Nông dân U Minh trúng đậm vụ lúa lỡ
Nhờ áp dụng tốt các tiến bộ kỹ thuật và giống lúa mới vào sản xuất, cũng như những thuận lợi mà thiên nhiên ưu đãi nên hầu hết diện tích lúa của bà con đều cho năng suất cao, cộng với giá lúa khá cao nên người dân rất phấn khởi.
Những ngày này, đi dọc theo các tuyến bờ bao lâm phần thuộc ấp 13, ấp 15, xã Khánh Thuận, huyện U Minh sẽ dễ dàng bắt gặp không khí háo hức thu hoạch lúa của người dân.
Là một trong những người tiên phong thực hiện vụ lúa này, ông Vũ Văn Ðịnh, ở ấp 13, xã Khánh Thuận, chia sẻ: “Lúc đầu làm, vợ chồng tôi lo lắng lắm vì đây là vùng đất mới, nào giờ đâu có làm lúa.
Nhưng khi sạ xuống thấy lúa phát triển tốt, vợ chồng tôi cũng mừng thầm.
Rồi nhờ thời tiết thuận lợi, nắng nhiều, mưa ít nên lúa phát triển thuận lợi cho đến ngày thu hoạch.
Bên cạnh đó, tôi cũng mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên lúa đạt năng suất khá cao.
Hôm qua tôi mới suốt được 2 ha, cân thử cũng được 30 giạ lúa tươi/công; 2 ha còn lại tôi tin chắc cũng được chừng đó trở lên.
Có được mùa lúa này gia đình tôi phấn khởi lắm”.
Làm được vụ lúa thắng lợi, bà con ở ấp 13, xã Khánh Thuận rất phấn khởi.
Cũng là hộ trồng lúa trên diện tích rừng tràm mới khai thác, những ngày này gia đình ông Vũ Văn Ðỉnh, ở cùng ấp với ông Ðịnh đang khẩn trương thu hoạch lúa.
Do đất của ông Ðỉnh khai thác tràm xong đốt được gốc và nhánh tràm nên đất hạ được độ phèn, cộng với lượng phân hữu cơ có sẵn trong đất từ lá tràm tích tụ nhiều năm qua nên không chỉ giúp lúa phát triển tốt mà năng suất cũng đạt cao hơn các hộ khác.
Ông Ðỉnh phấn khởi chia sẻ: “Bên cạnh các yếu tố thuận lợi từ thiên nhiên, tôi còn áp dụng biện pháp sạ thưa theo công thức 3 giảm, 3 tăng trên ti-vi hướng dẫn nên lúa phát triển tốt và cho bông dài, hạt sáng hơn hẳn các hộ khác, năng suất cũng cao hơn từ 3 - 5 giạ/công.
Bên cạnh đó, chi phí cũng thấp hơn, với 8 ha lúa, từ sạ cho đến khi thu hoạch mỗi công tôi chỉ tốn khoảng 500.000 đồng, trong khi các hộ khác phải tốn từ 600.000 - 700.000 đồng/công.
Không chỉ trúng mùa, tôi và bà con ở đây còn trúng giá nữa, hiện các thương lái thu mua lúa tươi với giá 5.000 đồng/kg, ai cũng có lời nên rất phấn khởi”.
Không chỉ có ông Ðịnh, ông Ðỉnh mà còn hàng chục hộ dân khác cũng có được mùa lúa bội thu.
Giống lúa được người dân chọn là OM 6976 của Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh.
Với giống lúa mới này đã mang về cho bà con nhiều kết quả bất ngờ.
Ông Võ Văn Hiệu, một trong những hộ dân ở ấp 13, xã Khánh Thuận tham gia thực hiện vụ lúa này, chia sẻ: “Giống lúa mới này không chỉ chịu phèn tốt, hạn chế sâu bệnh mà còn cho bông dài và hạt to.
Sở dĩ chúng tôi chọn cùng một giống là để cho nó chín đồng loạt để trồng tràm lại đồng loạt luôn, thương lái thu mua cũng dễ, chứ làm nhiều thứ giống bán khó lắm.
Với 30 công đất, vừa rồi tôi thu hoạch được gần 1.000 giạ, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 70 triệu đồng.
Nhờ có vụ lúa này mà đời sống gia đình tôi cải thiện nhiều lắm”.
Bên cạnh việc trúng mùa, trúng giá lúa, rơm rạ sau thu hoạch cũng mang về nguồn thu lớn cho người dân.
Bởi thời điểm này, những vùng sản xuất lúa ổn định trên địa bàn huyện U Minh nói chung và các địa phương lân cận nói riêng đều không có lúa chín nên nhu cầu rơm rạ để làm nấm rơm rất khan hiếm.
Chính vì thế, giá rơm rạ sau thu hoạch của người dân nơi đây cũng được mua với giá khá cao và liên tục tăng giá.
Nếu như những ngày trước đây, mỗi công rơm người làm nấm chỉ mua với giá 50.000 - 60.000 đồng thì nay đã tăng lên 100.000 đồng.
Bà Vũ Thị Vang, ở ấp 13, xã Khánh Thuận, cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha lúa nên bán rơm cũng được 3 triệu đồng, nhờ có tiền này mình mướn nhân công cắt lúa, rồi suốt hay có những người sử dụng số tiền này để mua tràm trồng mới nên cũng đỡ lắm”.
Ðến thời điểm này, người dân đã thu hoạch được hơn 25 ha trong tổng số hơn 40 ha, diện tích còn lại sẽ được người dân thu hoạch dứt điểm trong tháng 11 này để tiến hành trồng tràm mới theo đúng quy định của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ.
Theo người dân, lượng phân hữu cơ của rơm rạ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cây tràm phát triển.
Ðây là một trong những cách nghĩ, cách làm mới nhằm khai thác hết tiềm năng đất đai, vừa đảm bảo diện tích rừng trồng mà vẫn có thêm thu nhập, góp phần tích cực cùng với huyện nhà thực hiện thắng lợi kế hoạch tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cần được quan tâm nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Cụ thể, thay vì năm trước mỗi cặp bò giống chỉ 19-23 triệu đồng, nay tăng lên 26-31 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn tự nhiên của bò cũng khan hiếm, giá cây bắp tăng khiến chi phí chăn nuôi ngày càng đắt đỏ, trong khi đó giá bò thịt vẫn ổn định 170.000 - 180.000 đồng một kg. Nếu tình trạng này kéo dài, người nuôi bò sẽ gặp nhiều khó khăn vì trung bình mỗi cặp bò nuôi 15 đến 20 tháng, trừ chi phí con giống, công cắt cỏ, chăm sóc, thức ăn, người nuôi sẽ không còn lãi cao.

Đây là mô hình nuôi cá trong ao đất lần đầu tiên được triển khai áp dụng thực hiện thí điểm, nhằm từng bước đa dạng hóa cây trồng vật nuôi và phát triển các mô hình nuôi các loài thủy sản mới phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô (Đắk Nông) thì trên địa bàn huyện hiện có khoảng 150-170 ha diện tích mặt nước đang được khoảng 600 hộ dân tận dụng để nuôi trồng thủy sản.

Nhằm bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần đưa ngành Thủy sản phát triển nhanh, các địa phương đang tập trung chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

Từ ngày 31/7 đến nay, tại 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải (Thái Bình) đã xảy ra hiện tượng ngao nuôi bị chết. Ngay sau khi nhận được thông tin từ phía địa phương, Chi cục Nuôi trồng thủy sản (NTTS) và các đơn vị liên quan đã phối hợp đi kiểm tra tình hình thực tế tại các xã có diện tích nuôi ngao.