Nuôi Cá Chiên Lồng Trên Sông Lô

Cá chiên là loài cá hoang dã, sống ở các sông; cá có thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, loài cá này đang bị khai thác quá mức, dẫn đến ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, giá thành của cá chiên ngày một cao, có thời điểm dao động từ 370 – 430 nghìn đồng/kg. Xuất phát từ thực tiễn đó, một số hộ dân của xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (nơi có dòng sông Lô chảy qua), đã mạnh dạn đầu tư các lồng bằng tre kiên cố để nuôi cá chiên trên sông.
Lồng nuôi cá chiên được người dân thiết kế với kích thước lồng từ 5 – 7 m2 và có chiều cao từ 1,7 – 2,5 m. Mỗi lồng nuôi từ 45 – 50 kg, đối với cá chiên có trọng lượng từ 0,5 – 0,7 kg/con. Khi cá lớn được tách đàn và nuôi từ 100 – 130 con/lồng. Nguồn cá giống được các hộ nuôi thu mua của các gia đình đánh bắt cá ở các sông, suối.
Anh Nguyễn Văn Hoàn, một chủ hộ đã tham gia nuôi cá chiên lồng từ 5 năm nay cho biết, thức ăn chủ yếu của cá chiên là các loài động vật như ốc bươu vàng, các loại cá nhỏ, giun quế… nhưng cũng có thể dùng bột ngô, cám gạo nấu với thức ăn động vật tạo thành một dạng thức ăn đặc sánh để cho cá ăn. Sau thời gian nuôi từ 8 – 9 tháng, cá có trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3,0 kg/con, nếu chăm sóc tốt cá có thể đạt trọng lượng trên 4,0 kg/con.
Anh Hoàn cho biết thêm: "Nuôi cá chiên không bao giờ sợ bị ép giá, vì khi cá có đủ trọng lượng để xuất bán (bình quân cá đạt khoảng 3,0 kg/con) nếu thấy chưa được giá, người nuôi vẫn có thể nuôi cho cá tiếp tục lớn. Khi cá chiên càng lớn thì càng được giá, nếu cá chiên có trọng lượng trên 10 kg/con thì giá cá có thể cao gấp 1,5 lần so với cá có trọng lượng bình thường".
Cũng theo anh Hoàn, hiện nay đã có 12 gia đình tham gia nuôi cá chiên lồng, mỗi gia đình có từ 3 – 5 lồng, riêng gia đình anh đầu tư 5 lồng nuôi cá chiên trên sông Lô, bình quân mỗi lồng cho thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Mặc dù mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô đã mang lại hiệu quả thiết thực và được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền xã Tân Thành và các cấp các ngành của tỉnh Hà Giang; nhưng vẫn còn nỗi băn khoăn của các hộ nuôi cá chiên lồng, đó là nguồn cá giống còn phải phụ thuộc vào nguồn thu gom trong tự nhiên. Vì vậy để giúp người dân có điều kiện chủ động và mở rộng qui mô nuôi cá chiên lồng, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Trung tâm Thủy sản tỉnh nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để cho cá chiên sinh sản nhân tạo, đến nay, đã mang lại kết quả bước đầu.
Có thể bạn quan tâm

Kể từ ngày 17/2/2016, các quốc gia, trong đó có Việt Nam muốn xuất khẩu thực phẩm tươi sống có nguồn gốc thực vật vào Indonesia phải thực hiện cung cấp thông tin theo yêu cầu của nước này để xem xét, công nhận hệ thống quản lý an toàn thực phẩm và phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

Nhiều nhà vườn trồng bưởi trong tỉnh Trà Vinh đang rất phấn khởi, do giá bưởi luôn ở mức cao và ổn định, đặc biệt là hai loại bưởi da xanh và bưởi năm roi.

Tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam” hôm 22.9, ông Võ Thành Đô – Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm sản và nghề muối cho biết (Bộ NNPTNT) cho biết, Việt Nam có 4,1 triệu ha đất trồng lúa.

Loại quả có cái tên tiếng Việt mỹ miều nho chuỗi ngọc trong suốt đang được rao giá 2 triệu đồng/kg thực chất là loại cây dại mọc trước sân nhà mỗi gia đình tại một số quốc gia.

Anh Lê Văn Gạo (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Phú, huyện Tân Phú Đông) được nhiều nhà vườn ở trong và ngoài tỉnh biết đến với thành công từ việc mạnh dạn chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây mãng cầu Xiêm đạt hiệu quả kinh tế cao.