Nuôi Cá Rô Phi Theo GAP

Để nâng cao giá trị sản xuất cá rô phi đơn tính trên địa bàn miền núi, từ cuối tháng 4/2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng triển khai xây dựng 4 mô hình “Nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực theo quy trình GAP” tại xã Tân Văn và xã Đông Thanh, huyện Lâm Hà, bước đầu đạt hiệu quả kinh tế khá cao.
Bốn hộ tham gia có nhiều kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt, mỗi gia đình hợp tác nuôi cá rô phi đơn tính đực theo GAP với diện tích mặt nước từ 2.000 - 3.000m2. KS. Nguyễn Văn Thành, người trực tiếp tổ chức thực hành mô hình, cho biết: Trước tiên, cán bộ kỹ thuật cùng 4 chủ mô hình cải tạo, làm vệ sinh sạch sẽ hồ nuôi, xử lý nước bằng vôi bột nông nghiệp, hóa chất và các chế phẩm sinh học nằm trong danh mục được phép sử dụng nuôi trồng thủy sản trên cả nước.
Tiếp theo là thả cá giống khỏe, hình dáng bên ngoài tươi sáng, không bị dị hình, dị tật; gồm 70% giống cá rô phi đơn tính đực, kích cỡ từ 4 - 6cm; 30% nuôi ghép gồm cá chép lai (kích cỡ chiều dài 4 - 6cm/con), cá mè và cá trắm cỏ (kích cỡ trên 12cm/con); mật độ 2,5 con/m2.
Trong quá trình chăm sóc cá và quản lý hồ nuôi (kéo dài khoảng 7 tháng), cán bộ kỹ thuật luôn bám sát, hướng dẫn nông dân cách bảo vệ nguồn nước xanh trong; cách sử dụng thuốc kháng sinh an toàn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phương pháp ghi chép nhật ký “trưởng thành” của cá hàng ngày cùng những phát sinh mới về điều kiện môi trường, thời tiết xung quanh hồ nuôi …
Đến đầu tháng 12/2013, trọng lượng thu hoạch bình quân của cá rô phi thuộc 4 mô hình đạt 0,6 kg/con. Với giá thị trường 30.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi từ 22 - 26 triệu đồng/1.000m2. “Nếu làm phép tính trên 1ha mặt nước, với kỹ thuật theo GAP, trong 7 tháng sẽ thu 13 tấn cá rô phi và gần 10 tấn cá mè, chép, trắm cỏ nuôi ghép…”, KS. Thành nói.
So sánh với nuôi thông thường, mô hình nuôi cá rô phi đơn tính đực theo GAP rút ngắn thời gian thu hoạch đến 3 tháng; năng suất thu hoạch cá thương phẩm cao hơn từ 30 - 35%. Tuy nhiên, có 1 mô hình không đạt yêu cầu do thả cá giống gặp mưa kéo dài, việc xử lý nguồn nước mưa trong hồ không kịp thời và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, dẫn đến số cá nuôi chết với tỷ lệ tăng nhiều trong quá trình chăm sóc, kết quả chỉ thu lãi gần 8,2 triệu đồng/1.000m2 mặt nước.
Hiện các chủ mô hình đang cải tạo hồ nuôi, chuẩn bị xuống giống lứa mới, hứa hẹn là điểm trình diễn giúp nông dân nhân rộng mô hình, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Trong 3 năm (1994 - 1996), cả 4 dòng cá rô phi vằn nhập nội đã được đưa vào nuôi thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 và nhiều địa phương trên miền Bắc nước ta: ở vùng nước lợ tỉnh Quảng Ninh, trong ao gia đình của tỉnh Hải Dương (vùng đồng bằng) và của tỉnh Thái Nguyên (vùng miền núi).

Nuôi từ cá giống thành cá bố mẹ hoặc thả cá bố mẹ vào ao đẻ cho cá đẻ tự nhiên. Sau khi cá đẻ, chuyển cá bố mẹ từ ao cá đẻ vào ao nuôi vỗ tiếp để cho đẻ lứa tiếp theo và dùng ao cá đẻ làm ao ươm cá bột.

Cá rô phi vằn dòng việt (1) là dòng cá được nhập từ đài loan vào miền Bắc nước ta năm 1973 và sau khi giải phóng miền Nam được chuyển ra Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 năm 1977. Dòng cá này được lưu giữ chu đáo và chăm sóc tốt nên đã thích nghi cao với điều kiện các tỉnh phía Bắc.

Đến thời kỳ sinh sản, cá rô phi có hiện tượng “áo cưới”, rõ nhất là ở cá đực. Lúc này cá có màu sắc sặc sỡ hơn, các vạch ngang thân có màu sắc đậm hơn. Cá đực và cá cái bơi bám sát nhau. Cá đực và cá cái cùng hợp lực đào hố ở đáy ao. Cá chỉ ngừng đào khi hố đẻ đã như ý: hình tròn, dốc thoai thoải, trơn nhẵn và không còn bùn lắng đọng.

Nếu trong cùng một ao thì cá đẻ lứa trước quay trở lại ăn cá bột đẻ lứa sau là điều tất yếu xảy ra. Tập tính đẻ tự nhiên nhiều lần gây ra mật độ dầy trong ao nuôi không có nghĩa là việc sản xuất cá rô phi giống đơn giản và dễ dàng thu được số lượng lớn cá giống cùng cỡ.