Nông Dân Tiền Phong Mất Mùa Đỗ Vì Mưa

Trời mưa lớn kéo dài đã khiến trên 40 ha đỗ tương, đỗ xanh của xã Tiền Phong (Thanh Miện, Hải Dương) đang chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị thối.
Tới khu đồng Điếm, thôn My Động I, một trong những nơi có diện tích trồng đỗ lớn nhất xã với trên 30 ha, mặc dù đang là thời điểm chuẩn bị thu hoạch nhưng đồng rất vắng người. Từ trên đê nhìn xuống, màu xanh tươi của các cây họ đậu hôm nào nay đã trở nên úa vàng và đen thui. Bên cạnh số ít diện tích được thu hoạch “chạy” thời tiết, hầu hết các ruộng vẫn còn nguyên tình trạng thối quả, chết cây.
Vụ hè năm nay bà Trần Thị Nền trồng 2 sào đỗ tương. Do tích cực chăm bón và phòng trừ sâu bệnh nên cây sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nhìn mức độ đậu quả, gia đình dự tính năng suất sẽ đạt 1 tạ/sào, với giá 15 nghìn đồng/kg, ruộng đỗ tương của gia đình hứa hẹn cho thu 3 triệu đồng.
Nhưng những ngày qua, trời mưa liên tục gây ngập úng khiến cây bị hỏng. Tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà ra đồng cắt về. "Trông bên ngoài chắc vậy nhưng trong hạt đã thối hết. Tôi cắt về cho sạch ruộng, rảnh thì nhặt nhạnh được hạt nào cho lợn thì nhặt chứ đỗ thối bán chẳng ai mua...", bà Nền chua xót nói.
Khác với khu đồng Điếm, vùng trồng màu ven bãi thôn Đồng Chấm lại có nhiều thuận lợi trong việc tiêu úng. Tuy nhiên, việc mưa lớn kéo dài trên 10 ngày khiến bà con nơi đây cũng xoay xở không kịp. Bà Nguyễn Thị Linh buồn bã: "Gia đình tôi trồng 8 sào đậu, đỗ các loại, trong đó có 4 sào đỗ xanh còn lại là đỗ tương. Bao nhiêu công sức, tiền của dồn vào, vậy mà giờ thành công cốc.
Những ngày thời tiết mưa lớn, tôi vẫn ra đồng chặt về đánh đống đầy nhà chờ khi nắng ấm đem ra phơi phong hòng gỡ gạc chút vốn nhưng không lại được với thời tiết bởi giống này một khi đã thu hoạch về phải phơi ngay và phơi vài nắng mới khô. Hiện tại, gia đình vẫn còn trên 4 sào đỗ đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng vì quả thối hết, tôi cũng chẳng muốn cắt về…".
Anh Nguyễn Văn Hữu, Trưởng thôn Đồng Chấm cho biết: Thôn có 64 hộ, trong đó có trên 30 hộ gắn bó với cây đậu, đỗ. Ngoài diện tích cấy lúa, Tiền Phong có trên 40 ha đất cát pha. Trên diện tích đất này, hằng năm địa phương bố trí gieo trồng 1 vụ đậu, đỗ xen giữa 2 vụ ngô.
Mặc dù được gieo trồng với quy mô khá lớn nhưng trong thôn chưa có hộ nào đầu tư mua máy sấy nông sản, chưa có địa điểm tập kết hàng hoá. Thời điểm trồng cây đỗ tương vụ xuân ở địa phương thường bắt đầu từ tháng 2-3 và cho thu hoạch khi cây được 3 tháng. Tuy nhiên, năm nay do nhiều hộ trồng đỗ muộn nên khi gặp mưa lớn kéo dài trên 10 ngày, nhiều diện tích bị ngập úng, gây thối cây, quả.
Kết hợp với đó là mưa lớn, liên tục, nông dân không kịp thu hoạch và không có đủ thiết bị bảo quản nông sản... bởi vậy đã bị thiệt hại rất nặng. Qua đánh giá sơ bộ của UBND xã: khả năng mất mùa từ cây đỗ tương vụ này chiếm tới trên 70%, ước tính thiệt hại trên 1 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù đầu năm thị trường bị thiếu một số mặt hàng nông sản đặc trưng như dưa leo, cải và rau củ, nhưng do phối hợp tốt với các nhà vườn tại Đà Lạt và TPHCM chủ động chuẩn bị lượng tốt từ trước Tết, nên siêu thị vẫn có đủ hàng để giảm giá đầu năm. Đặc biệt, một số loại nông sản như khoai tây, cà rốt, salad mỡ, dưa leo... có giá rẻ hơn thị trường từ 4.000 đến 13.000 đồng/kg.

Sáng 1-3, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN- PTNT) phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã tổ chức triển khai Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo vụ đông xuân 2014 - 2015.

Cũng theo Bộ NN&PTNT, ước giá trị NK mặt hàng thủy sản tháng 2 đạt 72 triệu USD, đưa giá trị NK 2 tháng đầu năm đạt 172 triệu USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2014. Hai thị trường NK chính là Ấn Độ (chiếm 32,6%) và Nauy (chiếm 10,4%).

Mồng 6 Tết Ất Mùi, trong ngày đầu cả nước ra quân làm việc, các xã Glar, A Dơk, Ia Băng, Trang, Ia Pếch… thuộc huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, thủ phủ cây cao su trên Tây Nguyên vắng lặng lạ thường. Không phải vì những vườn cao su đã trơ trụi mùa thay lá, không phải người dân lên nương làm rẫy, mà bởi 2 loại cây đem lại thu nhập chính cho người dân nơi đây sắn và cao su, năm qua giá rớt thê thảm, tác động đời sống bà con.

Theo các tiểu thương, lượng hàng tại chợ quá ít trong khi thời điểm này đang là trái vụ của nhiều loại trái cây nhưng sức mua lại mạnh do sắp tới rằm tháng Giêng. Họ dự báo giá có thể tăng lên nữa trong vài ngày tới và phải đến tận 17 - 18 tháng Giêng âm lịch mới khả năng hạ nhiệt.