Nước Mặn - Chưa Vội Xuống Giống Lúa Vụ Hè - Thu Ở Bến Tre

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, bà con tập trung xuống giống đồng loạt từ đầu tháng 5 đến ngày 25-5-2013 để né rầy, sâu bệnh và thời tiết. Nhưng thực tế, cho đến bây giờ, bà con ở Ba Tri, Bình Đại và Giồng Trôm mới chỉ dọn đất và chờ “mưa già”, vì nước còn mặn.
Các xã thuộc tiểu vùng II của huyện Bình Đại (từ Long Hòa đến Thạnh Trị), bà con cũng chỉ mới bắt đầu dọn đất, cày ải, đắp bờ, làm cỏ ruộng. Trong những ngày qua, tuy có mưa nhưng nước không đủ để xuống giống; trên các kênh, rạch độ mặn vẫn còn khá cao. Tại cánh đồng mẫu Châu Hưng, bà con chỉ mới bắt đầu làm cỏ ruộng, một vài thửa đất trũng, có nước mưa, bà con cày ải và chờ đợi.
Theo lịch thời vụ vừa được huyện thông qua, vụ Hè - Thu năm 2013, toàn huyện ước gieo sạ diện tích 1.300ha với chỉ tiêu năng suất đạt hơn 6.000 tấn. Các giống lúa thuộc dòng OM được huyện khuyến cáo gieo sạ. Huyện Ba Tri có diện tích gieo sạ ước khoảng 12.000ha, với giống lúa chủ lực là OC 10. Hiện bà con ở xã Mỹ Chánh đang chuẩn bị xuống giống. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thành Lâm - Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, địa phương chưa có lịch cụ thể, khuyến cáo bà con nên chậm xuống giống trong thời điểm này, vì độ mặn trên các kênh, rạch còn khá cao (hơn 2 phần ngàn).
Do vụ Đông - Xuân chỉ cách vụ Hè - Thu có một tháng, trước đó, mặn đã xâm nhập và thấm sâu trong đất, nên phải chuẩn bị dọn đất cho thật kỹ, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành mở các cống xả để rửa mặn, phèn. Khi nước ở thượng nguồn ngọt, mưa già thì bà con nên xuống giống đồng loạt là tốt hơn.
Ông Nguyễn Thanh Nhân - Trưởng Trại giống Ba Tri, cho biết, lúa giống lưu trữ của Trại chỉ đáp ứng một phần nhỏ cho sản xuất. Tuy nhiên, các tổ sản xuất lúa giống của các xã sẽ có lúa nguyên chủng để cung cấp đủ cho bà con (1.000 tấn/vụ).
Còn theo ông Trần Vũ Thanh - cán bộ kỹ thuật của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, những ngày qua có mưa đầu mùa, là điều kiện để cỏ dại và lúa rài mọc nhiều, bà con cần dọn sạch. Thời tiết năm 2013 được dự báo là khá phức tạp, cho nên bờ ruộng phải được đắp lại cho thật kỹ để chủ động lấy và thoát nước; cần xử lý giống (bằng thuốc bảo vệ thực vật) để đảm bảo hạt giống khỏe. Vụ này, bà con nên sạ hàng, sạ thưa, bởi mưa nhiều (mật độ sạ từ 12 - 15 kg/công). Đầu vụ thường xuất hiện ốc bươu vàng tấn công khi lúa mới nẩy mầm, trong lúc gieo sạ, bà con có thể trộn thuốc để phòng ngừa và tiêu diệt ốc bươu vàng.
“Vụ Đông - Xuân vừa qua, mặn xâm nhập và thấm sâu vào đồng ruộng, bà con nên tiến hành cày ải, làm đất cho thật sạch, bón vôi, phân lân để làm cho đất tơi xốp và hạ độ phèn, mặn” - Ông Trần Vũ Thanh - cán bộ kỹ thuật Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang.
Có thể bạn quan tâm

Ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc, không sợ nguồn nước ô nhiễm, không sợ nắng nóng kéo dài mà lại thu lợi nhuận khá là những chia sẻ của người dân Trà Vinh đối với mô hình nuôi tôm dưới tán rừng.

Nuôi chình bông đạt năng suất cao không khó, nên giữ cho nước nuôi trong bể xi măng trong lành, tạo thêm oxy, cho ăn đầy đủ, cá chình tiêu thụ thức ăn không nhiều lắm nên tiết kiệm chi phí cho nhà nông.

Dù được dự báo là tình hình xuất khẩu gạo sẽ khả quan hơn trong vòng 6 tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) cần tiếp tục thay đổi chiến lược xuất khẩu, xuất khẩu theo nhu cầu, mở rộng thêm thị trường mới…

Ông Ngô Văn Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Liên (Hoà Vang, Đà Nẵng) cho biết, tại thôn Trường Định, xã Hoà Liên, có 33 hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 26ha. Hiện nay, con tôm đang ở thời kỳ từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tuổi. Gần đây, bỗng dưng tôm chết hàng loạt làm cho người nuôi điêu đứng.

Ông Lê Thanh Trị (58 tuổi), ở xã Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, vừa công bố chế tạo thành công chiếc máy tách vỏ xanh quả mắc ca. Chưa hết, ông Trị còn sắp cho ra đời thêm 2 loại máy là máy tách vỏ cứng, máy sấy mắc ca, để hoàn thành dây chuyền bóc tách vỏ và sấy khô mắc ca.