Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi cá chẽm trên phá hướng đi thoát nghèo

Nuôi cá chẽm trên phá hướng đi thoát nghèo
Ngày đăng: 31/10/2015

Nuôi cá lồng trên phá đang mang lại hiệu quả kinh tế cao

Trước tình trạng nguồn lợi thủy sản trên phá Tam Giang ngày càng suy kiệt, ngư dân các xã ven phá đối mặt với nhiều khó khăn, năm 2014, “Quỹ hỗ trợ sự tham gia của người dân và trách nhiệm giải trình”(Paraff) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh xây dựng dự án “Huy động sự tham gia của người dân bảo vệ môi trường phá Tam Giang” tại 2 xã Quảng Lợi và Quảng Thái (Quảng Điền).

Ngoài tập huấn nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hỗ trợ mô hình chuôm, dự án còn giúp người dân xây dựng mô hình nuôi cá chẽm trong lồng.

Từ hiệu quả của hoạt động nuôi trồng này, sau khi dự án kết thúc những người dân Quảng Lợi đã học hỏi thêm kinh nghiệm và nhân rộng mô hình này.

Ông Nguyễn Nhân là một trong 10 hộ nhận hỗ trợ từ dự án Paraff xây dựng 1 lồng nuôi cá chẽm trên phá Tam Giang.

Sau khi dự án kết thúc, ông cũng như những hộ còn lại vẫn tiếp tục phát triển mô hình và đưa thêm đối tượng nuôi này vào nuôi xen ghép trong hồ nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, ông đang thả nuôi 500 con giống trong diện tích lồng 30m2.

Ông Nhân phấn khởi: Qua 2 năm gắn bó với việc nuôi cá chẽm trong lồng, chúng tôi bắt đầu thấy được hiệu quả kinh tế mà đối tượng này mang lại.

Điều khá thuận lợi là khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung Ngư Mỹ Thạnh có lưu lượng dòng chảy lớn nên thường xuyên được điều tiết nước, lồng được đặt giữa phá nên đảm bảo về mật độ, ít bị tác động bởi môi trường nên cá ít xảy ra dịch bệnh.

Hơn nữa, đầu ra của cá chẽm khá dễ dàng.

Cá sau thu hoạch được tiểu thương mua tận nơi, giá cả dao động khoảng 90 ngàn đồng/kg, trung bình mỗi lồng gia đình thu nhập từ 45 đến 50 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi trên 30 triệu đồng.

Một đặc điểm khiến cá chẽm trở thành đối tượng nuôi được người dân quan tâm là khả năng thích nghi tốt với cả 3 môi trường nước mặn, nước lợ, nước ngọt nên dù có thay đổi các yếu tố nguồn nước cá cũng ít bị ảnh hưởng.

Thức ăn của cá chẽm là các loại cá tạp, người dân tận dụng trong quá trình đánh bắt, khai thác hàng ngày nên chi phí nuôi không quá lớn.

Ông Hồ Sỹ Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi cho hay: Từ hiệu quả của dự án Paraff, chúng tôi khuyến khích người dân đầu tư phát triển mô hình nuôi cá lồng trên phá Tam Giang.

Theo tính toán, mỗi lồng cá với diện tích 30m2/lồng, nếu được chăm sóc tốt sau 5 đến 6 tháng thả nuôi cho thu nhập khoảng 40 đến 50 triệu đồng.

Do đặc điểm thích nghi tốt và nuôi trong lồng nên mỗi năm có thể nuôi cá 2 vụ.

Nguồn cung con giống khá thuận lợi, chủ yếu lấy giống từ Thuận An chứ không cần phải đặt mua ở các tỉnh khác.

Hiện, toàn xã Quảng Lợi có 25 lồng nuôi cá chẽm, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn Ngư Mỹ Thạnh.

Mô hình nuôi cá chẽm trong lồng trên phá Tam Giang tại xã Quảng Lợi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các ngư dân.

Tuy nhiên, để mô hình này phát triển bền vững cần có sự liên kết từ nhiều phía nhất là việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi và tìm đầu ra ổn định cho đối tượng nuôi này.


Có thể bạn quan tâm

12 Loại Bệnh Thủy Sản Phải Công Bố Dịch 12 Loại Bệnh Thủy Sản Phải Công Bố Dịch

Phòng chống dịch bệnh thủy sản đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách trong bối cảnh nước ta tiếp tục đẩy mạnh XK và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, hệ thống quản lý giám sát dịch bệnh, thú y thủy sản ở các địa phương lại chưa thống nhất và xuyên suốt, thiếu đội ngũ cán bộ, thiếu nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn, cơ chế chính sách về thú y thủy sản... Hàng năm, dịch bệnh vẫn xảy ra ở nhiều địa phương và người nuôi thủy sản vẫn phải âm thầm chịu đựng tổn thất!

15/08/2012
Nuôi Sò Huyết Dưới Tán Rừng Phòng Hộ Nuôi Sò Huyết Dưới Tán Rừng Phòng Hộ

Tận dụng tối đa diện tích đất cho phép sử dụng/tổng diện tích đất rừng được nhà nước giao khoán để nuôi trồng thủy sản (TS), người dân huyện An Minh (Kiên Giang) đã liên tiếp giành được thắng lợi trong từng mùa vụ.

17/08/2012
Trồng Nhãn Xen Màu Cho Thu Nhập Cao Trồng Nhãn Xen Màu Cho Thu Nhập Cao

Mô hình trồng nhãn xen cây màu cho thu nhập trên 50 triệu đồng/vụ của anh Hoàng Ngọc Chung ở thôn Bản Nhuần I - xã Quảng Chu (Chợ Mới, Bắc Kạn) đang được xem là cách làm mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao và cần được nhân rộng.

17/08/2012
Làm Giàu Từ Gà Mía Làm Giàu Từ Gà Mía

Đến vùng đất cổ Đường Lâm, huyện Ba Vì, Hà Nội ai cũng biết đến mô hình chăn nuôi gà Mía hiệu quả nhờ mạnh dạn đầu tư, áp dụng khoa học của ông Nguyễn Quốc Quân (60 tuổi), người gắn liền với thương hiệu này nhiều năm nay.

18/08/2012
Hiệu Quả Từ Cây Xoài Bưởi Hiệu Quả Từ Cây Xoài Bưởi

Để giúp cho hộ trồng rừng có thêm thu nhập bên cạnh cây rừng, từ năm 1996, Chi Cục Kiểm Lâm đưa cây xoài Bưởi vào cơ cấu cây rừng. Riêng trên địa bàn xã An cư huyện Tịnh Biên, diện tích trồng Xoài xen Sao trong 3 năm, từ năm 1996 đến 1998, là 350ha. Với công thức kỹ thuật: Keo lá tràm 444 cây/ha + Sao 500 cây/ha + Xoài Bưởi 200 cây/ha. Sau bao năm vất vả, đến hôm nay, các hộ dân trồng rừng khu vực xã An Cư phấn khởi vì được mùa xoài.

19/08/2012