Nông Dân Tây Nguyên Đồng Loạt Mở Kho Cà Phê

Thời điểm thu hoạch càphê niên vụ 2013-2014, giá càphê nhân trên thị trường Tây Nguyên đạt 34.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ còn 31.000 đồng/kg, khiến đa phần nông dân không dám bán mà cất trữ, chờ giá lên. Hiện tại, giá càphê nhân tại đây tăng lên 40.900 - 41.600 đồng/kg nên bà con đồng loạt bán ra thị trường.
Ông Lê Văn Thân, ở xã Hoà Đông (Krông Pắk - Đắk Lắk), cho biết: “Niên vụ vừa qua, gia đình thu hoạch được 3,5 tấn càphê nhân. Tuy nhiên, ở thời điểm mới thu hoạch, giá càphê xuống thấp quá, có lúc chỉ đạt 32.000 đồng/kg nên tôi chưa vội bán. Mấy ngày nay, thấy giá càphê có chiều hướng tăng, hiện đạt 41.000 đồng/kg, tôi quyết định bán ra, thu về hơn 130 triệu đồng”.
Hiện nay, hầu hết nông dân đang cần tiền để chống hạn và chuẩn bị vật tư, phân bón chăm sóc cho càphê niên vụ 2014-2015. Điều đáng mừng là giá càphê tăng đúng vào thời điểm bà con đang cần vốn để đẩy mạnh đầu tư, chăm sóc càphê nên ai cũng vui, mạnh dạn bán càphê để có vốn tiếp tục đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Đức, ở xã Ea Tiêu (Cư Kuin - Đắk Lắk), chia sẻ: “Kết thúc niên vụ càphê vừa qua, gia đình tôi thu hoạch được 5 tấn càphê nhân. Do giá lúc đó xuống thấp quá, chỉ 31.000 đồng/kg nên tôi bán bớt 1 tấn để chi phí cho việc thuê nhân công thu hái, còn 4 tấn cất trữ, chờ cơ hội tăng giá mới bán. Người trồng càphê như chúng tôi chỉ mong giá lên được tầm 40.000 đồng/kg, vì với mức giá ấy mới có lời”.
Còn chị Lê Vân Anh, chủ đại lý thu mua càphê tại xã Hoà Đông, cho biết: “Những ngày qua, do giá càphê lên mức 41.000 đồng/kg, đa số nông dân tạm trữ càphê hồi đầu vụ đã đồng loạt mang ra bán để lấy tiền đầu tư… Do đông người bán càphê nên đại lý mở cửa để thu mua từ sáng sớm đến đêm mà vẫn không kịp”.
Với giá càphê nhân tăng cao như hiện nay, nông dân cảm thấy có lãi nên đồng loạt bán ra thị trường. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, việc bà con đồng loạt bán càphê có thể khiến giá lại giảm trong thời gian tới.
Tây Nguyên là vùng trồng càphê trọng điểm và có diện tích lớn nhất cả nước với khoảng 500.000ha, tập trung tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng, trong đó Đắk Lắk có khoảng 202.500ha. Do vậy, việc nông dân tạm trữ hay bán càphê sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung - cầu của thị trường càphê trong nước hiện nay.
Điều quan trọng là, bà con nên lựa chọn thời điểm bán thích hợp để đảm bảo lợi nhuận; các tổ chức tín dụng tăng thời hạn cho vay để nông dân có vốn đầu tư cho niên vụ tiếp theo thay vì phải trông chờ vào việc bán càphê như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Từ nay đến tháng 2-2015, Vinamilk sẽ nhập thêm 3.000 con bò sữa và đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại công nghệ cao tại Tây Ninh, Hà Tĩnh và Thanh Hóa, dự kiến với tổng số 9 trang trại sẽ đáp ứng 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu trong nước.

Nguồn phân bón nhập khẩu chủ yếu là từ Trung Quốc, chiếm 49,2% tổng kim ngạch nhập khẩu. Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc trong 8 tháng năm 2014 đã giảm 8% về lượng và giảm 21,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.

Theo ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, mô hình nuôi sò huyết xen tôm trên địa bàn huyện đang phát triển khá mạnh với 169 ha. Năng suất sò bình quân 6 tấn/ha, lợi nhuận trên 100 triệu đồng/ha.

Mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ trị giá từ vài tỷ đồng trở lên là tài sản lớn nên việc neo đậu an toàn trong bão lũ được ngư dân quan tâm. Nhớ lại những trận bão của nhiều năm trước, anh Nguyễn Văn Độc ở thị trấn Thuận An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) không khỏi xót xa do chủ quan trong việc neo đậu tránh trú bão khiến tàu anh hư hỏng nặng.

Vụ tôm xuân hè năm nay, xã Nam Cường (Tiền Hải - Thái Bình) thả nuôi 4,8 triệu con tôm sú và 80 vạn con tôm thẻ, 7 ha cá vược, 1 ha cua. Ðến nay, bà con đã cơ bản hoàn thành thu hoạch tôm. Nhìn chung tất cả các hộ nuôi tôm đều thu lãi cao hơn mọi năm, trong đó có nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng.