Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015 Phan Kiếm Hiệp lão nông được nhận Huân chương

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Phan Kiếm Hiệp.
Nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp, ông Hiệp chia sẻ:
Tôi xuất thân là một y tá trong quân đội, năm 1976 trở về quê hương, tôi đã trăn trở rất nhiều về con đường mưu sinh.
Khó khăn nhất là đất đai, thổ nhưỡng ở địa phương chỉ độc canh cây lúa, giỏi lắm cũng chỉ đủ ăn, không thể khá, giàu lên được.
Để tìm ra phương cách làm ăn, tôi đầu tư xây chuồng trại nuôi vài con heo nái.
Heo lứa đẻ ra tôi không bán mà để lại nuôi hết.
Tôi còn nuôi gần trăm con gà thịt.
Trời thương, con heo, con gà hồi đó dễ nuôi, không xảy ra dịch bệnh nên cho thu nhập khá cao.
Thực hiện mô hình VACR, hiện nay gia đình ông Hiệp đang nuôi hơn 30 con heo nái, trên 250 heo thịt, hàng chục con heo rừng, mỗi năm xuất bán từ 25 đến 30 tấn heo thịt.
Ông còn nuôi tôm trên cát với diện tích 4 ha, mỗi năm 2 vụ, tổng thu khoảng 2,4 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông còn đầu tư trồng 10 ha rừng (gồm 3 ha điều, 7 ha cây nguyên liệu giấy và keo lai đã cho khai thác), 2 ha trồng lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Với những kiến thức về nghề chơi gà chọi tích lũy nhiều năm, ông đã mở trang trại nuôi gà chọi, lai tạo được giống gà hay.
Tiếng lành đồn xa, gà chọi của ông Hiệp nhanh chóng nổi tiếng cả nước.
Hiện ông đang nuôi hơn 200 gà mái giống, gần 400 gà cồ, hơn 700 gà con.
Mỗi năm ông xuất bán khoảng hơn 200 con gà đã “ốp giỏ” với giá hơn 2 triệu đồng/con, khoảng 400 con loại vừa “cắt tích” với giá từ 700 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/con.
“Hiện gà chọi từ trang trại của tôi đã có mặt từ Bắc đến Nam, lên các tỉnh Tây Nguyên, đem về khoản lãi ròng không dưới 400 triệu đồng/năm.
Tùy từng sở thích vùng miền mà mình cung ứng loại gà thích hợp, như Hà Nội “ăn” mạnh loại gà có trọng lượng gần 3 kg/con; Tây Nguyên và miền Nam chuộng loại từ 3 - 3,4 kg/con.
Tôi đang xây thêm trại để mở rộng sản xuất, phấn đấu mỗi năm xuất bán hơn 2.000 con gà chọi các loại” - ông Hiệp cho biết thêm.
Với cách làm trên, doanh thu từ mô hình VACR của gia đình ông Hiệp không dưới 3 tỉ đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 1 tỉ đồng/năm.
Không chỉ năng động, đi đầu trong phát triển kinh tế, ông Hiệp còn tích cực tham gia công tác xã hội, từ thiện.
Nhà mở hiệu thuốc tân dược, với những bệnh nhân nghèo, ông chữa bệnh và bán thuốc miễn phí.
Ông còn làm công tác khuyến học cho con em nhà nghèo học giỏi tại địa phương.
Trong nhiều năm qua, ông hỗ trợ hàng trăm triệu đồng để trao học bổng cho con em trong xã thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo Ban tổ chức, trong số 106 nông dân được đề cử tham gia bình chọn danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015”, có 63 người được bình chọn.
Với những thành quả đạt được, ngoài việc được chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015, mới đây, tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến lần thứ IV, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, ông Hiệp vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015” diễn ra nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14.10.1930 - 14.10.2015).
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm 2014 đến nay, hàng chục gia trại ở xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình liên tục "bội thu" nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gà với số lượng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2014, xã Cam Thuỷ đã có hàng chục gia trại xuất chuồng được hàng trăm con lợn, vài ngàn con gà, nhờ đó mà thu về lãi ròng trên 300 triệu đồng/1 gia trại...

Người dân xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thường nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức thả tự do, ban ngày gà tự đi kiếm ăn, đêm đến thì gà ngủ trên cây, gà chậm lớn, hay mắc bệnh, tỷ lệ chết cao, dẫn đến hiệu quả thấp.

Đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N6 thứ 4 xảy ra trên đàn vịt tại tỉnh Quảng Ngãi. Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện thêm ổ dịch mới. Đồng thời triển khai các biện pháp để phòng chống dịch cúm A (H5N6) lây sang người.

Đàn bò của tỉnh Yên Bái hiện có trên 18.000 con. Số lượng đầu đàn đang giảm dần qua từng năm. Không chỉ suy giảm về mặt số lượng mà chất lượng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Để khắc phục những vấn đề này, việc bổ sung những giống mới vào là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành cải tạo đàn bò bằng giống bò Brahman.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 85% chi phí thức ăn, 30% chi phí làm đệm lót sinh học. Qua hơn 2 tháng triển khai mô hình, hiện 53 con heo nuôi tại hộ ông Ngô Kim Sơn trên diện tích chuồng 70m2 đang phát triển tốt. Còn 22 con heo nuôi theo mô hình tại hộ bà Đoàn Thị Kim Khuê đã xuất chuồng với tổng trọng lượng hơn 1,8 tấn heo hơi (bình quân 84kg/con). Với giá bán 48.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi gần 15 triệu đồng.