Nuôi Cá Vụ Ba Mang Lại Thu Nhập Cao

Hàng năm, sau khi thu hoạch xong vụ hè-thu, trong thời gian nông nhàn mùa mưa lũ, bà con nông dân xã Tân Thủy (Lệ Thủy - Quảng Bình) đã tận dụng nguồn nước dồi dào từ hồ Bàu Sen để thả cá vụ ba mang lại thu nhập cao, cải tạo ruộng lúa cho mùa vụ mới.
Mô hình nuôi cá vụ ba ở Tân Thủy xuất hiện từ hơn chục năm trước. Ngoài hai vụ lúa chính, mỗi năm tới mùa mưa lũ, nước từ hồ Bàu Sen dâng lên tràn vào ruộng lúa, người dân tận dụng thả cá giống vào ruộng, khi nước rút cũng là lúc bắt đầu thu hoạch. Mô hình này khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp (chỉ mua giống), ít công chăm sóc nhưng vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, nuôi cá vụ ba giúp người nông dân giải quyết việc làm thời gian nông nhàn trong mùa mưa lũ.
Anh Trần Quang Hợp ở thôn Tân Bằng là một trong những hộ nuôi cá vụ ba đầu tiên cho biết: "Mỗi ha ruộng thả khoảng 70 - 80 kg cá giống, chủ yếu là cá trắm, rô phi, cá lóc. Sau 3 tháng bắt đầu thu hoạch, trừ hết chí phí mỗi ha cho lãi từ 10 - 15 triệu đồng. Tính ra trung bình mỗi tháng lũ người dân thu lợi nhuận từ cá vụ ba từ 3 - 5 triệu đồng, mấy tháng mùa lũ khó kiếm được việc làm ổn định, với nông dân như rứa là mừng lắm...".
Mùa vụ năm nay, anh Hợp nuôi thả gần 10ha ruộng cá vụ ba. Từ đầu vụ anh thuê lại từ những hộ có diện tích ruộng manh mún, sau đó mua lưới be bờ và thả cá. Năm nay lũ không lớn, đến cuối tháng bắt đầu thu hoạch nếu được giá sẽ thu lãi cả trăm triệu đồng - anh Hợp nhẩm tính. Chẳng những có kinh nghiệm nuôi, anh Hợp còn ươm thành công cá giống sinh sản, mỗi mùa cung cấp hàng tấn cá giống phục vụ cho bà con nông dân trong xã nuôi cá vụ ba.
Vì đặc điểm chỉ nuôi trong vòng mấy tháng mùa lũ nên cá giống khi xuất đã lớn trong giai đoạn phát triển và tỉ lệ sống phải cao bởi vậy trại cá giống của anh Hợp là địa chỉ tin cậy của bà con nông dân. Nhiều người đầu mùa tới mua nợ cá giống đến khi thu hoạch xong bán cá mới trả. Hiện nay, nhiều hộ nuôi cá ở các địa phương lân cận cũng tìm tới trại giống của anh Hợp.
Không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc nuôi cá vụ ba còn giúp cải tạo ruộng lúa cho vụ mùa tới. Cá chủ yếu ăn những sinh vật phù du trôi về theo lũ, ăn cỏ, gốc rạ, sục bùn giúp đồng ruộng sạch sẽ và giảm nguy cơ bị sâu bệnh cho lúa. Một số hộ dân còn cho biết, sau khi vào vụ mới thì lúa phát triển tốt hơn, chi phí phân bón và thuốc trừ sâu cũng ít hơn những ruộng không nuôi cá vụ ba...
Ông Phan Quang Dũng, Chủ tịch UBND xã Tân Thủy cho biết, người dân trên địa bàn xã chủ yếu làm nghề nông, trước đây khi gặt xong vụ hè - thu bà con thường tìm công việc khác chờ qua mùa lũ mới tiến hành sản xuẩt vụ mới. Nhưng từ năm 2000, một số hộ dân nảy ra ý tưởng thả cá vụ ba và mang lại hiệu quả cao. Từ đó, mô hình này được nhân rộng ra toàn xã. Hiện nay cả xã có hơn 120 ha nuôi cá vụ ba. Nhận thấy mô hình này có hiệu quả cao, tạo thêm thu nhập cho người dân, hằng năm, chính quyền xã đều lên kế hoạch nuôi cá vụ ba và hỗ trợ 500 nghìn đồng/ha giúp bà con mua giống, lưới cập bờ...
Tuy nhiên, nuôi cá vụ ba cũng gặp nhiều rủi ro do lũ lụt. Đặc biệt những năm có lũ lớn, như trong trận lũ lịch sử 2010 diện tích nuôi cá vụ ba ở Tân Thủy mất trắng hoàn toàn. Mặc dù vậy, với lợi nhuận cao, chi phí thấp, ít công chăm sóc lại tận dụng được thời gian nông nhàn nên nhiều người dân vẫn chọn nuôi. Mỗi năm diện tích nuôi cá vụ ba ở Tân Thủy đều tăng so với năm trước. Năm nay, lũ không lớn, được mùa cá vụ ba, nhiều ruộng cá đã bắt đầu thu hoạch như tiếp thêm niềm vui để bà con nông dân bắt tay vào sản xuất vụ đông - xuân.
Có thể bạn quan tâm

Do ảnh hưởng của đợt rét đậm rét hại nên tổng diện tích lúa chiêm xuân của huyện bị thiệt hại xấp xỉ 570ha, trong đó diện tích bị thiệt hại từ 30-70% là 334,3ha (lúa lai 75,6ha, lúa thuần 247,1ha); diện tích bị thiệt hại trên 70% là 261,5ha (lúa lai 14,4ha, lúa thuần 247,1 ha).

Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thị xã Phú Thọ đã có bước phát triển ổn định. Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất được xây dựng, triển khai, nhân rộng đem lại hiệu quả kinh tế cao góp phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.

Nhờ được bố mẹ chồng truyền kinh nghiệm nên chị nắm rất rõ những loại rau rừng cần hái. Theo chị Tiến, rau và lá rừng có hàng chục loại khác nhau nên người hái phải nắm vững từng loại nếu không sẽ nhầm. Với rau rừng, ngon nhất là rau bướm, rau dớn, rau chọi, rau cu, rau sân...

Sáng nay (3/3), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn kiểm tra việc phối hợp triển khai mô hình chăn nuôi vừa và nhỏ giữa các hộ dân với doanh nghiệp tại huyện Vũ Quang.

Học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ bạn bè, người quen, bắt đầu từ đồng vốn ít ỏi, từng bước phát triển mô hình kinh tế trang trại với cây trồng, vật nuôi đa dạng hơn - đó là bí quyết làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp của đoàn viên Lê Anh Tuấn (xóm 6, xã Sơn Quang, Hương Sơn).