Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Tự Sản Xuất Chế Phẩm Sinh Học

Nông Dân Tự Sản Xuất Chế Phẩm Sinh Học
Ngày đăng: 19/05/2014

Thông qua hướng dẫn, chuyển giao công nghệ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (thuộc Sở KHCN), một số hộ nông dân đã sản xuất thành công chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp. phòng trừ rầy nâu hại lúa, góp phần tăng năng suất, lợi nhuận, giảm thiểu ô nhiễm môi trường…

Kết quả bước đầu

Theo ông Huỳnh Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN: Thời gian qua, Trung tâm đã triển khai 25 mô hình ứng dụng chế phẩm sinh họ (CPSH) Metarhizium để phòng trừ rầy nâu hại lúa, quy mô trên 10 ha tại các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Cát, với hơn 150 hộ tham gia.

Kết quả, tại các mô hình, tỉ lệ rầy nâu hại lúa đã giảm từ 10-50 con/dảnh lúa xuống còn 0-5 con/dảnh, góp phần tăng năng suất lúa từ 3-5%. Trung tâm cũng đã tổ chức 4 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sử dụng CPSH, có 120 nông dân và cán bộ khuyến nông tham gia.

“Cái lợi cao nhất của việc dùng CPSH để phòng trừ rầy nâu hại lúa là góp phần bảo vệ sức khỏe cho con người, an toàn đối với thiên địch và bảo vệ môi trường đồng ruộng trong lành ”

Ông Nguyễn Đắc Cương, ở thôn Phụng Du, xã Hoài Hảo (huyện Hoài Nhơn) cho biết: Vụ Đông Xuân (ĐX) 2012-2013 và vụ ĐX 2013-2014, gia đình tôi đã tự sản xuất được CPSH phun phòng trừ rầy nâu cho diện tích lúa của gia đình và một số hộ xung quanh, tổng cộng khoảng 6 ha. Sau khi phun chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp. hai lần/vụ, kết quả rất tốt, diện tích lúa được phun CPSH đều không bị rầy nâu phá hại.

Theo ông Cao Văn Chuyên, nông dân ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước: Quy trình sản xuất chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp. rất đơn giản, áp dụng dễ dàng tại nhà vì chỉ cần sử dụng nồi hấp, tủ cấy vi sinh, nguyên vật liệu rẻ tiền như gạo hoặc tấm và nuôi cấy nấm ở điều kiện nhiệt độ, ẩm độ bình thường trong nhà.

Trước tiên ngâm gạo với nước khoảng 60 - 90 phút, cho vào bọc nylon (0,3 kg/bọc), đun nấu trên bếp lửa (thanh trùng) bằng nồi nhôm từ 60 - 90 phút, để nguội rồi cấy nấm gốc (do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN cung cấp), lấy giống từ ống giống cho vào mỗi bọc, đem ủ trong điều kiện tự nhiên của phòng, nhiệt độ 28-30 độ C, lắc bọc chế phẩm mỗi ngày 1 lần.

Sau khoảng 14 ngày có thể đem ra pha vào nước phun lên cây lúa với lượng 1 bọc chế phẩm sử dụng phun cho 3 sào. Đây gọi là “chế phẩm tươi”, nên sau khi sản xuất cần sử dụng ngay thì mới phát huy hết hiệu lực của nấm ký sinh.

Nhìn chung, qua thực tế sản xuất cho thấy, dùng CPSH trừ rầy chỉ tốn 1 triệu đồng/ha/vụ, trong khi ruộng đối chứng dùng thuốc hóa học là 1,4 triệu đồng/ha/vụ. Năng suất, sản lượng lúa cũng tăng hơn so với đối chứng. Tính ra lợi nhuận ruộng mô hình đạt hơn 20 triệu đồng/ha, ruộng đối chứng chỉ 16 triệu đồng/ha.

Nhiều nông dân tham gia mô hình cho rằng, cái lợi cao nhất của việc dùng CPSH để phòng trừ rầy nâu hại lúa là góp phần bảo vệ sức khỏe cho con người, an toàn đối với thiên địch và bảo vệ môi trường đồng ruộng trong lành.

Theo ông Kiều Văn Cang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật: Cần phải phun khoảng 2 lần/vụ lúa khi thấy mật độ 2-3 con rầy nâu/dảnh lúa. Đồng thời không nên sử dụng, hoặc phối hợp trộn với thuốc trừ nấm có hoạt chất nhóm Carbendazim, Difenoconazol sẽ làm giảm hiệu lực của chế phẩm.   

Một số biện pháp để nâng cao hiệu quả và nhân rộng mô hình

Khi sử dụng CPSH, nông dân phải theo dõi thường xuyên đồng ruộng từ sau sạ, để khi phát hiện rầy là phun chế phẩm ngay. Phòng ngừa, phun CPSH khi mật độ rầy ở mức thấp mới mang lại hiệu quả. Ghi nhận qua các vụ sản xuất, phun chế phẩm ở mật độ rầy từ 1.000 con/m2 trở xuống là hiệu quả nhất. Nên phun chế phẩm phòng ngừa lúc cây lúa 35 ngày sau sạ hoặc khi phát hiện rầy nâu từ 5 - 10 con/dảnh lúa.

Nấm sẽ bám vào con rầy, tiết ra chất phá vỡ vỏ rầy để hút dinh dưỡng làm cho con rầy chết đi, sau đó nấm lây sang con khác. Cần đồng loạt phun đại trà trên đồng ruộng, sẽ làm cho nấm có lợi phát triển, cũng từ đó làm giảm mật độ rầy nâu.

Tuy nhiên, chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp. cũng như một số thuốc sinh học khác thường thể hiện hiệu quả tương đối chậm hơn so với thuốc hóa học. Sự bảo quản, duy trì độ thuần của giống gốc và khả năng hỗn hợp của các thuốc sinh học thường yêu cầu điều kiện, kỹ thuật nghiêm ngặt nên một số nông dân ngại sử dụng. Vì vậy, cần phải tiếp tục nghiên cứu các phương pháp nhân nhanh, bảo quản phù hợp với điều kiện và yêu cầu của bà con nông dân.

Ông Huỳnh Xuân Trường cho biết: Trung tâm sẽ tiếp tục chuyển giao cho mỗi huyện 1 - 2 mô hình tự sản xuất chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp. để phòng trừ rầy nâu hại lúa, từ đó nhân rộng ra đại trà. Để tiết kiệm và tăng hiệu quả kinh tế, bà con nông dân có thể liên kết tạo thành nhóm nông dân tự góp vật liệu để sản xuất ra nấm trừ rầy…


Có thể bạn quan tâm

Lão Nông Lão Nông "Đời Mới"

Ông Hoàng Văn Lập (69 tuổi, xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) là nông dân trồng tiêu giỏi tại địa phương, luôn tiên phong ứng dụng cái mới vào sản xuất. Nhờ đó, vườn tiêu rộng hơn 1 hécta 14 năm tuổi của ông luôn cho năng suất cao, ổn định với chi phí sản xuất thấp.

25/08/2014
Tập Trung Bảo Vệ Sản Xuất Mùa Lũ Tập Trung Bảo Vệ Sản Xuất Mùa Lũ

Vụ lúa thu đông này xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự xuống giống gần 1.200ha lúa và hoa màu, là một trong những địa phương có diện tích lúa thu đông nhiều nhất của huyện. Tuy nhiên, đây cũng là xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở vào mùa lũ. Do vậy mọi công tác bảo vệ sản xuất đang được xã tập trung.

25/08/2014
Giá Trị Sản Xuất Công Nghiệp Trong Tháng 8 Đạt Gần 1.500 Tỷ Đồng Giá Trị Sản Xuất Công Nghiệp Trong Tháng 8 Đạt Gần 1.500 Tỷ Đồng

Theo Cục Thống kê tỉnh, tháng 8 sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng không cao, do các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

25/08/2014
Nông Dân Ngoài Vùng Đê Bao Thu Hoạch Lúa Chạy Lũ Nông Dân Ngoài Vùng Đê Bao Thu Hoạch Lúa Chạy Lũ

Hiện UBND huyện Lấp Vò cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương đẩy mạnh công tác gia cố đê bao, bảo vệ ăn chắc trên 10.000ha lúa vụ thu đông đang giai đoạn đòng trổ, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8 âm lịch.

25/08/2014
Chủ Động Bảo Vệ Diện Tích Sản Xuất Vụ Thu Đông, Vườn Cây Ăn Trái Chủ Động Bảo Vệ Diện Tích Sản Xuất Vụ Thu Đông, Vườn Cây Ăn Trái

Các đơn vị hữu quan khẩn trương rà soát và di dời những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.

25/08/2014