Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Viện Cớ Cao Su Không Có Mủ Để Chặt Hạ?

Nông Dân Viện Cớ Cao Su Không Có Mủ Để Chặt Hạ?
Ngày đăng: 02/08/2014

Hàng loạt hộ dân Gia Lai, Kon Tum thi nhau chặt hạ cao su để chuyển sang cây trồng khác. Lý do người dân đưa ra là cao su không có mủ.

Truyền thông trong nước mấy ngày qua đưa tin, các hộ dân ở khu vực Bắc Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum) đang ồ ạt chặt bỏ cây cao su.

Tại huyện Chư Prông, nơi phát triển cây cao su mạnh nhất tỉnh Gia Lai với 34.000ha, đã có trên 30 hộ dân đốn hạ hàng trăm hec ta vườn cao su đang ở độ tuổi cho mủ. Hiện tượng chặt bỏ cây cao su bắt đầu diễn ra từ năm 2013, nhưng rầm rộ nhất là đầu năm 2014, khi giá cao su xuống đến đáy.

Tương tự, tại Kon Tum, người dân các huyện Sa Thầy, Đắk Hà, Ngọc Hồi... cũng chặt hạ cao su để chuyển sang trồng cà phê.

Trao đổi với Đất Việt, ông Bùi Văn Vượng, Trưởng trạm Khuyến nông & Dịch vụ Nông lâm nghiệp Đắk Hà (Sở NN&PTNT tỉnh Kon Tum) cho biết, một số trường hợp bà con chặt cao su không cho mủ là do mua phải giống trôi nổi, không phải do đơn vị Nhà nước cung ứng. Tuy nhiên, đa số người dân lấy lý do đó để biện minh cho việc chặt bỏ cao su trong lúc chính quyền địa phương và các cơ quan ban ngành động viên bà con không nên chặt bỏ.

"Năm 2011, giá mủ cao su rất cao, bà con rất phấn khởi. Riêng năm 2014, giá cao su xuống thấp quá nên họ lấy lý do nọ kia, trong đó cao su không cho mủ là lý do chính để chặt", ông Vượng nói.

Huyện Đắk Hà đã có văn bản đề nghị chính quyền xã, thôn và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tuyên truyền cho người dân không chặt phá cao su.

"Chúng tôi muốn động viên nhân dân đừng luẩn quẩn trồng-chặt. Thế nhưng có những vườn cao su người dân mang chén, bát để cạo mủ rồi mà vẫn chặt. Ở Đắk Hà có mấy chục héc ta đã bị chặt bỏ. Lý do cao su không cho mủ nghe có vẻ thích đáng, hợp lý nhưng lại bị nhiều ý kiến phản đối. Tại sao lại không có mủ? Truy ra thì có những hộ tự mua giống, có những hộ lại mua giống của các đơn vị có giấy chứng nhận của Bộ Nông nghiệp...

Chúng tôi xác định rằng muốn xây dựng vùng nguyên liệu trước tiên phải chú ý về giống. Đắk Hà đã lập vườn ươm, đưa giống đủ tiêu chuẩn để làm. Nếu vườn ươm thiếu, mua ở đâu phải truy nguyên nguồn gốc. Đó là dự án cao su Nhà nước, còn người dân tự mua thì ngoài khả năng kiểm soát nhưng chúng tôi vẫn tuyên truyền cho người dân nên mua ở đâu, địa chỉ cụ thể thế nào".

Cũng theo ông Vượng, giống cao su có 2 loại: loại cây ghép theo đúng tiêu chuẩn Nhà nước thì cho mủ nhiều hơn, giá khoảng 15-20.000 đồng/cây. Còn cây thực sinh giá rất rẻ, chỉ khoảng 7-8.000 đồng/cây cho năng suất thấp.

"Tôi cho rằng, người tự bỏ tiền ra mua thì ý thức cao hơn người được cho giống, vì họ biết khi thu hoạch được lợi nhuận bao nhiêu, họ cũng không đến mức ngù ngờ thấy ai bán giống gì cũng mua". Vậy nên, Trưởng trạm Khuyến nông & Dịch vụ Nông lâm nghiệp huyện Đắk Hà cho rằng, lý do cao su không có mủ chỉ là cái cớ mà người dân viện ra để được chặt bỏ.

Ngoài phạm vi kiểm soát

Trong khi đó, ông Lê Văn Lịnh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai nói rằng, sau khi cán bộ Sở xuống kiểm tra thì nhận thấy không phải là cao su không cho mủ mà chỉ là hạn chế cho mủ mà thôi. Những cây cao su hạn chế cho mủ cùng loại giống cao su phổ thông, được trồng đại trà, canh tác đã lâu năm. Nhưng do quá trình chăm sóc và đầu tư không đúng quy trình nên dẫn tới tình trạng trên.

"Sở luôn tư vấn, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc cây cao su nhưng trên một diện rộng trong toàn tỉnh, có những hộ, cá nhân từ Bình Dương, Bình Phước ra, đã làm lâu năm, có kinh nghiệm, mua đất đai ngoài này trồng cao su thì nằm ngoài phạm vi kiểm soát cúa Sở. Họ tự ý trồng, tự ý chặt thì phải chịu", ông Lịnh nói.

Cũng theo ông Lịnh, Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai đã có công văn khuyến cáo người dân trên địa bàn tỉnh trồng cao su không nên mua giống  không phổ biến, tư vấn kỹ thuật chăm sóc cụ thể. Còn về giá mủ cao su có lúc lên lúc xuống, cao su là cây lâu năm, nếu ít mủ thì bà con đầu tư thâm canh thêm, không nên chặt hạ.

Đồng quan điểm, Trưởng trạm Khuyến nông & Dịch vụ Nông lâm nghiệp Đắk Hà, ông Bùi Văn Vượng cũng cho biết, Đắk Hà có một hệ thống khuyến nông viên cơ sở, mỗi xã một người, cùng khoảng 30 cán bộ kỹ thuật của trạm tiếp xúc với nông dân hàng ngày, tư vấn cho họ, không phân biệt đối xử trong dự án, ngoài dự án Nhà nước.

Trước nỗi lo về việc đầu ra cho cây cao su bị "tắc" trong khi thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu, ông Vượng nói rằng, tâm lý của người dân là Trung Quốc sẽ không bao giờ mua của mình nữa, mình không bán được cho ai nữa nên trước sau gì cũng phải chặt.

Cứ bảo trăm phần trăm cao su Việt phụ thuộc Trung Quốc nhưng thực chất chỉ có khoảng 40% mà thôi. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp sẽ có trách nhiệm liên hệ đầu ra.

Theo ông Vượng, người dân Tây Nguyên trước năm 2000 chặt cà phê trồng cao su. Năm 2000 chỉ còn 800 đồng/kg cà phê tươi, tương đương 4.000 đồng/kg nhân. Giờ người dân lại chặt cao su trồng cà phê vì hiện tại cà phê khoảng 35.000-40.000 đồng/kg nhân. Cái luẩn quẩn trong ngành nông nghiệp là như thế.

"Bữa trước tôi đi thăm 2 hộ trồng cao su tiểu điền vừa chặt bỏ cây. Họ lấy lý do là neo quá, trồng cao su 7 năm sau mới có tiền, vì thế họ phải chặt, trồng khoai, trồng mỳ để lấy cái ăn, để nuôi con. Thế là đành chịu. Tuyên truyền, thay đổi nhận thức của người dân không đơn giản, nói rả rích mà họ vẫn làm theo ý họ".


Có thể bạn quan tâm

Giá Tăng, Nghề Nuôi Cá Điêu Hồng Lồng Bè Hồi Phục Giá Tăng, Nghề Nuôi Cá Điêu Hồng Lồng Bè Hồi Phục

Sau thời gian rớt giá và tiêu thụ khó khăn do ảnh hưởng của tin đồn thất thiệt, mấy ngày gần đây, giá cá điêu hồng thương phẩm nuôi lồng bè ở Tiền Giang bất ngờ tăng trở lại và khan hiếm hàng, khiến người nuôi rất phấn khởi bởi không còn chịu cảnh thua lỗ dẫn đến treo bè như trước.

10/09/2012
Thành Công Với Mô Hình Nuôi Cá Rô Đồng Thâm Canh Thành Công Với Mô Hình Nuôi Cá Rô Đồng Thâm Canh

Là nông dân đầu tiên thực hiện mô hình nuôi cá rô đồng thâm canh của huyện Vĩnh Lợi, ông Đặng Thanh Phong, ngụ ấp Giồng Bướm B, xã Châu Thới chia sẻ: “Xuất pháp từ suy nghĩ cần phải thực hiện mô hình thủy sản nước ngọt nào vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình mình, vừa để bà con trong xóm, ấp tham quan học hỏi để cùng thực hiện”.

17/06/2013
Nuôi Bồ Câu Pháp Hướng Phát Triển Mới Của Nhà Nông Tân Hiệp (Lâm Đồng) Nuôi Bồ Câu Pháp Hướng Phát Triển Mới Của Nhà Nông Tân Hiệp (Lâm Đồng)

Đến trại chim bồ câu Mạnh Trung (Tân Hiệp, Tân Văn, Lâm Hà, Lâm Đồng), ấn tượng đầu tiên là hàng trăm cặp chim bồ câu lông trắng, chân hồng được nuôi nhốt trong lồng xếp thành một dãy dài. Nhẹ nhàng bắt một con bồ câu ra, anh Phùng Mạnh Trung - chủ trại chim cho biết hiện trại có hơn 500 cặp bồ câu, tất cả đều là giống của Pháp. Ít ai nghĩ trại chim có giá trị hơn nửa tỉ đồng này là của một thanh niên mới ngoài đôi mươi.

18/04/2013
Thả 6.000 Cá Giống Xuống Sông Bùi Thả 6.000 Cá Giống Xuống Sông Bùi

UBND huyện Chương Mỹ cùng Chi cục Thủy sản Hà Nội vừa phối hợp tổ chức mít tinh bảo vệ nguồn lợi thủy sản và trực tiếp thả hơn 150kg cá giống (trên 6.000 con cá chép, cá chày mắt đỏ và cá trôi) xuống sông Bùi (địa phận xã Thủy Xuân Tiên).

18/06/2013
“Thủ Phủ” Tôm Ôm Nợ “Thủ Phủ” Tôm Ôm Nợ

Xã Phước Hòa (Tuy Phước) có nhiều diện tích mặt nước nằm ven đầm Thị Nại, là 1 trong những vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh Bình Định. Trong suốt 10 năm qua, không năm nào người nuôi tôm ở đây không bị thất bại. Nợ nần chồng chất khiến các chủ hồ tôm trở thành những “chúa chổm” vùng đầm.

18/06/2013