Nuôi Cá Chiên Lồng Trên Sông Lô

Cá chiên là loài cá hoang dã, sống ở các sông; cá có thịt thơm ngon và có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, loài cá này đang bị khai thác quá mức, dẫn đến ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, giá thành của cá chiên ngày một cao, có thời điểm dao động từ 370 – 430 nghìn đồng/kg. Xuất phát từ thực tiễn đó, một số hộ dân của xã Tân Thành, huyện Bắc Quang (nơi có dòng sông Lô chảy qua), đã mạnh dạn đầu tư các lồng bằng tre kiên cố để nuôi cá chiên trên sông.
Lồng nuôi cá chiên được người dân thiết kế với kích thước lồng từ 5 – 7 m2 và có chiều cao từ 1,7 – 2,5 m. Mỗi lồng nuôi từ 45 – 50 kg, đối với cá chiên có trọng lượng từ 0,5 – 0,7 kg/con. Khi cá lớn được tách đàn và nuôi từ 100 – 130 con/lồng. Nguồn cá giống được các hộ nuôi thu mua của các gia đình đánh bắt cá ở các sông, suối.
Anh Nguyễn Văn Hoàn, một chủ hộ đã tham gia nuôi cá chiên lồng từ 5 năm nay cho biết, thức ăn chủ yếu của cá chiên là các loài động vật như ốc bươu vàng, các loại cá nhỏ, giun quế… nhưng cũng có thể dùng bột ngô, cám gạo nấu với thức ăn động vật tạo thành một dạng thức ăn đặc sánh để cho cá ăn. Sau thời gian nuôi từ 8 – 9 tháng, cá có trọng lượng trung bình từ 2,5 – 3,0 kg/con, nếu chăm sóc tốt cá có thể đạt trọng lượng trên 4,0 kg/con.
Anh Hoàn cho biết thêm: "Nuôi cá chiên không bao giờ sợ bị ép giá, vì khi cá có đủ trọng lượng để xuất bán (bình quân cá đạt khoảng 3,0 kg/con) nếu thấy chưa được giá, người nuôi vẫn có thể nuôi cho cá tiếp tục lớn. Khi cá chiên càng lớn thì càng được giá, nếu cá chiên có trọng lượng trên 10 kg/con thì giá cá có thể cao gấp 1,5 lần so với cá có trọng lượng bình thường".
Cũng theo anh Hoàn, hiện nay đã có 12 gia đình tham gia nuôi cá chiên lồng, mỗi gia đình có từ 3 – 5 lồng, riêng gia đình anh đầu tư 5 lồng nuôi cá chiên trên sông Lô, bình quân mỗi lồng cho thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng/năm sau khi đã trừ các khoản chi phí.
Mặc dù mô hình nuôi cá lồng trên sông Lô đã mang lại hiệu quả thiết thực và được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền xã Tân Thành và các cấp các ngành của tỉnh Hà Giang; nhưng vẫn còn nỗi băn khoăn của các hộ nuôi cá chiên lồng, đó là nguồn cá giống còn phải phụ thuộc vào nguồn thu gom trong tự nhiên. Vì vậy để giúp người dân có điều kiện chủ động và mở rộng qui mô nuôi cá chiên lồng, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Trung tâm Thủy sản tỉnh nghiên cứu các biện pháp kỹ thuật để cho cá chiên sinh sản nhân tạo, đến nay, đã mang lại kết quả bước đầu.
Có thể bạn quan tâm

Giá đường tại kho các nhà máy sản xuất đã xuống tới mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, trong khi lượng đường tồn kho tăng 50% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Cửu, Chủ tịch Hội Nuôi nhuyễn thể Giao Thủy là trùm của mọi ông trùm ngao miền Bắc. Hơn hai mươi năm trước ông đã du nhập con ngao méo Thanh Hóa về Giao Xuân (Giao Thủy, Nam Định) để nghề này dần trở nên thịnh vượng.

Ông Thái An Lai, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Đồng Tháp cho hay mấy năm gần đây giá cá tra nguyên liệu luôn đứng ở mức thấp, tiêu thụ khó khăn đã ảnh hưởng nhiều đến ngành nuôi cá của tỉnh. Một thời gian dài, giá cá tra luôn ở mức xấp xỉ và thấp hơn giá thành sản xuất cá đẩy người nuôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Sản lượng cá tra toàn tỉnh 3 tháng đầu năm ước khoảng 95.500 tấn.

Chi cục Thủy sản Vĩnh Phúc vừa tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá rô phi đơn tính giống mới theo hình thức thâm canh cho và 50 chủ trang trại nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Mấy ngày qua, trên các tuyến đường nông thôn tập trung chủ yếu ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Dương Minh Châu xuất hiện nhiều xe chở củ mì dính đầy bùn đen đem bán cho các cơ sở chế biến mì trong tỉnh. Hỏi ra mới biết nông dân đang thu hoạch sớm do trồng mì trên những vùng đất thấp, đó là những chân ruộng được canh tác theo chế độ luân canh "1 lúa 1 mì" hoặc là những vùng đất trồng mía sau khi hết chu kỳ.