Nông dân Tiền Giang khấm khá nhờ chuyên canh mãng cầu xiêm

Với năng suất cao từ 30 - 40 tấn/ha, giá bán bình quân 10.000 đồng/kg, mỗi hécta mãng cầu xiêm đạt giá trị sản lượng 300 - 400 triệu đồng, trừ chi phí bà con còn lãi trên 200 triệu đồng.
Diện tích trồng mãng cầu xiêm tập trung tại các xã cù lao Tân Thạnh, Tân Thới, Tân Phú... thuộc huyện Tân Phú Đông - vùng chuyên canh mãng cầu xiêm lớn nhất tỉnh Tiền Giang.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Tân Phú Đông, cây mãng cầu xiêm thích hợp với thổ nhưỡng vùng đất nhiễm mặn ven biển Tân Phú Đông, nơi thiên nhiên khắc nghiệt, mỗi năm có đến 6-8 tháng bị nhiễm mặn.
Ông Nguyễn Trường Vũ, nông dân giỏi thâm canh mãng cầu xiêm tại xã cù lao Tân Thạnh (Tân Phù Đông), cho biết gia đình ông có 0,5ha mãng cầu xiêm, mỗi năm đạt sản lượng 20 tấn quả, thu về 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 200 triệu đồng, gấp hàng chục lần so với trồng lúa. Nhờ cây trồng đặc sản này, mấy năm nay kinh tế gia đình ông khá hẳn lên.
Để phát huy thế mạnh này, tỉnh Tiền Giang giúp huyện Tân Phú Đông quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan khoa học và ngành hữu quan như Viện Cây ăn quả miền Nam (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang… khuyến khích nông dân chăm sóc theo khoa học, áp dụng kỹ thuật xử lý cho trái theo ý muốn cũng như chủ động phòng trị sâu bệnh bảo vệ cây trồng, thâm canh theo quy trình canh tác VietGAP...
Địa phương cũng đã thành lập Tổ hợp tác trồng mãng cầu xiêm ở xã Tân Phú nhằm chuyển giao quy trình thâm canh theo hướng VietGAP, nâng cao chất lượng quả, đồng thời khẳng định thương hiệu mãng cầu xiêm Tân Phú Đông trên thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, tháng Bảy vừa qua, được sự hỗ trợ của Viện Cây ăn quả miền Nam, Tổ hợp tác mãng cầu xiêm xã Tân Phú đã đạt chứng nhận VietGAP trên diện tích hơn 13ha, với 25 hộ tham gia.
Có thể bạn quan tâm

Với giá bán dao động ở mức 10.000 – 20.000 đồng/kg cau cành tươi, cao gấp 6 – 12 lần so với năm 2013, 2014 nên người trồng cau và các cơ sở sơ chế rất phấn khởi. Nhưng để niềm vui này được trọn vẹn, chính quyền các địa phương đã khuyến khích người dân không nên phá vỡ quy hoạch cơ cấu cây trồng để chạy theo cây cau.

Ban chỉ đạo Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh vừa tổ chức Hội nghị sơ kết phong trào này giai đoạn 2012-2015 với sự tham gia của hơn 150 đại biểu nông dân của tỉnh, nhằm biểu dương những thành tích xuất sắc của phong trào trong thời gian qua.

Kết thúc vụ cá chính (từ 1.4 đến 30.9), ngư dân trong tỉnh phấn khởi vì sản lượng đánh bắt cũng như giá bán tăng cao. Niềm vui "trúng mùa, được giá" là động lực để ngư dân trong tỉnh tiếp tục vươn khơi.

Hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong những hợp phần quan trọng của Chương trình 135 trong việc nâng cao mức sống, giúp các hộ nghèo, cận nghèo các vùng đặc biệt khó khăn thoát nghèo bền vững.
Sáng 8.10, tại UBND xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh- Chi nhánh Quảng Ngãi (HDBank) đã tổ chức hội thảo khách hàng về triển khai gói tín dụng cho vay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.