Nông Dân Vĩnh Châu Thận Trọng Trong Vụ Nuôi Tôm Thẻ Mới

Tin rằng với sự thận trọng của nông dân, sự hướng dẫn của ngành chuyên môn và những quan tâm chính quyền địa phương thì người nuôi tôm Vĩnh Châu sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong vụ nuôi năm 2014.
Trong nuôi tôm chính vụ năm 2013, dù còn nhiều khó khăn do dịch bệnh ở đầu vụ nuôi, nhưng do tuân thủ các khuyến cáo của ngành và giá tôm thương phẩm luôn ở mức cao nên người nuôi tôm ở Vĩnh Châu đã có một vụ nuôi thành công, kết thúc vụ nuôi toàn thị xã đã thả được 28.087 ha bằng 98,55% kế hoạch, sản lượng đạt 24.152 tấn, trong đó tôm sú 6.164 tấn, tôm thẻ chân trắng 17.988 tấn; tính ra người nuôi tôm sú lãi trên 80 triệu đồng 1 ha, còn nuôi thẻ chân trắng lãi trên 150 triệu đồng 1 ha. Có thể nói năm 2013 đã đánh dấu sự phục hồi vùng nuôi và sự khá thành công của người nuôi tôm Vĩnh Châu.
Hiện bà con đang cải tạo lại đất chuẩn bị thả nuôi vụ mới. Theo khuyến cáo của ngành chức năng, vụ nuôi tôm thẻ năm 2014 bắt đầu từ giữa tháng 11/2013 đối với những vùng có điều kiện thích hợp. Ông Trần Minh Trí - Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Khung mùa vụ nuôi tôm là một yếu tố quan trọng trong quy trình sản xuất hiệu quả.
Trong điều kiện sản xuất hiện nay, đặc biệt theo thông báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về khung thời vụ năm 2014, đối với tôm thẻ nên thả nuôi từ 15/11/2013 đến 31/1/2014; trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 3 bà con nên ngưng thả do thời điểm này nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, do đó tôm thả nuôi dễ bị bệnh thân đỏ đốm trắng cũng như là bệnh gan tụy; từ tháng 4 đến hết tháng 7/2014 bà con có thể tiếp tục thả nuôi”.
Tuy nhiên người nuôi tôm ở Vĩnh Châu vẫn rất thận trọng với vụ nuôi năm 2014, thể hiện qua việc sau hơn 1 tuần theo lịch khuyến cáo toàn thị xã chỉ thả nuôi tôm thẻ được gần 100 ha. Như hộ ông Phạm Chí Lập ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp, ở vụ nuôi vừa qua chỉ hơn 4.000 m2 đất, nhờ tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn mà khi thu hoạch ông lãi trên 50 triệu đồng, dù đã cải tạo ao xong từ giữa tháng 10 nhưng theo khuyến cáo ông chỉ mới thả nuôi vào đầu lịch thời vụ.
Ông Lập cho biết: “Theo lịch thời vụ khuyến cáo thì nên thả nuôi từ ngày 15/11. Tôi đã chuẩn bị ao tôm hơn 1 tháng và mới thả nuôi cách đây 5 ngày. Năm rồi nhờ thả nuôi theo lịch thời vụ nên tôi nuôi có lãi, vì vậy năm nay tôi tiếp tục tuân thủ lịch thời vụ mà ngành chuyên môn khuyến cáo”.
Dự báo vụ nuôi tôm nước lợ năm 2014, diện tích nuôi thẻ chân trắng ở Vĩnh Châu sẽ tiếp tục tăng do sự hấp dẫn của giá tôm và thời gian nuôi ngắn hơn tôm sú, vì vậy để vụ nuôi đạt hiệu quả cao, ngành chuyên môn đã phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lịch thời vụ và các giải pháp bảo vệ môi trường vùng nuôi.
Ông Trần Minh Trí - Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết thêm: “Bà con nông dân nên chú ý, đối với đối tượng nuôi là tôm thẻ chân trắng bà con phải xử lý nước cho thật sạch. Ngoài ra bà con cũng cần tạo 1 hệ thống dinh dưỡng (hệ tảo) để giúp tôm thẻ phát triển, do giai đoạn đầu tôm sẽ lột xác liên tục.
Trong điều kiện hiện nay thì nhiệt độ tương đối thấp, các thành phần khoáng trong môi trường nước cũng thấp, do đó bà con nên sử dụng các sản phẩm dolomic và vôi để tạo hệ đệm và độ kèm trên 210mg/lít. Về mật độ, đối với các hộ có hệ thống lưới điện 3 pha bà con không nên thả mật độ vượt quá 50 con/m2; còn đối với những hộ sử dụng máy quạt thì nên thả với mật độ từ 15 đến 20 con/m2 để giảm áp lực về môi trường.
Hiện nay do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc và không khí lạnh bà con nên thả nuôi vào buổi sáng khi mặt trời lên, không nên thả vào ban đêm vì lúc này nhiệt độ xuống thấp, tôm dễ bị hao hụt. Sau khi thả nuôi thì bà con nên chú ý đến hàm lượng ô xi trong ao”.
Tin rằng với sự thận trọng của nông dân, sự hướng dẫn của ngành chuyên môn và những quan tâm chính quyền địa phương thì người nuôi tôm Vĩnh Châu sẽ tiếp tục đạt hiệu quả cao trong vụ nuôi năm 2014.
Có thể bạn quan tâm

Sau khi bất ngờ phát hiện virus cúm A/H5N6 nguy hiểm trên gia cầm lậu tại Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Lào Cai và đàn chim hoang, mới đây Bộ NN-PTNT cho biết, dịch cúm H5N6 đã xuất hiện ở các tỉnh Nam Trung bộ. Nỗi lo xâm nhập virus cúm A/H5N6 từ gà vịt lậu đang đe dọa đàn gia cầm nuôi trong nước vào những tháng cuối năm.

Mô hình thành công sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng của tỉnh, đồng thời, đây sẽ là một trong những cây trồng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi một số diện tích đất lúa, màu... kém hiệu quả sang trồng măng tây xanh an toàn có giá trị kinh tế cao hơn, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, phát triển sản xuất theo hướng an toàn và bền vững.

Vụ mía 2014-2015, toàn tỉnh Hậu Giang trồng được 12.559ha, trong đó, các giống mía chín sớm (ROC 16) chiếm khoảng 50% diện tích. Hiện tại, các ruộng mía đã có thời gian từ 8-10 tháng tuổi. Từ giữa tháng 8 đến nay, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã phối hợp với ngành chức năng của TX.Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp tổ chức 4 đợt đo thăm dò chữ đường (CCS) tại một số ruộng mía của người dân.

Báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết tính đến cuối tháng 8-2014, xuất khẩu gạo của doanh nghiệp hội viên đạt trên 4,2 triệu tấn, trị giá FOB đạt trên 1,8 tỉ đô la Mỹ, giảm lần lượt gần 9,2% về lượng và trên 8,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.