Nuôi Ếch Vụ Nghịch Thu Nhập Cao

Ếch Thái Lan dễ nuôi, nông dân có thể tận dụng diện tích mặt nước của ao, hồ hoặc những khoảng đất trống trong vườn để đầu tư nuôi ếch theo phương pháp công nghiệp, tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do giá cả thức ăn ngày càng tăng cao, trong khi giá ếch thương phẩm bán vào vụ thuận không cao nên nông dân thu lãi ít, thậm chí thua lỗ. Điều này đã làm cho nhiều hộ nông dân từ bỏ việc nuôi ếch.
Hiện nay, ở tỉnh Bến Tre có nhiều nông dân nuôi ếch Thái Lan công nghiệp thu lãi rất cao nhờ bà con nuôi bán vào vụ nghịch. Ông Nguyễn Văn Thoảng ở ấp Hòa An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách là một điển hình. Năm 2005 khi phong trào nuôi ếch Thái Lan công nghiệp phát triển đại trà, ông Thoảng đầu tư nuôi 1.000 con ếch. Lúc đó, ông làm vèo dưới ao trong mương vườn để nuôi. Sau thời gian khoảng 4 tháng nuôi, khi chọn để lại 18 ếch nái nhân giống ếch con nuôi những năm tiếp theo ông thu hoạch ếch thịt bán lời khoảng 1 triệu đồng.
Nhận thấy việc nuôi ếch có hiệu quả, đặc biệt là thu được lãi cao nếu nuôi bán thịt vào mùa nghịch từ tháng giêng đến tháng 3 âm lịch. Ông Thoảng đốn bỏ 1.000 m2 vườn cây ăn trái xung quanh nhà để nâng quy mô nuôi ếch thịt bán vào mùa nghịch. Cuối năm 2008, ông Thoảng đầu tư nuôi 10.000 con ếch thịt, sau 5 tháng nuôi thu trên 1 tấn ếch thương phẩm, lãi trên 50 triệu đồng. Năm 2009, ông tiếp tục mở rộng với 15 vèo, nuôi 30.000 ếch thịt, đến tháng 2 năm 2010 ông thu trên 3 tấn ếch thịt, giá bán 70.000 đồng/kg, thu lãi gần 150 triệu đồng.
Năm 2011, nuôi 40.000 con ếch thịt, ông thu trên 4 tấn ếch thương phẩm, giá bán 80.000 đồng/kg, trừ các chi phí ông thu lãi trên 200 triệu đồng. Cũng nuôi với số lượng trên, đầu năm 2012 giá ếch thịt tăng lên 90.000 đồng/kg, ông thu lãi trên 250 triệu đồng. Vụ nuôi này ông Thoảng đầu tư tăng quy mô nuôi 50 vèo, số lượng 80.000 con. Theo tính toán của ông Thoảng, đợt ếch này khi thu hoạch trừ đi tỷ lệ hao hụt khoảng 30% ông sẽ thu trên 8 tấn ếch thương phẩm. Về đầu ra cho sản phẩm, khi ếch thu hoạch ông điện thoại cho các thương lái ở chợ đầu mối Bình Điền TP Hồ Chí Minh xuống tận nhà mua.
Ông Thoảng cho biết: "Nuôi mùa nghịch, ếch lâu lớn hơn mùa thuận khoảng 1,5 tháng nên chi phí tăng lên khá cao. Bình quân 1 kg ếch thương phẩm, tốn chi phí khoảng 30.000 đồng. Ếch nuôi mùa nghịch tương đối khó, nhưng nếu nắm vững các khâu cần thiết sẽ dễ thành công. Người nuôi cần quan tâm chọn con giống khỏe mạnh, không bị bệnh tật. Ếch nuôi cho ăn ngày 2 lần, sáng sớm và chiều tối, trước khi cho ăn cần thay nước. Thức ăn cần đảm bảo độ đạm và cần bổ sung thêm lượng vitamin C để tăng sức đề kháng bệnh tật cho ếch, ếch lớn cần tăng cường cho ếch thuốc ngừa bệnh gan".
Bên cạnh nuôi ếch thương phẩm, năm 2011 ông Thoảng còn ươm giống cung cấp trên 20.000 con ếch giống; năm 2012 cung cấp 50.000 con cho khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá bán 1.000 đồng/con. Ngoài ra, ông còn tận dụng chất thải là thức ăn dư thừa của ếch, ếch con chết làm thức ăn nuôi cá trê, mỗi năm bán cá thu thêm gần 20 triệu đồng.
Từ mô hình nuôi ếch Thái Lan công nghiệp vụ nghịch thành công của ông Thoảng, hiện tại Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh Bến Tre chọn đầu tư thực hiện điểm trình diễn 3.000 con ếch thương phẩm vụ nghịch tại nhà ông để đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình cho nông dân trong tỉnh học hỏi, áp dụng.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 23/11, Sở NN&PTNT phối hợp với Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam tổ chức Hội nghị “Kết nối doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu thuỷ sản với người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau”.

Ðầu tháng 11-2013, 2 xã Tân Phú và Tân Thới, huyện Tân Phú Ðông, tỉnh Tiền Giang xuất hiện dịch cúm A/H5N1 trên đàn vịt. Theo bà Nguyễn Thị Mến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, ổ dịch đã được khống chế, tỉnh đang làm thủ tục công bố hết dịch.

Chị Lê Thị Nhật, chủ một trang trại heo ở thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội, cho biết khoảng 10 ngày nay, một số thương lái đã đến thu mua loại heo trên dưới 100 kg tại trang trại của chị. Mức giá cao hơn so với bình thường từ 7.000 - 10.000 đồng/kg. Các thương lái này cũng hẹn sẽ quay lại gom hàng khi số heo còn lại đạt đủ trọng lượng.

Cách đây khoảng 3 năm, số tiền cám mà chị Chu Thị Hoàn, thôn Tân Tiến, xã Đồng Tâm, huyện Yên Thế, đầu tư nuôi một nghìn con gà từ khi mới nở đến lúc xuất bán (khoảng 4 tháng) hết 40 triệu đồng, nhưng hiện nay đã tăng lên 70 triệu đồng. "Giá cám tăng chóng mặt, nhưng gia đình tôi vẫn phải nuôi vì trót vay vốn ngân hàng để đầu tư", chị Hoàn giãi bày.

Trang trại nuôi gà rừng của gia đình ông Lê Toái (xã Xuân Sơn, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) dần dần đã trở nên đông khách và thu hút rất nhiều hội viên Hội nông dân tham quan học tập bởi đặc điểm hết sức độc đáo so với gà nhà, với vóc dáng nhỏ bé, màu sắc khác thường và giá trị dinh dưỡng mang lại rất cao, được nhiều người ưa chuộng.