Nuôi Cá Trắm Đen Công Nghiệp Lãi 200 Triệu Đồng Mỗi Ha

Cá trắm đen có thị trường tiêu thụ rộng nên đạt hiệu quả kinh tế cao gấp gần 4 lần so với các loại cá truyền thống.
Trung tâm Giống Thủy sản Hà Nội cho biết, mô hình nuôi cá trắm đen tại hai huyện Ba Vì và Chương Mỹ (Hà Nội) với tổng quy mô 2 ha bước đầu đã đem lại hiệu quả rõ rệt, ước tính đạt năng suất từ 10-11 tấn/ha cho lợi nhuận 200 triệu đồng/ha.
Nuôi cá trắm đen, theo phương pháp công nghiệp dễ nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, thị trường tiêu thụ rộng nên đạt hiệu quả kinh tế cao gấp gần 4 lần so với các loại cá truyền thống.
Trắm đen là một trong số các loại cá đặc sản nước ngọt không những có chất lượng thịt thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao mà còn có một số tác dụng tốt trong y học nên được người dân ưa chuộng. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, giá thành trên thị trường cao, từ 120.000-140.000 đồng/kg, các mô hình nuôi cá trắm đen đã đem lại hiệu quả cao cho người nuôi.
Kỹ sư Vũ Thị Ngân - Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội cho biết, cá trắm đen sống trong môi trường nước sạch, được thả với mật độ 0,4 con/m2 với tỷ lệ thả ghép 99% cá trắm đen, 1% cá mè, quy cỡ cá 1,0-1,2 kg/con.
Trong suốt quá trình nuôi cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường cũng như các hoạt động của cá để có biện pháp chăm sóc thích hợp. Thức ăn cho cá chủ yếu là thức ăn công nghiệp với hàm lượng đạm ≥ 35%, ngoài ra có thể cho cá ăn thêm ốc để tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên có sẵn.
Theo kinh nghiệm của các hộ, để nuôi cá trắm đen đạt hiệu quả kinh tế cao cần lưu ý cá trắm đen có nhu cầu ô xy cao hơn các loài cá khác. Nếu không đủ ôxy cá chậm phát triển, dễ bị bệnh và chết.
Do đó, môi trường ao nuôi luôn sạch, bề mặt ao thoáng. Mực nước trong ao luôn giữ khoảng 1,5-2m, khi cá lớn hơn 2 kg cần duy trì mức nước sâu trên 2m. Hàng tuần bơm thêm nước mới để kích thích sinh trưởng và thay nước nếu thấy cần thiết.
Để phòng trừ dịch bệnh cho cá, định kỳ 10-15 ngày bón vôi bột với liều lượng 2 kg/100m2. Sau khi nuôi khoảng 1 năm cá đạt kích cỡ từ 2-3 kg/con (có con vượt cỡ đạt 3,5-4 kg/con), lúc này có thể tiến hành thu tỉa để giảm mật độ.
Theo Trung tâm Giống Thủy sản Hà Nội, mô hình nuôi cá trắm đen hứa hẹn mang lại hiệu quả cao góp phần tăng thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân. Hiện nay, sản lượng cá nuôi được rất ít trong khi nhu cầu của thị trường nội địa với cá trắm đen thương phẩm tương đối lớn.
Có thể bạn quan tâm

Hoạt động chăn nuôi đang có dấu hiệu khởi sắc, có lợi cho người nông dân. Đó là nhận định của ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại Hội nghị đánh giá kết quả triển khai mô hình chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 2/12, tại Hà Nội.

Những năm gần đây, nông dân huyện Năm Căn không ngừng tìm hướng đi mới trong sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Mô hình nuôi sò huyết giờ đã trở thành phong trào và giúp nhiều nông dân có thu nhập ổn định.

Cầm trên tay một khay bắp hạt, bà Trần Thị Sạ bước ra bên hiên nhà dưới gọi “lộc, lộc, lộc...” cả chục chú hươu mới trưởng thành chạy ùa ra trước sân chuồng đón mừng một bữa trưa thường nhật. Bỗng có khách lạ vào tham quan, chúng ngơ ngác chạy lùi ra xa. Bà Sạ kể: “Hồi mới đưa về xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng này, nuôi nhốt hai chục con hươu (còn gọi là con lộc) trong chuồng nhà mãi đến mấy tháng sau, chúng mới quen dần tiếng gọi, tiếng chân đi của chủ nhà…”.

Giống lúa năng suất, chất lượng cao Japonica ĐS 1 được trồng thử nghiệm thành công tại thôn Cốc Cai, xã Mậu Duệ (Yên Minh) trong vụ Xuân, vụ Mùa năm 2013.

Chúng tôi tìm đến vườn tiêu của anh Lê Văn Cương, hội viên Hội Nông dân xã Long Hưng, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước. Đập vào mắt chúng tôi là những trụ tiêu xanh um, xếp hàng thẳng tắp đang sản xuất theo quy trình VietGap.