Nóng lạnh với trái cây lạ

Thời gian gần đây, loại trái cây đang “hot” nhất ở miền Tây Nam Bộ khiến nhiều nhà vườn đua nhau tìm mua cây giống là nhãn tím. Trên mạng xã hội, không ít “cò” đã đẩy giá nhãn tím giống lên chóng mặt.
Lạ là đua nhau thử
Vào một ngày cuối tháng 7, chúng tôi tìm đến cồn Phong Nẫm (xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) để gặp “cha đẻ” của nhãn tím là ông Trần Văn Huy (tên thường gọi là Bảy Huy, 61 tuổi).
Ông Bảy Huy kể 12 năm trước, trên cây nhãn long trong vườn nhà ông xuất hiện 1 nhánh nhãn với lá màu tím khác thường. Ít lâu sau, nhánh nhãn này trổ bông màu tím và đậu được khoảng chục trái có vỏ cũng màu tím. Thấy lạ, ông chiết nhánh nhãn này đem trồng bên hông nhà.
Sau 1 năm, cây nhãn bắt đầu cho vài chục trái màu tím trông rất đẹp mắt. Sợ cây nhãn lạ bị kẻ trộm bứng mất, ông Bảy Huy không khoe với bất kỳ ai. Thậm chí, gia đình ông còn thay phiên nhau canh chừng cây nhãn cả ngày lẫn đêm. Cách nay 4 năm, trong một lần được cán bộ xã đến thuyết phục tham gia ngày hội trái cây của huyện Kế Sách, cây nhãn tím của ông Bảy Huy mới lộ diện. Kể từ đó, nhiều người tìm đến nhà ông nài nỉ mua giống nhãn lạ này về trồng.
Từ một nhánh ban đầu, đến nay, gia đình ông Bảy Huy đã chiết ra được trên 200 gốc nhãn tím. Mỗi gốc có giá đến 1 triệu đồng nhưng không đủ cung cấp. Trong khi đó, nhãn trái bán tại vườn là 100.000 đồng/kg.
Cách nay vài năm, xoài xanh - tím có nguồn gốc từ Đài Loan cũng được nhà vườn “săn” ráo riết. Có thời điểm, xoài Đài Loan được bán khắp miền Tây Nam Bộ, mỗi trái gần cả trăm ngàn đồng nhưng nhiều người vẫn mua về thưởng thức.
Tương tự, khoảng 8 năm trước, thanh long ruột đỏ từng “làm mưa làm gió” trên thị trường trái cây khiến hàng loạt nhà vườn ở Long An, Tiền Giang, Hậu Giang... đua nhau mua giống về trồng. Thời điểm đó, thanh long ruột đỏ có giá trên 50.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ tiêu thụ.
Trả về giá trị thực
Hay tin có người lên mạng rao bán nhãn tím giống với giá khoảng 3 triệu đồng/cây, ông Bảy Huy giật cả mình. Với giá này, ông cảm thấy áy náy vì quá cao so với các loại cây trồng khác. Tuy nhiên, ông giải thích: “Để chiết thành công một cây nhãn tím giống, tôi phải chịu thất bại cả chục cây. Hơn nữa, thay vì cho ra trái để bán thì tôi đành phải “ép” chúng bằng cách chiết cành nên lấy tiền bán cây giống để bù”.
Nói về chất lượng, ông Vương Thanh Điền (em vợ ông Bảy Huy) thừa nhận vị nhãn tím cũng như các loại nhãn khác, thậm chí hạt của nó còn to hơn. “Bà con thấy lạ mắt nên mua về trồng chứ tôi thấy giống nhãn này cũng bình thường” - ông Điền nhận xét.
Trong khi nhãn tím vẫn còn đang “nóng” thì tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, hàng loạt nhà vườn đang phải khóc ròng vì thương lái bắt đầu lạnh nhạt với xoài Đài Loan. Để gỡ vốn, nhà vườn phải mang ra ven lộ bán lẻ cho người đi đường với giá rẻ mạt chứ không thể phục vụ xuất khẩu như xoài cát Hòa Lộc. “Xoài Đài Loan chỉ được cái lạ mắt và ăn sống như xoài Thái chứ để chín ăn rất kỳ” - anh Lê Văn Thái - một nhà vườn ở thị trấn Một Ngàn, huyện Châu Thành A - lý giải.
Trong khi đó, hơn 2 năm qua, thanh long ruột đỏ ở miền Tây Nam Bộ rớt giá thê thảm. Có thời điểm, loại thanh long này chỉ có giá từ 7.000 - 10.000 đồng/kg, rẻ hơn cả thanh long ruột trắng. Ông Nguyễn Văn Phúc - một hộ trồng thanh long ruột đỏ ở huyện Châu Thành, tỉnh Long An - cho biết so với trồng thanh long ruột trắng thì thanh long ruột đỏ đòi hỏi kỹ thuật cao hơn, phân bón và thuốc trừ sâu cũng cao hơn rất nhiều nên nếu bán với giá bằng với thanh long ruột trắng thì lỗ nặng.
Nói về chất lượng của thanh long ruột đỏ, PGS-TS Nguyễn Minh Châu cho rằng phần thịt của nó có chứa nhiều nước nên không dai, giòn như những loại thanh long khác.
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, thời gian gần đây, nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng đối với những loại trái cây “độc”, lạ nên không ít nhà vườn đã hét giá cao ngất ngưởng và mau chóng bị đào thải. Chẳng hạn như bưởi hồ lô, dịp Tết Nguyên đán vừa rồi đã rớt giá chỉ còn 100.000 đồng/3 trái. Do vậy, TS Hòa khuyến cáo nhà vườn nên trả lại giá trị thực những loại trái cây “độc”, lạ thì mới được người tiêu dùng đón nhận lâu dài.
Có thể bạn quan tâm

Dự kiến, hội chợ Vifa - Expo 2015 sẽ diễn ra từ ngày 11 đến 14-3 tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM, với hơn 900 gian hàng (tăng gần 50% so với năm ngoái) của gần 200 doanh nghiệp tham gia.

Trước thực trạng xuất khẩu rau quả của VN liên tục tăng trong những năm gần đây, đạt kim ngạch khoảng 1,5 tỉ USD năm 2014, nhưng có đến 80% giống rau đang phải nhập khẩu, TS Nguyễn Quốc Vọng, Việt kiều Úc, đang tích cực nghiên cứu và phát triển các giống rau, hoa để dần giảm sự phụ thuộc nguồn giống nước ngoài.

Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Thanh Sơn, thôn Ngò 1, xã Đồng Kỳ như vui hơn. Mấy năm trước, không may ông Sơn mắc bệnh, sức khỏe suy giảm, gánh nặng cơm áo dồn cả lên vai người vợ tảo tần. Cuộc sống gia đình vì thế càng khó khăn. Ðược chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, hướng dẫn tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, ngoài chăn nuôi bò sinh sản, vợ chồng ông tận dụng diện tích ruộng sẵn có luân canh gối vụ lúa, củ đậu, khoai tây…

Trong đó, huyện Tân Yên đạt 100% kế hoạch; Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, TP Bắc Giang gần hoàn thành. Hiện nay, ngành nông nghiệp tiếp tục đôn đốc các huyện miền xuôi khuyến cáo nông dân tập trung gieo cấy diện tích còn lại xong trước ngày 10-3; chăm sóc trà lúa đã cấy, tránh những tác động tiêu cực của thời tiết khi lúa trỗ như gió tây nóng, lũ tiểu mãn... Riêng huyện Lục Ngạn, Sơn Động sẽ hoàn thành gieo cấy trong tháng 3.

Sản lượng tôm giống hàng năm do doanh nghiệp sản xuất lên đến hàng tỷ post, cung cấp nhu cầu nuôi tôm thương phẩm cho nhiều thị trường trọng điểm trên cả nước… Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Lê Tiến Phương đánh giá cao kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty CP Thủy sản Việt Úc, từng bước nâng tầm thương hiệu tôm cho Bình Thuận nói riêng và Việt Nam nói chung.