Nuôi Gà Đẻ Trứng Trong Phòng Lạnh An Toàn Và Hiệu Quả

Lần đầu tiên mô hình nuôi gà trong phòng lạnh đã được trang trại của anh Trần Văn Nam tại thôn Bàu Điển, xã Đá Bạc (huyện Châu Đức) áp dụng khá thành công.
Cuối năm 2009, sau khi đi thăm quan một số trang trại nuôi gà trong phòng lạnh và được Công ty cổ phần C.P Việt Nam giới thiệu về công nghệ nuôi, anh Trần Văn Nam đã quyết định nuôi thử. Với số vốn ban đầu 7 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất cho 7 phòng lạnh, diện tích hơn 400m2/phòng, anh Nam thả nuôi 5.000 con gà đẻ trứng. Khác hẳn với các trang trại nuôi gà thường, trang trại nuôi gà của anh Nam luôn được giữ sạch sẽ, không có mùi hôi thối, ruồi nhặng không xâm nhập vào khu vực nuôi. Trang trại có diện tích 2ha, được làm mát bằng những thiết bị khá đơn giản, các thiết bị này không những luôn giữ nhiệt độ trung bình 25-28oC, mà còn giúp bảo đảm vệ sinh chuồng trại.
Theo anh Nam, công nghệ nuôi gà trong phòng lạnh cũng khá đơn giản nhưng quan trọng là mái nhà phải được lợp kín để lắp đặt hệ thống quạt gió, máy bơm nước, tấm sáp tổ ong (được làm bằng chất liệu bìa các-tông có độ dày từ 15-20mm). Sau khi bơm nước làm mát bìa các-tông, không khí được lọc qua tấm lọc, hệ thống quạt hút hơi mát đẩy không khí trong phòng ra ngoài, lấy không khí mát vào bên trong; do đó nhiệt độ trong phòng luôn giữ ở mức ổn định.
Ưu điểm lớn nhất của việc nuôi gà trong phòng lạnh là tỷ lệ gà đẻ trứng cao và ổn định. Theo tính toán, tỉ lệ gà đẻ trứng được nuôi trong phòng lạnh có thể đạt tới 93-96%, trong khi nuôi thông thường chỉ đạt 80-85%. Nuôi gà bằng cách này còn hạn chế được dịch bệnh do môi trường không bị ô nhiễm, gia tăng nguồn thu từ phân gà thải ra để bán cho các trang trại trồng cây. Theo tính toán của anh Nam, lợi nhuận mang lại từ nuôi gà trong phòng lạnh tăng 4-5% và chi phí nuôi cũng giảm từ 2-3% so với nuôi theo cách thông thường.
Ông Huỳnh Công Quốc, bác sỹ thú y tại trang trại cho hay, gà nuôi trong phòng lạnh chỉ cần tiêm phòng vacxin cúm định kỳ là suốt cả năm không bị bệnh và lượng trứng cung cấp ra thị trường kiểm định chất lượng luôn đạt yêu cầu. Anh Thân Xuân Động, chuyên viên Phòng Nông nghiệp huyện Châu Đức cho hay, hiện trên địa bàn huyện có 20 trại nuôi gà công nghiệp, nhưng chỉ có trang trại của anh Trần Văn Nam nuôi gà đẻ trứng trong phòng lạnh. “Sắp tới, chúng tôi sẽ khuyến khích các hộ chăn nuôi có điều kiện nuôi theo hình thức này”- anh Thân Xuân Động nói.
Theo anh Nam, nuôi gà trong phòng lạnh yếu tố quan trọng nhất là nguồn điện luôn giữ ổn định để bảo đảm cho hệ thống làm mát hoạt động. Nếu nguồn điện không ổn định thì phải nhanh chóng cắt điện để chuyển sang chạy máy phát, nếu không gà sẽ dễ bị chết ngạt. Ngoài ra, khâu giống, thức ăn cũng quan trọng. Hiện nay, tại Việt Nam chưa có giống gà đẻ trứng nuôi trong phòng lạnh, do vậy phải nhập từ châu Âu qua nhà phân phối là Công ty cổ phần C.P Việt Nam. Tới đây anh Nam sẽ mở rộng hình thức chăn nuôi này lên với quy mô lớn tại một số trang trại của anh trên địa bàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh (Việt Nam) và Vương quốc Thái Lan về phát triển đàn bò thịt chất lượng cao Charolais, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng mô hình giống bò thịt Charolais. Đến nay sau hơn 1 năm thực hiện, mô hình cho hiệu quả bước đầu khả quan.

Anh Đức kể, gia đình anh vốn là nông dân nên dường như cái nghiệp này đã “ngấm vào máu” anh từ nhỏ. Mặc dù khi tốt nghiệp cử nhân kinh tế (năm 2004) anh cũng thử lăn lộn với các nghề khác nhau, nhưng rốt cuộc “tình yêu ruộng vườn” vẫn thắng thế nên năm 2008 anh quyết định về làm nông dân.

Dọc theo tuyến đường Lê Hồng Phong, phường IV, mặc cho sự ồn ào hối hả của xe cộ, những chậu rau của gia đình chị Hồng Đào vẫn âm thầm phát triển tươi tốt. Chị Đào cho biết, tận dụng những chậu hoa tết còn lại ít đất cùng phân hữu cơ, chồng chị đã mang rau vào thay thế.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cũng như Bộ Tài chính cần có những chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay phát triển khu vực nông nghiệp nhiều hơn nữa. Cụ thể, cần xem xét một số biện pháp hỗ trợ đối với người vay vốn như thành lập quỹ bảo lãnh vốn nông nghiệp; bảo hiểm tín dụng nông nghiệp; có chính sách hỗ trợ về vốn, lãi suất đối với các tổ chức tín dụng tham gia cho vay lĩnh vực nông nghiệp...

Đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn- PTCT. Tổng cục Thủy sản: từ ngày 20/6/2014 các tổ chức, cá nhân liên quan phải có trách nhiệm thi hành Nghị định này.