Nữ Trưởng Bản Làm Giàu Từ Thất Bại

“Không chỉ là trưởng bản gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của thôn, bản, giúp đỡ bà con từng bước xóa đói giảm nghèo, chị Lò Thị Việt ở bản Ho Luông 1 còn là điển hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu từ thất bại”, đó là chia sẻ của ông Khoàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lay Nưa, T.X Mường Lay khi nói về nữ trưởng bản Lò Thị Việt. Cách đây 5 năm, cuộc sống của gia đình chị Việt còn nhiều thiếu thốn.
Với vài trăm mét vuông ruộng và nuôi duy trì một cặp lợn nái, năm này qua năm khác cũng khó vực dậy kinh tế. Đấy là chưa kể đến khoản tiền không nhỏ phải chi tiêu và nuôi hai con ăn học. Trăn trở nhiều đêm, chị Việt bàn với chồng: “Nếu cứ mãi bám đồng, bám ruộng, cuộc sống gia đình đã thiếu thốn sẽ càng khốn khó hơn”.
Ý tưởng có, quyết tâm có, chị quyết định chạy vạy mượn tiền người thân, họ hàng, cùng với số tiền chút ít của gia đình, đầu tư mua 4 cặp lợn sinh sản. Thời gian đầu, đàn lợn của gia đình chị phát triển tốt.
Sau nhiều thất bại, giờ đây, gia đình chị Lò Thị Việt ở bản Ho Luông 1, xã Lay Nưa, T.X Mường Lay đã trở thành hộ khá giả trong vùng với thu nhập khoảng 120 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, khoảng 5 tháng sau, do chưa biết cách chăm sóc và phòng chống dịch bệnh, 4 cặp lợn nái chưa kịp sinh sản đã bị dịch tai xanh và chết.
Thất bại ban đầu không khiến chị Việt nản chí. Lần thứ hai, chị tiếp tục vay mượn tiền mua gần 100 con vịt lấy trứng và nuôi 1 con trâu. Sau gần 1 năm, “đầu cơ nghiệp” của gia đình lại mắc bệnh lở mồm long móng. Buồn rầu vì hai lần thất bại, chị Việt cho rằng, vì thiếu kiến thức kỹ thuật chăn nuôi nên hết lần này đến lần khác mình vẫn chưa thành công.
Rút kinh nghiệm từ thất bại, đầu năm 2012, chị Lò Thị Việt tham gia lớp kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh cho lợn của Trung tâm Dạy nghề thị xã; đồng thời, vay 30 triệu của Ngân hàng Chính sách xã hội, mua thêm 100 con vịt, 6 cặp lợn giống. Lần này, chị đã thành công. Đến nay, đàn lợn của chị Việt luôn duy trì từ 40-50 con. Nuôi lợn, kết hợp nuôi vịt đẻ lấy trứng, chị Việt còn đầu tư thêm 1 máy xay xát làm dịch vụ.
Nuôi ý chí sau nhiều lần thất bại, giờ đây, cuộc sống của gia đình chị Lò Thị Việt không những đã thoát nghèo mà còn là hộ khá giả trong vùng. Tính ra, thu nhập bình quân mỗi năm kết hợp nuôi lợn, vịt, làm dịch vụ xay xát, chị Việt lời khoảng 120 triệu đồng.
Chia sẻ niềm vui của gia đình, chị Việt vừa cười vừa nói: Có được thành công như hôm nay, với tôi đó là bài học quý. Ước mơ thoát nghèo của gia đình đã trở thành hiện thực.
Từ thành công của mình, chị Lò Thị Việt không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm cho những hộ có nhu cầu chăn nuôi, bởi thế, nhiều hộ trong bản đã thoát nghèo. Với quyết tâm vươn lên làm giàu của mình, năm qua, chị Lò Thị Việt được UBND xã Lay Nưa tặng Giấy khen đã có thành tích trong phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi. Mới đây, tại hội nghị biểu dương cá nhân tiêu biểu học và làm theo Bác, chị Lò Thị Việt được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, nhiều nông dân xã Hiệp Xương (Phú Tân) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ nếp truyền thống sang trồng rau muống lấy hạt. Bởi, trồng rau muống lấy hạt chi phí đầu tư ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Một số nông dân ở xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) đang tự mình xây dựng thương hiệu gạo sạch. Là những nông dân nhiều năm gắn bó với nghề trồng lúa, họ mong mỏi sẽ xây dựng được thương hiệu gạo sạch cho sản phẩm của mình.

Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết, theo Đề án phát triển chăn nuôi gia cầm thì đến năm 2015, tổng đàn gà tại Đồng Nai sẽ lên khoảng 11 triệu con, trong đó 90% nuôi tập trung tại các trang trại. Đồng thời, đến năm 2015 sẽ có 450 cơ sở nuôi gà được công nhận là an toàn dịch bệnh.

Bình Phước còn diện tích rừng khá lớn, đặc biệt là rừng trồng, rất phù hợp để cây sa nhân tím phát triển. Đây là loại cây thuộc họ gừng, nằm trong danh mục thực vật quý hiếm. Quả sa nhân tím chứa tinh dầu có tác dụng kháng khuẩn và nấm. Hiện vẫn được sử dụng trong nhiều bài thuốc đông y như: Chữa phụ nữ có thai bị lạnh bụng, đầy hơi, tiểu tiện không thông, các bệnh đường ruột, phong tê thấp, sốt rét, kém tiêu hóa.

Chưa năm nào người nuôi tôm ở Bạc Liêu lại bị đặt vào hoàn cảnh khó khăn như năm nay! Chọn nuôi tôm thẻ chân trắng hay con tôm sú? Vì nuôi tôm sú năm qua lỗ nhiều hơn lãi, còn nuôi tôm thẻ chân trắng thì cũng nhiều rủi ro.