Nuôi Ếch Cần Một Giải Pháp Phát Triển Bền Vững

Những năm gần đây, nhờ phát triển mô hình nuôi ếch kết hợp thả cá nên nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) từng bước cải thiện kinh tế, ổn định thu nhập gia đình. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn khá mới, người dân tự phát mở rộng diện tích thả nuôi, nên trong quá trình sản xuất còn gặp khó khăn và rủi ro cao.
Theo đánh giá của bà con trong nghề, nuôi ếch cho thu nhập kinh tế cao. Hơn thế, đây là loài vật nuôi dễ chăm sóc, thị trường tiêu thụ rộng, thả nuôi không tốn nhiều diện tích nên nhiều nông dân ở huyện Tháp Mười dần dần chuyển đổi diện tích từ trồng lúa sang nuôi ếch. Theo thống kê của Trạm Thủy sản huyện Tháp Mười, hiện tại cả huyện có trên 300 hộ chăn nuôi ếch. Tập trung chủ yếu ở các xã Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Thanh Mỹ... nhiều khả năng diện tích thả nuôi sẽ tăng đột biến trong thời gian tới.
Thời gian gần đây, ngoài việc chăn nuôi ếch trong vèo nhiều bà con ở huyện Tháp Mười còn kết hợp thêm thả cá dưới ao. Các loại cá được thả chủ yếu là cá trê lai, cá tra, cá sặc rằn. Bước đầu nhận thấy, mô hình chăn nuôi kết hợp này mang lại hiệu quả kinh tế cao, bởi người chăn nuôi không những tiết kiệm được công chăm sóc, giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn tận dụng được nguồn phụ phẩm trong nuôi ếch để làm thức ăn cho cá. Theo tính toán của người nuôi, bình quân sau 3 - 4 lần thu hoạch ếch sẽ thu hoạch cá một lần.
Ông Lý Văn Kế ngụ xã Mỹ An, huyện Tháp Mười chia sẻ: “Hai năm nay, nhờ áp dụng mô hình chăn nuôi kết hợp này nên dù vào những thời điểm giá ếch rớt thê thảm nhưng có cá bù lại nên 2.500m2 nuôi ếch của tôi vẫn có lãi. Năm vừa rồi sau khi thu hoạch, trừ các khoản chi phí, gia đình tôi lãi trên 100 triệu đồng. Tôi nhận thấy đây là hướng kết hợp mới mà người chăn nuôi ếch cần tham khảo để giúp bà con tránh được tình trạng thua lỗ do giá ếch bấp bênh”.
Nghề nuôi ếch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông hộ nhưng cũng có không ít hộ nuôi ếch phải ngừng sản xuất do thua lỗ. Hiện tại, giá ếch thịt thương lái thu mua tại huyện Tháp Mười dao động từ 32 -35 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nếu trừ các khoản chi phí sản xuất người chăn nuôi sẽ không có lãi bao nhiêu. Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất, do không có vốn nên nhiều nông hộ phải xoay sở bằng cách vay “nóng”, hoặc nhờ các đại lý đầu tư bao tiêu thức ăn.
Chính những điểm này làm cho người nuôi ếch găp nhiều bất lợi khi ếch rớt giá. Không những thế, do không quan tâm đến khâu liên kết tiêu thụ, ổn định đầu ra mà người nuôi cho sản xuất ồ ạt làm nguồn cung vượt cầu. Thêm vào đó là tình trạng thương lái thừa cơ hội ép giá nên không ít bà con phải treo ao vì không còn vốn để sản xuất.
Là một trong những địa phương tập trung diện tích nuôi ếch nhiều nhất của huyện, xã Mỹ An có những định hướng phát triển cho nghề nuôi ếch ở địa phương trong thời gian tới. Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết: Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch phát triển mạnh ở xã Mỹ An. Tuy nhiên, đây là mô hình tự phát của người dân và UBND xã cũng không khuyến khích mở rộng sản xuất, bởi hiện tại nguồn ếch thịt vẫn chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, hơn nữa nếu phát triển diện tích nuôi ếch lớn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường xung quanh.
Trong năm 2014, xã dự kiến sẽ thành lập các tổ hợp tác để định hướng người nuôi sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, nhiệm vụ chính của các tổ hợp tác này là sẽ liên kết tiêu thụ với các đầu mối lớn cũng như hợp tác với các công ty thức ăn để người chăn nuôi có thể lấy thức ăn giá gốc, giảm thiểu được chi phí sản xuất.
Bà Võ Thị Hồng - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tháp Mười cho biết: “Phong trào nuôi ếch trên địa bàn huyện phát triển tự phát, manh mún, nhỏ lẻ nên rất khó quản lý, nhất là quản lý chất lượng ếch giống. Các hộ thường nuôi theo phong trào, chưa nắm rõ kỹ thuật nuôi, thiếu nguồn ếch bố mẹ có chất lượng nên trong quá trình nuôi gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, chưa thật sự ổn định, giá cả biến động thất thường làm tăng rủi ro cho các hộ nuôi. Ngoài ra, các nghiên cứu chuyên sâu về các loại bệnh trên ếch nuôi cũng như các loại thuốc đặc trị riêng cho ếch chưa nhiều cũng khiến nghề nuôi ếch gặp khó”.
Có thể bạn quan tâm

Kết quả trồng thử nghiệm giống ổi xá lị không hạt ở xã Hiệp Cát, Hiệp Lực (Hải Dương) cho thấy, cây sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất đạt 7,5 tấn/ha, quả dài, vị ngọt...

Trong những năm qua nhờ chính sách của tỉnh trong việc khuyến khích người dân chuyển đổi ruộng trũng cấy lúa một vụ kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi kết hợp với thả cá và đã giàu lên nhanh chóng. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Văn Dũng thôn Thiện Dũ, xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành.

Ông Đặng Quang Tám - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Bình Định, cho biết: Thời gian gần đây, thời tiết nắng nóng kéo dài đã làm cho một số đối tượng sâu bệnh đang có nguy cơ phát sinh mạnh gây hại lúa vụ hè thu.

Huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nằm giữa hai con sông lớn là sông Ninh Cơ và sông Đáy, lại có 12km bờ biển nên thuận lợi cho việc phát triển nuôi thủy sản. Để đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững, huyện đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, từ quy hoạch vùng sản xuất, xác định cơ cấu con nuôi phù hợp với trình độ thâm canh của các hộ nuôi và đặc điểm tự nhiên của từng vùng.

Vào những năm 1990, phong trào nuôi trăn ở Cà Mau rất phát triển, đem lại thu nhập khá cao và ổn định cho người nuôi. Tuy nhiên, về sau giá trăn bấp bênh, thị trường tiêu thụ yếu, khó bán, có người phải mang trăn con thả vào rừng, nhiều hộ đã nghỉ nuôi hoặc nuôi cầm chừng. Trong 2 năm trở lại đây, phong trào nuôi trăn thịt và trăn đẻ đã phát triển trở lại trên địa bàn tỉnh.