Nửa Đầu Năm, Nhập Bắp Nhiều Hơn Cả Năm 2013

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), trong 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 2,33 triệu tấn bắp, nhiều hơn tổng lượng bắp nhập khẩu của cả năm 2013. Nguyên nhân là do giá bắp trên thế giới trong những tháng qua xuống thấp nên doanh nghiệp nhập về để dự trữ cho những tháng tiếp theo.
Tuy lượng bắp nhập khẩu nhiều hơn cả năm 2013 khoảng 7.000 tấn nhưng giá trị nhập khẩu của 6 tháng đầu năm 2014 lại thấp hơn. Cụ thể, để nhập 2,33 triệu tấn bắp, năm nay doanh nghiệp chỉ bỏ ra 599 triệu đô la Mỹ, trong khi cả năm 2013, lượng bắp nhập khẩu là 2,26 triệu tấn nhưng lượng ngoại tệ bỏ ra là 690 triệu đô la Mỹ.
Năm nay, thị trường nhập khẩu bắp của Việt Nam đã có sự thay đổi. Năm 2013, Ấn Độ chiếm 55%, thứ hai là Brazil với 22,3% tổng kim ngạch nhập khẩu. Còn 6 tháng đầu năm 2014, Brazil là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam với giá trị nhập khẩu chiếm hơn 57%, còn Ấn Độ chỉ gần 22%.
Theo ông Nguyễn Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, do những tháng qua giá bắp trên thị trường thế giới giảm nên các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập về với số lượng lớn để dự trữ cho những tháng sản xuất tiếp theo.
Hiện đang có tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu bắp của Ấn Độ “xù hợp đồng” mặc dù Việt Nam muốn mua bắp của nước này hơn do thời gian vận chuyển từ Ấn Độ về nước khoảng chỉ 25-30 ngày, trong khi, thời gian vận chuyển từ Brazil dài gấp hai lần và chi phí cũng cao hơn.
“Do giá bắp tháng sau giảm so với tháng trước nên một số doanh nghiệp Ấn Độ đã tìm cách phá vỡ hợp đồng và không giao hàng. Vì thế, doanh nghiệp quay sang tìm nguồn hàng từ Brazil để thay thế cho nguồn hàng từ Ấn Độ”, ông Lịch nói.
Đại diện Cục Chăn nuôi, Bộ NN - PTNT cho rằng, lượng bắp nhập khẩu tăng vọt là tín hiệu mừng vì mỗi khi doanh nghiệp nhập bắp với số lượng lớn, vốn là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi, sẽ khiến giá thức ăn chăn nuôi sẽ không tăng. Qua đó, giúp giá thành chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định trong những tháng tới.
Có thể bạn quan tâm

Chiều 11-4, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, những năm gần đây diện tích trồng đậu nành ở các tỉnh ĐBSCL giảm liên tục. Nếu như năm 2009, toàn vùng có hơn 8.932ha đậu nành được trồng ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng, TP Cần Thơ…, nay giảm chỉ còn 2.967ha. Trong đó, nhiều nơi trồng đậu nành trọng điểm như huyện Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp); huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh (Vĩnh Long)… nông dân ào ạt bỏ cây đậu nành chuyển sang trồng cây khác.

Cách đây hơn 5 năm, khi con tôm thẻ chân trắng mới về xã miền biển Trung Giang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) và mang lại thu nhập rất cao cho vài hộ gia đình đã tạo ra “cơn sốt” trong nuôi trồng thủy sản ở địa phương này. Một số người trước đây vốn chỉ quen ra khơi vào lộng, quen nuôi tôm sú, nuôi cua vội gom góp vốn liếng, đất đai để chuyển qua nuôi tôm thẻ chân trắng với hy vọng đổi đời nhanh chóng.

Trong khi nhiều chủ trang trại nuôi lợn khác đang phải đau đầu với bài toán lỗ lãi do giá thịt lợn bấp bênh, trang trại của chị Trần Thị Thuấn Hoa ở xã Nam Cường (huyện, Tiền Hải, Thái Bình) vẫn có thu nhập hơn 60 tỷ đồng, lợi nhuận 6 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay trên địa bàn thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), bà con nông dân đang thu hoạch lúa đông xuân, đồng thời chuẩn bị vụ lúa hè thu năm 2013.

Suốt những ngày qua, cá trên hồ Bàu Sen (TP Vũng Tàu) chết hàng loạt, nổi trắng mặt hồ. Trước đó, hàng trăm hộ nuôi cá lồng trên sông Chà Và và sông Rạng “tán gia bại sản” vì cá chết không kịp vớt. Nguyên nhân chính đều do hệ thống kênh rạch, sông hồ trên địa bàn thành phố bị ô nhiễm nghiêm trọng.