Nông Dân Tất Bật Ra Đồng

Đã thành truyền thống, sau những ngày vui Xuân, nông dân các địa phương trong tỉnh quay trở lại với việc đồng áng. Những ngày đầu Xuân đi khắp các cánh đồng lúa nước, cà phê, hồ tiêu… đâu đâu cũng thấy sự phấn khởi trên nét mặt của người nông dân, ai cũng cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, mọi điều suôn sẻ sẽ đến trong năm mới 2015.
Cũng như những năm trước đây, những ngày đầu Xuân mới các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đak Đoa lại đồng loạt tổ chức lễ ra quân sản xuất đầu năm 2015…; đặc biệt công tác phòng-chống cháy rừng trong mùa khô năm 2015 được xem là nhiệm vụ trọng tâm nên năm nay UBND huyện Đak Đoa đã chọn đồi Chư Tẻh là nơi ra quân. Chư Tẻh có diện tích rừng thông 3 lá khá lớn nằm trên địa bàn của 3 xã A Dơk, Ia Băng và Ia Pết được trồng theo chương trình “Trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” từ những năm trước nhưng thường xuyên cháy vào mỗi mùa khô khiến cây trồng sinh trưởng chậm.
Có mặt từ lúc mờ sáng cùng hơn 300 người dân của 3 xã, ông Vich (thôn Djrông, xã A Dơk) không giấu được niềm vui và tự hào cho hay: “Sau những ngày đón Tết vui vẻ, bà con trong làng ai ai cũng phấn khởi bởi sự chăm lo chu đáo của Nhà nước đối với bà con trong những ngày Tết vừa qua.
Từ khi có chương trình phát động lễ ra quân sản xuất đầu năm bà con đều rất phấn khởi, người mang cuốc, người thì rựa, dao… sau khi làm lễ xong sẽ tổ chức phát dọn thực bì”. Cùng với hoạt động phòng-chống cháy rừng trong mùa khô năm nay, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đak Đoa đều đồng loạt tổ chức lễ ra quân sản xuất đầu năm 2015, trong đó tập trung nhiều nhất là chăm sóc lại cây lúa Đông Xuân và tưới nước đợt II cho cây cà phê…
Theo thống kê nhanh của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa, đến nay toàn huyện đã gieo trồng được 3.353,5 ha cây trồng các loại, đạt 98,2% kế hoạch; riêng lúa Đông Xuân 2.891 ha, đạt 100% kế hoạch. Bắt đầu từ sáng mùng 4 Tết, trên các cánh đồng lúa nước ở các xã, thị trấn đều có từ 100 đến 150 nông dân cùng cán bộ nông nghiệp xã, huyện ra đồng hướng dân kỹ thuật cho người dân chăm sóc cây trồng, ngăn chặn các loại sâu bệnh gây hại để mang lại hiệu quả cao nhất.
Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết thêm: “Việc duy trì thường xuyên các hoạt động ra quân sản xuất đầu năm vào mỗi dịp Tết đến Xuân về được huyện rất quan tâm thực hiện từ nhiều năm nay. Đây là dịp để bà con nông dân chăm sóc lại cây trồng sau đợt nghỉ Tết dài ngày. Không những vậy, cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp huyện còn hướng dẫn cho nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi trong năm mới 2015 này.
Cùng với nông dân huyện Đak Đoa, nông dân huyện Chư Pưh đã tổ chức nạo vét kênh mương, khơi thông hệ thống cống rãnh tại các xã có công trình thủy lợi; tưới nước đợt II cho cây cà phê. Nông dân khu vực Đông Nam tỉnh cũng ra quân chặt mía sớm để cung cấp mía nguyên liệu cho Công ty cổ phần Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai ép những mẻ đường đầu tiên trong năm mới 2015.
Một mùa Xuân nữa lại về trên khắp các cánh đồng lúa, hoa màu và cà phê… tất cả nông dân đều cầu mong sang năm mới gặp nhiều thuận lợi để mùa màng được bội thu.
Có thể bạn quan tâm

Hàng năm, diện tích cũng như sản lượng nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn Quảng Ninh liên tục tăng. Kết quả này có một phần đóng góp không nhỏ của Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản Quảng Ninh trong việc nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công nhiều giống mới, đáp ứng nhu cầu về giống cho sự phát triển bền vững nghề nuôi trồng thuỷ sản.

Nhờ áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật với quy trình sản xuất xoài đạt chuẩn GlobalGAP, Hợp tác xã (HTX) xoài Mỹ Xương (xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) từng bước khẳng định thương hiệu, vươn ra thị trường thế giới. Bình quân mỗi héc ta trồng xoài cát Chu và xoài cát Hoà Lộc lãi từ 100 - 200 triệu đồng.

Chuẩn bị bước vào vụ đông xuân, thay vì cách làm truyền thống phát dọn cỏ trước khi gieo sạ, không ít nông dân ở nhiều nơi trong tỉnh lựa chọn cách dùng thuốc để diệt cỏ. Việc lạm dụng quá mức thuốc diệt cỏ không chỉ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái mà cả sức khỏe con người.

Năm 2012, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre chọn cá điêu hồng làm mô hình trình diễn tại hộ ông Trịnh Công Trung - ấp 10 - xã Tân Thạch (Châu Thành).

Trong năm, việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất hoa màu tiếp tục được quan tâm. Cụ thể, thực hiện 7 mô hình trình diễn rau an toàn (RAT); 4 mô hình sản xuất RAT gắn với tiêu thụ và nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo lồng ghép trong các chương trình, dự án... Từ đó, nông dân đã mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng (bắp 7 tấn/ha, đậu nành 2,1 tấn/ha, rau muống lấy hạt 2,5 tấn/ha). Sản xuất RAT diện tích trên 150ha, đạt 83,5% kế hoạch nhưng hầu hết diện tích rau đều sản xuất nhỏ lẻ, chưa có liên kết sản xuất và tiêu thụ.