Nông Sản Trung Quốc Vẫn Tràn Ngập Thị Trường

Mặc dù nhiều lần được cảnh báo, rau quả Trung Quốc vẫn tràn ngập các chợ, đặc biệt là các loại rau quả trái mùa.
Hiện nay, tình trạng nông sản Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam có lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép đang là nỗi lo ngại của nhiều người tiêu dùng. Mặc dù nhiều lần được cảnh báo, rau quả Trung Quốc vẫn tràn ngập các chợ, đặc biệt là các loại rau quả trái mùa.
Tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), chợ nông sản lớn nhất miền Bắc, trung bình mỗi ngày nhập từ 200- 300 tấn rau, củ quả với nhiều chủng loại như nho, táo, quýt, cải bắp, cà chua, cà rốt, khoai tây, hành tây….
Từ đây, các loại rau quả này lại được xé lẻ đưa đi tiêu thụ khắp trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các mặt hàng nông sản Trung Quốc được trà trộn bày bán với các mặt hàng nông sản Việt Nam.
Do vậy, người tiêu dùng rất khó phân biệt nguồn gốc hàng hóa và có chứa thuốc bảo quản độc hại hay không. Đa số người dân đi mua hàng đều dựa trên những kinh nghiệm để phân biệt các loại rau, củ, quả trong nước hay Trung Quốc, đặc biệt là những loại rau, củ quả trái mùa.
Chị Trần Thu Hương, ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết: “Bắp cải, cà rốt, khoai tây, cà chua ở chợ hiện nay hầu hết đều của Trung Quốc. Gia đình tôi thời gian gần đây không mua những loại rau củ này vì người bán hàng quen khuyên không nên ăn. Còn với những khách không quen, họ vẫn nói là hàng Đà Lạt, nhưng thực chất là của Trung Quốc.”
Hầu hết tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, bất cứ sạp hàng rau, củ quả nào cũng đều bày bán các sản phẩm nhập về từ Trung Quốc. Nhiều người tiêu dùng lo ngại trước thông tin hàng nông sản của Trung Quốc có chứa chất bảo quản và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2013 đến nay, Cục Bảo vệ thực vật đã phát hiện 17 lô hàng gồm: nho, chanh, cà rốt, táo, cam, quýt, với số lượng khoảng 300 tấn nhập khẩu vào Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm, có lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép… Khi về đến Việt Nam, toàn bộ các mặt hàng này đã được các tiểu thương dán mác Việt.
Chị Nguyễn Thị Núi, một tiểu thương chợ Trung Hòa, Cầu Giấy thường đi lấy hàng ở các chợ đầu mối, mỗi ngày bán ra hàng tấn rau, củ quả, khẳng định, những mặt hàng như cà rốt, khoai tây, cà chua, hành tây, bắp cải, cải thảo, củ cải trắng đang được bày bán ở các chợ đều là hàng Trung Quốc. Lượng rau củ Đà Lạt thường rất ít và giá đắt gấp 2, 3 lần giá rau, củ của Trung Quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các lô hàng có chứa thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép vẫn tràn vào Việt Nam là do được thông quan khi chưa biết kết quả kiểm tra. Lợi dụng chính sách thông thoáng trong thông quan, các tiểu thương nhập hàng nông sản kém chất lượng, mất an toàn thực phẩm vào trong nước tiêu thụ.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Trưởng phòng Quản lý an toàn thực phẩm và môi trường, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hầu hết các lô hàng được kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, khi các sản phẩm này từ các quốc gia đã được đăng ký vào danh sách các quốc gia được phép xuất khẩu hàng nông sản hay hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam thì mới được phép làm thủ tục kiểm tra an toàn thực phẩm.
Cục sẽ tiến hành kiểm tra các lô hàng theo lịch sử tuân thủ và tần suất nhập khẩu của từng lô hàng theo quy định tại Thông tư 13, tối đa là 10%, quy định này phù hợp theo thông lệ quốc tế.
Để hạn chế các lô hàng có thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép thì các lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ từ cửa khẩu và nếu phát hiện vi phạm phải xử lý kịp thời. Người tiêu dùng cần tránh mua các loại rau củ quả trái mùa, không rõ nguồn gốc và nên sử dụng sản phẩm chính mùa thu hoạch.
Có thể bạn quan tâm

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6%o, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 4 - 9, (thích hợp nhất: pH = 7,6), nhiệt độ nước: 20 -> 27OC. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Ngày 10/4/2013, Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã đi kiểm tra tiến độ thả nuôi tôm càng xanh năm 2013. Đến nay đã có 18 hộ nông dân ở xã Phú Thọ, Phú Thành B, An Long và thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông thả nuôi được trên 90 ha tôm càng xanh. Diện tích tôm giống thả nuôi đạt từ 10 ngày đến trên 75 ngày, đàn tôm đang phát triển tốt, chưa thấy dấu hiệu bị bệnh.

Xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị) có 1.400 hộ chăn nuôi, hình thức chăn nuôi của người dân ở đây chủ yếu là gia trại, chăn nuôi ngay trong khu dân cư nên vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi là rất đáng quan tâm

Theo Sở NN - PTNT Bình Định, hiện nay, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi trên 1.560 ha mặt nước nuôi tôm, chiếm 71% diện tích tôm nuôi toàn tỉnh. Trong đó, TP Quy Nhơn đã thả nuôi 150,2 ha, Tuy Phước 859,8 ha; Phù Cát 76 ha; Phù Mỹ 424,2 ha và Hoài Nhơn 50,3ha.

Diện tích nuôi thả, năng suất và sản lượng tăng đáng kể, vượt các mục tiêu đề ra là kết quả nổi bật trong sản xuất thuỷ sản những năm gần đây. Nhờ đó, Bắc Giang trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực miền núi phía Bắc trong lĩnh vực này.