Nuôi Cá Lóc Tự Phát Gây Ô Nhiễm Môi Trường Ở Mỹ Đức (Bình Định)

Nuôi cá lóc mang lại thu nhập tương đối khá nên nhiều hộ dân ở các đội 7, 8 và 9 thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ - Bình Định) đã đổ xô đào ao, trải bạt nuôi cá lóc trong vườn nhà. Việc nuôi cá không theo quy hoạch đã làm môi trường ở đây bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Tại thôn Hòa Tân có khoảng 40 hộ dân, trong đó đội 7 chiếm hơn một nửa số hộ đào ao, lót bạt nuôi cá lóc. Mỗi nhà đào ít nhất 2 - 3 ao, có nhà 6 - 7 ao; mỗi ao có diện tích khoảng vài chục mét vuông, mật độ cá nuôi trong ao dày đặc.
Theo quan sát của chúng tôi, tại các hộ nuôi cá này, không nhà nào có hệ thống dẫn chất thải và hầm chứa chất thải. Mỗi ngày ít nhất 2 lần, các hộ nuôi cá xả chất thải từ ao cá như thức ăn thừa, phân cá ngay trong vườn nhà, chảy ra ngoài đường đi và ruộng lúa của người khác, gây mùi hôi tanh nồng nặc. Hệ lụy của việc làm tự phát này khiến cho hàng trăm hộ dân ở đây phải lãnh đủ.
Anh Lê Thanh Hùng, một người dân ở đội 7, bức xúc: “Họ (người nuôi cá - NV) xả nước thải tràn lan, khiến nước giếng bị nhiễm bẩn, nước uống có mùi hôi tanh. Đi làm về, nhà nào cũng phải đóng kín cửa để tránh mùi tanh từ chất thải”. Không chỉ anh Hùng, nhiều hộ dân khác cũng bức xúc: Nước từ các ao cá thải ra ruộng khiến lúa bị thối gốc. Ruồi, muỗi sinh ra rất nhiều dễ dẫn đến dịch bệnh. Đáng lo hơn, các hộ này khoan giếng sâu để lấy nước nuôi cá làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, nhiều giếng ở đây luôn trong tình trạng cạn khô.
Được biết, vấn đề ô nhiễm môi trường từ các hộ nuôi cá lóc tự phát ở thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức đã được người dân nhiều lần phản ánh đến thôn và chính quyền xã. Mới đây, các đại biểu Quốc hội về tiếp xúc cử tri tại xã Mỹ Đức, người dân cũng đã nêu ý kiến về việc ô nhiễm và đề nghị chính quyền địa phương, các ngành chức năng can thiệp.
Ông Lê Văn Chinh, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, cho biết: UBND xã đã nhận được phản ánh từ người dân. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó giải quyết; vì người dân cho rằng vườn nhà của họ nên muốn xả đâu chẳng được. Hơn nữa, xã cũng chưa có khu nào quy hoạch để người dân nuôi cá.
Để cho nghề nuôi cá lóc ở xã Mỹ Đức phát triển bền vững, tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, chính quyền xã Mỹ Đức cần nhanh chóng quy hoạch vùng nuôi cá xa khu dân cư. Có vậy, người dân sẽ không tự phát đào ao nuôi cá và khoan giếng nước ngầm tràn lan như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Nghệ An đang đặt mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản năm 2016 đạt 46.000 tấn.

Hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 23.300 lồng nuôi tôm hùm, chiếm hơn 40% tổng số lồng nuôi của cả nước. Trong đó, huyện Vạn Ninh có khoảng 10.000 lồng, TP. Cam Ranh hơn 7.000 lồng, TP. Nha Trang khoảng 3.000 lồng...

Hơn 300 ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản (NTTS) - chủ yếu là tôm, cá - tại thôn Huỳnh Giản Bắc và Huỳnh Giản Nam, xã Phước Hòa (Tuy Phước - Bình Định) bị nhiễm phèn nặng nên người NTTS tại đây thường xuyên rơi vào cảnh mất mùa, thua lỗ.

Theo Sở NN&PTNT, tình hình xuống giống vụ lúa - tôm của nông dân hiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do ảnh hưởng thời tiết không thuận lợi, xâm nhập mặn…

Sau khi thu hoạch xong tôm vụ 2, nhiều gia đình ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An vẫn tiếp tục đầu tư nuôi tôm vụ 3, với kỳ vọng tôm sẽ tăng giá trở lại.