Nông dân trúng mùa nhãn

Ông Lê Trương Vinh bên vườn nhãn đang cho thu hoạch.
Ông Lê Trương Vinh (58/9 Nguyễn Gia Thiều, phường 12, TP.Vũng Tàu) cho biết, ông hiện đang trồng 40 gốc nhãn trên diện tích 1.500m2 với nhiều giống nhãn như: nhãn xuồng cơm vàng, nhãn bắp cải, nhãn bao công và nhãn Hai Duyệt (giống nhãn của ông Bùi Quang Duyệt).
Theo ông Vinh, 1 cây nhãn xuồng cơm vàng trong vườn ông thu hoạch được từ 70 - 150kg, giá bán tại vườn từ 50.000 - 60.000 đồng/kg.
Nhãn Hai Duyệt và nhãn bắp cải cũng cho năng suất tương tự, nhưng giá bán cao hơn với 80.000 - 90.000 đồng/kg (nhãn Hai Duyệt); 100.000 - 110.000 đồng/kg (nhãn bắp cải).
Ngoài ra, nhờ ứng dụng kỹ thuật chiết - ghép, ông Vinh còn tạo ra loại nhãn xuồng lai tiêu cho cơm vàng, hạt nhỏ, giòn và ngọt nên được bán với giá cao 120.000 đồng/kg cho thương lái thu mua tại vườn.
Như vậy, với 40 gốc nhãn các loại, ông Vinh ước tính, gia đình ông thu lãi khoảng 80 - 90 triệu đồng, cao hơn 10 - 20 triệu đồng so với năm trước.
Ông Chang Tiến Thành, là hộ trồng nhãn lâu năm ở phường 12 cho biết, năm nay, thời tiết TP.Vũng Tàu khá thuận lợi cộng với kỹ thuật chăm sóc đúng cách nên nhãn năm nay trái to, ít rụng, sản lượng đạt 1,8 - 2 tấn/ha
. Theo ông Thành, để có nhãn chính vụ đạt năng suất cao thì từ cuối tháng 2 (âm lịch), ông bắt đầu tưới nước (đây là khâu quan trọng nhất quyết định năng suất cây nhãn).
Sau 3 tháng tưới liên tục, đến tháng 4 mưa xuống thì nhãn bắt đầu trổ bông. Tháng 6 (âm lịch) bắt đầu thu hoạch lứa nhãn đầu tiên.
Theo ông Thành, đối với những cây nhãn trồng mới theo hàng lối thì ông phủ lưới toàn bộ vườn từ ngọn xuống sát đất để hạn chế chim, dơi, ruồi vàng, bọ xít và ngăn ngừa nhãn rụng trái non.
Theo các hộ trồng nhãn, mặc dù được mùa nhưng giá nhãn bán không hề giảm so với năm ngoái.
Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 cho biết, giá bán tại vườn vẫn phổ biến từ 50.000 - 60.000 đồng/kg nhãn xuồng cơm vàng; 30.000 - 35.000 đồng/kg nhãn xuồng cơm trắng.
Định hướng của phường 12 là thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, trong đó khuyến khích các hộ chuyển đổi những diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng các giống nhãn cho năng suất và chất lượng cao, góp phần làm đa dạng sản phẩm cây ăn quả của tỉnh, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Cái nắng đầu tháng 5 khét lẹt, không một chút gió khiến ruộng dưa gần chục ha ở thị trấn nông trường Việt Trung (Bố Trạch-Quảng Bình) như bị nung nóng. Trên ruộng dưa, anh Nguyễn Hữu Nam (ở TK 1- thị trấn NT Việt Trung) vẫn đội nắng, miệt mài chọn dưa để thu hoạch cho kịp giờ thương lái đến ăn hàng.

Thời gian qua, thông tin về chất cấm đã kéo giá heo hơi giảm mạnh xuống hơn 1 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn giá xuất chuồng, giá thịt heo ở chợ vẫn ở mức cao. Lợi nhuận từ sự chênh lệch giá thịt heo từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng đang rơi vào tay thương lái và tiểu thương.

Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống trang trại tựa như một bức tranh thiên nhiên đẹp hoàn mỹ. Vừa qua khỏi cổng trang trại là khu nuôi heo rừng, lúc cao điểm lên tới vài trăm con. Dọc hai bên đường là những cây bơ ghép giống của Mỹ, cây mắc ca 2 năm tuổi, xanh mơn mởn, đan xen dưới tán cà phê nặng trĩu quả, đỏ rực đang chờ người thu hái

Đến xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) những ngày này, chúng tôi chứng kiến không ít nỗi buồn của người nuôi khi tôm hùm liên tục chết. Trong khi đó, giá tôm lại liên tục giảm…

Bên cạnh những lo ngại như mất thị trường trong nước, gây xáo trộn quy hoạch một số ngành..., không thể phủ nhận việc thương nhân Trung Quốc (TQ) thu gom nông sản cũng tạo ra một số dấu hiệu tích cực, nếu không muốn nói đây chính là cơ hội để nông dân, doanh nghiệp (DN) Việt Nam trưởng thành hơn, thúc đẩy giao thương, buôn bán giữa hai nước, giảm nhập siêu từ TQ