơi có phong trào nuôi gà cảnh khá mạnh nên ngay từ bé, anh Khoa đã đặc biệt yêu thích thú chơi này.

“Năm 2012, mình đưa vợ con vào Pleiku lập nghiệp.

Thú chơi gà cảnh ngấm vào máu nên trong hành trình Nam tiến, mình cũng xách theo 5 con gà Đông Tảo để tiếp tục thú chơi.

Giữa năm 2014, nhận thấy nhu cầu sử dụng giống gà Đông Tảo ở Pleiku khá ổn, mình quyết định đưa gà Đông Tảo giống về bán.

Đến dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, tôi đưa thêm gà thịt về”-anh Khoa kể lại.

Để tìm đầu ra, anh Khoa lặn lội gõ cửa từng nhà hàng, quán nhậu để chào hàng.

Nhiều nhà hàng trên địa bàn TP.Pleiku khi ấy đã nhận nhập gà của anh.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, việc kinh doanh gà Đông Tảo thịt gặp nhiều khó khăn, anh Khoa liền chuyển hướng qua nuôi gà Đông Tảo lấy giống.

“Ở Pleiku hiện nay nếu xét kỹ thì chỉ nhà tôi và hộ anh Tín ở phường Chi Lăng (TP.Pleiku) nhân giống đúng gà Đông Tảo thuần chủng, còn hầu hết các hộ khác chỉ nuôi gà Đông Tảo lai hay nuôi theo phong trào”-anh Khoa chia sẻ.

Cách đây 2 tháng, đàn gà Đông Tảo nhà anh Khoa đã đạt đến 300 con bố mẹ, mỗi tháng cung cấp cho thị trường khoảng 100 con gà giống.

Hiện nay, do thay đổi chỗ ở nên anh giảm một số lượng lớn gà, đợi nơi ở mới ổn định hơn mới gây giống trở lại.

Theo anh Khoa, nuôi gà Đông Tảo khó mà dễ.

Chính anh khi bắt đầu cũng đã mất trắng 40-50 triệu đồng cho việc theo đuổi giống gà này.

“Đặc thù của gà Đông Tảo lúc mới sinh đến lúc 6 - 7 tháng tuổi mọc rất ít lông, vì thế việc giữ ấm cho gà là rất quan trọng.

Điều này không đơn giản đối với thời tiết ở Pleiku.

Bên cạnh đó, sức đề kháng của gà Đông Tảo khá kém nên việc chăm sóc đòi hỏi có những bí kíp riêng mà chỉ người nuôi mới chia sẻ cho nhau”-anh Khoa nói.

Gà Đông Tảo thường phải nuôi 8 - 12 tháng mới đạt đến độ để có thể đem đi bán.

Khi ấy, gà sẽ đạt trọng lượng từ 3,5kg đến 4kg/con.

Dấu hiệu nổi bật nhất của gà Đông Tảo so với các giống gà khác là có cặp chân rất to, xù xì.

“Ngay từ lúc mới nở, cặp chân của gà con đã to gấp đôi gà thường.

Có những con gà thuần chủng được chăm sóc tốt, cặp chân của nó to bằng bắp tay người”-anh Khoa chia sẻ thêm.

Một con gà Đông Tảo ngon phải có cặp chân to, các ngón chân phải dày, nhìn khỏe khoắn.

Ở con gà Đông Tảo, ngon nhất cũng chính ở cặp chân.

Gà đạt 10 - 12 tháng tuổi sẽ cho thịt đỏ như thịt bò, da dày tựa như da bê.

Hiện nay, giá gà Đông Tảo thương phẩm được bán ở mức 350 ngàn đồng đến 500 ngàn đồng/kg tùy gà xấu hay đẹp.

Dịp Tết, nhu cầu tăng cao nên người bán ít khi bán theo cân ký mà bán “vo”, tức là nhìn con phát giá.

Gà thường có giá từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/con, còn những con gà Đông Tảo thuần chủng, dáng đẹp, cân nặng đạt mức lý tưởng của gà Đông Tảo là 7 đến 8kg có thể sẽ được bán với giá vài chục triệu đồng/con.

Thị trường Gia Lai hầu hết buôn bán gà Đông Tảo lai.

Dấu hiệu để phân biệt giữa gà Đông Tảo lai hay thuần chủng khá rõ rệt, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận thấy qua quá trình quan sát.

“Gà lai thường nhỏ, trọng lượng đạt tầm 3,5 - 4kg/con.

Màu lông cũng sẽ bị lai tạp với các màu khác bởi gà Đông Tảo thuần chủng chỉ có hai màu lông cơ bản là màu đen (gọi là mã the) và màu mận chín (mã mận).

Cũng có trường hợp gà Đông Tảo đột biến cho ra lông màu trắng hay màu xám nhưng những con này giá sẽ rất đắt do độc và đẹp”-anh Khoa cho biết.

Giá của một con gà Đông Tảo giống 1 ngày tuổi tương đương với một con gà thịt ta.

Hiện tại, cơ sở nhà anh Khoa đang cung cấp gà Đông Tảo 1 ngày tuổi là 120 ngàn đồng đến 150 ngàn đồng/con; gà 1 tháng tuổi, được tiêm vắc xin đầy đủ tầm 300 ngàn đồng đến 400 ngàn đồng/con tùy độ đẹp.

Cái khó trong việc nhân giống gà này ở chỗ, do chân gà quá to, gà chậm chạp và vụng về nên khi ấp, gà mẹ thường hay làm vỡ trứng.

Do đó, tốt nhất để đảm bảo tránh thiệt hại thì người nuôi nên can thiệp bằng các biện pháp khác như: ấp trong lò, nhờ gà mái ta ấp trứng…

Anh Khoa dự định sắp tới sẽ tìm mua giống gà Hồ (giống gà đặc sản có xuất xứ ở xã Từ Hồ, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh)-cũng là một trong 5 đặc sản “gà tiến Vua” về nuôi và nhân giống.

“Gà Hồ thịt còn ngon hơn cả gà Đông Tảo nhưng giá thị trường chỉ ở mức tương đương, thậm chí thấp hơn.

Tôi muốn đưa giống gà này về nuôi thử xem sao”-anh Khoa nói.


Có thể bạn quan tâm

Tiền Giang Công Bố Hết Dịch Cúm A/H5N1 Trên Chim Cút Tiền Giang Công Bố Hết Dịch Cúm A/H5N1 Trên Chim Cút

Ngày 21-8, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định số 2015/QĐ-UBND, công bố hết dịch cúm A/H5N1 trên chim cút tại 2 xã Phú Kiết và xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo.

24/08/2013
Dự Án Chết Yểu, Nông Dân Mắc Nợ Dự Án Chết Yểu, Nông Dân Mắc Nợ

Tại tỉnh Đắk Nông, hàng trăm nông dân đang chịu cảnh tiền mất tật mang từ dự án trồng cây cà phê chè (Arabica) do cà phê trồng không đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất thấp, dẫn đến việc hàng ngàn hécta cà phê Arabica bị xóa sổ khiến nông dân mắc nợ và dẫn đến những hệ lụy xấu.

24/08/2013
Nhãn Được Mùa, Được Giá Nhãn Được Mùa, Được Giá

Hiếm có nơi nào tại tỉnh ta mà nhãn lại được trồng đại trà và trở thành loại cây ăn quả hàng hóa tập trung như ở xã Thái Bình (Yên Sơn). Năm nay, nhãn ở Thái Bình được cả mùa lẫn giá...

24/08/2013
Ứng Dụng Đệm Lót Sinh Thái Trong Chăn Nuôi Ứng Dụng Đệm Lót Sinh Thái Trong Chăn Nuôi

Gần đây, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc phối hợp với Hội Phụ nữ xã Đại Thạnh triển khai thí điểm mô hình đệm lót sinh thái tại một số hộ chăn nuôi trên địa bàn xã. Bước đầu, mô hình cho thấy hiệu quả trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm nhân công, chi phí chăm sóc, vệ sinh chuồng trại.

24/08/2013
Hiệu Quả Mô Hình Đội Chuyên Khâu Theo Nước Ở Phương Hải Hiệu Quả Mô Hình Đội Chuyên Khâu Theo Nước Ở Phương Hải

Đến Phương Hải (Ninh Hải) khi bà con đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè-thu, chúng tôi phải ra tận giữa cánh đồng Cây Trôm mới tìm gặp được lão nông Nguyễn Giới, Đội trưởng Đội chuyên khâu theo nước của xã Phương Hải. Ông cho biết, đang vào vụ gặt nhưng mấy hôm nay trời mưa liên tục nên các thành viên phải bám đồng, kịp thời tháo nước cho bà con, đặc biệt là những ruộng lúa bị đổ ngã hoặc còn chưa chín đều.

24/08/2013