Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Bò Sữa Trên Đồng Đất Bãi

Nuôi Bò Sữa Trên Đồng Đất Bãi
Ngày đăng: 14/01/2015

Một số xã vùng đất bãi thuộc khu vực đồng bằng sông Hồng, người dân đang tận dụng đất bỏ hoang và chuyển một phần đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi bò sữa. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu.

Xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) nằm ven sông Hồng, trước đây, người dân chủ yếu sống nhờ cây ngô, cây lúa nên giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn.
Để cải thiện đời sống, nhiều hộ dân xoay sang trồng mía, trồng dâu tằm, nuôi lợn nhưng liên tiếp gặp rủi ro vì sản phẩm không tiêu thụ được. Cuối những năm 90 thế kỷ trước, khi chương trình nuôi bò sữa do Chính phủ Hà Lan tài trợ được phổ biến tại huyện Ba Vì (tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc TP Hà Nội), người dân Vĩnh Thịnh nhận thấy, đồng đất phù hợp trồng cỏ voi nuôi bò nên đã sang các địa phương lân cận học tập. Con bò sữa "bén duyên" đất này từ đó.
Người dân Vĩnh Thịnh vốn quen nuôi bò lấy thịt, làm sức kéo nên việc nuôi bò lấy sữa là khái niệm hết sức lạ lẫm. Ban đầu, toàn xã chỉ có vài hộ mạnh dạn đầu tư.
Thấy hiệu quả, đến nay, gần 80% số hộ dân trong xã đã tham gia nuôi bò lấy sữa. Ông Vũ Đức Thọ ở thôn An Lão Ngược, chia sẻ: "Hồi mới dắt con bê khoang đen, khoang trắng về làng, bà con đổ xô ra nhìn. Những ngày đầu vắt sữa còn lóng ngóng, vậy mà nay trở thành nghề chính, nuôi sống cả gia đình. Hiện, gia đình tôi nuôi 11 con bò, trong đó có tám con cho sữa.
Mỗi tháng, gia đình thu về từ 18 đến 20 triệu đồng tiền lãi. Có vốn, gia đình đầu tư mua thêm máy thái cỏ, máy xay xát, máy vắt sữa...".
Toàn xã Vĩnh Thịnh hiện có gần 3.200 con bò sữa, trong đó có 1.440 con đang cho khai thác. Một con bò trong thời kỳ lấy sữa, bình quân mỗi ngày cho từ 18 đến 25 kg sữa. Bình quân một chu kỳ (khoảng 10 tháng) sẽ cho từ 4,5 đến 5 tấn sữa. Với mức giá ở thời điểm hiện tại dao động từ 12 đến 13 nghìn đồng/kg sữa, mỗi con bò sữa cho thu nhập từ 45 đến 50 triệu đồng/năm.
Trừ khoảng 40 đến 50% chi phí đầu vào, nuôi bò sữa vẫn cho hiệu quả kinh tế cao. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh Đặng Văn Thành phấn khởi: Từ một vùng đất bãi nghèo khó, năm 2003, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 4,2 triệu đồng/người/năm. Nhờ sự chuyển hướng đúng đắn sang chăn nuôi bò sữa, tính đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đã tăng 24,4 triệu đồng/người/năm. Cũng trong năm 2013, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 197,7 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng giá trị thu nhập toàn xã. Trong đó, nguồn thu từ nông nghiệp chủ yếu nhờ chăn nuôi bò sữa.
Chăn nuôi bò sữa trên địa bàn xã Vĩnh Thịnh cho hiệu quả kinh tế cao là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thuận lợi về quỹ đất để phát triển sản xuất. Trong hoàn cảnh đó, từng hộ dân phải linh hoạt trong sản xuất để duy trì sự phát triển ổn định của đàn bò sữa.
Anh Đặng Văn Chương ở thôn An Lão Ngược, xã Vĩnh Thịnh cho biết: Vùng đất cao ngoài bãi trước đây vốn bỏ hoang, giờ nhà nào cũng trồng cỏ voi nuôi bò. Khi đàn bò phát triển mạnh thì cũng dẫn đến tình trạng khan hiếm thức ăn. Vào thời điểm rét đậm, nhiều gia đình phải sang các vùng lân cận mua lại cây ngô đã thu hoạch và vận chuyển về ủ làm thức ăn dự trữ cho bò. Giờ đây, để tiết kiệm chi phí, sang vụ đông, các gia đình tận dụng đất nhàn rỗi vãi ngô ra ruộng, đến thời điểm khan hiếm cỏ, sẽ chặt cây ngô làm thức ăn nuôi bò.
Bác Nguyễn Văn Thảo, xóm Nông, thôn Phù Dực, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, tâm sự: Ở đây, chăn nuôi chủ yếu trong khu dân cư nên mỗi nhà chỉ nuôi được từ ba đến bốn con bò sữa. Nếu tiếp tục tăng quy mô đàn sẽ gặp khó khăn về quỹ đất và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, chúng tôi chú trọng học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật để nâng cao chất lượng, sản lượng sữa. Tuy số lượng nuôi ít nhưng hiệu quả kinh tế vẫn cao.
Một con bò sữa hiện có giá từ 50 đến 60 triệu đồng. Khi xảy ra dịch bệnh, nếu không có sự can thiệp kịp thời, người nông dân có thể mất trắng. Hay việc chăm sóc không đúng cách, chỉ sau từ hai đến ba năm khai thác, bò sẽ không cho sữa. Do đó, vấn đề phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi đúng kỹ thuật có vai trò hết sức quan trọng. Theo Trưởng trạm Phát triển chăn nuôi Gia Lâm Khúc Huy Hoàng, hộ nuôi bò sữa phải được trang bị đầy đủ kiến thức để vừa có thể làm bác sĩ thú y, vừa đảm nhận vai trò làm kỹ sư chăn nuôi. Có vậy, việc nuôi bò sữa mới đạt hiệu quả kinh tế cao.
Hiện nay ở các địa phương, vấn đề đầu ra cho sản phẩm tương đối ổn định. Lượng sữa cung ứng thị trường được các đơn vị chế biến sữa ký hợp đồng thu mua với người nông dân và các trạm thu gom sữa, bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm. Giá thu mua sữa được điều chỉnh phù hợp từng thời điểm.


Có thể bạn quan tâm

Đổi Đời Nhờ Chuyển Hướng Canh Tác Đổi Đời Nhờ Chuyển Hướng Canh Tác

Những năm trước đây, anh Y Hô M’lô ở buôn Ea Sang, xã Ea H’đing (huyện Cư M’gar - Dak Lak) chủ yếu trồng lúa và hoa màu trên diện tích 3 ha đất canh tác của gia đình.

14/07/2014
Về Trà Vinh Săn Hàu Biển Về Trà Vinh Săn Hàu Biển

Hàu là loại ngư sản biển chuyên sống bám theo các vách đá. Ở tỉnh Trà Vinh, hàu sống nhiều theo vách các cống thoát nước xây bằng bê tông trong các ao tôm của người dân huyện Duyên Hải. Do đó, muốn săn bắt hàu, người ta phải ngâm mình dưới nước để dò tìm hàu.

04/12/2014
Trồng Mía Giải Khát Thận Trọng Khi Đầu Tư Trồng Mía Giải Khát Thận Trọng Khi Đầu Tư

Ở Diên Khánh - vùng trồng cây mía giải khát lớn nhất tỉnh Khánh Hòa - trong những ngày nắng hạn này, nông dân rất phấn khởi bởi mía bán được giá. Ông Lê Chơn (xã Diên Lâm) hồ hởi: “Tôi vừa bán 5 sào (5.000m2) mía tuần trước được 9,5 triệu đồng, so với giá mía đường hiện nay lãi gấp 3 lần nhưng thương lái vẫn hỏi mua vì đang hút hàng…”.

14/07/2014
Thủy Sản Lòng Hồ Trị An Bị Tận Diệt Thủy Sản Lòng Hồ Trị An Bị Tận Diệt

Chỉ thị trên yêu cầu Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố cùng các phòng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, nắm chắc các đối tượng tàng trữ, lắp ráp và vận chuyển vật dụng cấm dùng khai thác thủy sản; Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai chủ trì phối hợp với các sở, ngành cùng các địa phương vận động, tuyên truyền nhân dân tham gia bảo vệ, ngăn chặn hành vi khai thác thủy sản bằng chất cấm và thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

04/12/2014
Diện Tích Cây Ăn Quả Ở Hậu Giang Tăng 14.415 Ha Diện Tích Cây Ăn Quả Ở Hậu Giang Tăng 14.415 Ha

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, do hiệu quả kinh tế cao cộng với khai thác được các lợi thế về khí hậu, đất đai và lao động cùng với chủ trương chuyển đổi cây trồng, trong những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển cây có múi sạch bệnh và cây ăn trái đặc sản, trong đó có các cây trồng thế mạnh như: bưởi Năm Roi, cam mật, cam sành, quít đường, xoài cát Hòa Lộc…

14/07/2014