Nông dân tập trung xuống giống vụ lúa tôm

Ông Thái Văn Nhơn gieo sạ trên đất nuôi tôm vừa cải tạo.
Nông dân vùng chuyển đổi lúa - tôm huyện Phước Long đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để gieo sạ. Do độ mặn nước sông còn khá cao, vì thế, để vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt kết quả như mong đợi, nhiều người phải bơm tát nước tháo chua, rửa mặn cho ruộng.
Ông Huỳnh Nhựt Linh (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nay, nước ngọt đầu nguồn về trễ nên độ mặn trên các ao nuôi tôm còn khá cao.
Những năm trước chỉ cần tháo rửa ruộng 1 - 2 lần là có thể xuống giống, nay phải làm nhiều lần mới đảm bảo đủ độ ngọt cần thiết. Để gieo sạ kịp lịch thời vụ, gia đình tôi gấp rút cải tạo đất”.
Một số hộ tận dụng nguồn nước từ các cơn mưa những ngày qua và tiến hành gieo sạ. Ông Thái Văn Nhơn (thị trấn Phước Long) là một trong những hộ sạ lúa trước so với các hộ lân cận. Với 1,5ha đất canh tác, ông Nhơn trồng giống Một bụi đỏ cho vụ lúa chính trong năm.
Ông Nhơn bày tỏ: “Những năm qua, ở vụ lúa trên đất nuôi tôm, gia đình tôi luôn sử dụng giống Một bụi đỏ. Do giống lúa này có thời gian canh tác dài ngày hơn so với các loại giống khác nên tôi phải gieo sạ trước, để thu hoạch đồng loạt với mọi người”.
Vụ sản xuất này, Phòng NN&PTNT huyện Phước Long khuyến cáo bà con sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày để chủ động nguồn nước sản xuất. Trong đó, các loại giống OM (OM 2517, OM 2395…), Một bụi đỏ là những giống có đặc điểm nổi trội như: cứng cây, chịu được độ phèn mặn cao, cho năng suất khá.
Hiện nay, thời tiết diễn biến khá thuận lợi cho khu vực sản xuất vùng chuyển đổi lúa - tôm. Phòng NN&PTNT huyện Phước Long đang hướng dẫn bà con kỹ thuật tháo chua, rửa mặn để đến hết tháng 9/2015 hoàn thành xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2015.
Kỹ sư Cao Văn Nhạn, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Phước Long, khuyến cáo: “Vào thời điểm này là mùa mưa, vì vậy bà con tận dụng nước mưa để xuống giống kịp lịch thời vụ.
Nên gieo sạ đồng loạt để có thể thuận tiện trong việc tiêu thoát nước và khi thu hoạch. Đề phòng xâm nhập mặn vào những diện tích đất đã được cải tạo nhưng chưa xuống giống để tránh bị thiệt hại”.
Luân canh lúa - tôm là một trong những mô hình được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng, giúp bà con nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Khoảng cách luân phiên giữa 2 vụ lúa và tôm còn làm cho đất canh tác không bị bạc màu, có thời gian phục hồi lượng phù sa cần thiết. Mô hình này còn được xem là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trong tỉnh.
Để phát huy thế mạnh của mô hình lúa - tôm, các ngành chức năng cần rà soát, quy hoạch hợp lý các vùng chuyển đổi để đầu tư cơ sở hạ tầng; khuyến khích, hỗ trợ việc sản xuất theo hướng hợp tác; tăng cường tập huấn kỹ thuật để bà con áp dụng vào thực tiễn...
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm đến đầu tháng 4-2014, trên địa bàn tỉnhThanh Hóa đã xảy ra 9 ổ dịch thủy sản của tôm sú, tôm thẻ chân trắng và ngao Bến Tre. Trong đó, 225,8 ha tôm sú tại xã Hoằng Phụ, Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), Quảng Phú (TP Thanh Hóa), Đa Lộc (Hậu Lộc)... bị bệnh đốm trắng; 8,5 ha tôm thẻ chân trắng bị nhiễm bệnh tại xã Thanh Thủy (Tĩnh Gia); ngao nuôi Bến Tre chết rải rác ở 155 ha nuôi tại các xã Hải Lộc (Hậu Lộc), Quảng Nham (Quảng Xương).

Trước tình hình này, UBND xã Hòn Nghệ đã thông báo cho Chi cục Nuôi trồng Thủy sản tỉnh Kiên Giang và UBND huyện Kiên Lương, các ngành chức năng để tìm hiểu nguyên nhân chính xác cá chết. Song song đó, UBND xã hướng dẫn bà con bằng mọi biện pháp tạo ôxy cho cá hoặc di dời lồng bè đến những nơi có dòng nước chảy để cứu số cá nuôi còn lại.

Tôm hùm có giá trị xuất khẩu, kinh tế cao. Ở Việt Nam, nghề nuôi tôm hùm phân bố từ Quảng Bình đến Bình Thuận, trong đó tập trung chủ yếu ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Tuy nhiên, hiện nay nguồn tôm hùm giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, trong khi đó việc nuôi tôm thương phẩm lại thiếu tính bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, tính đến hết quý I/2014, diện tích nuôi thủy sản toàn thành phố là 2.087 ha (trong đó diện tích thả nuôi năm 2013 sẽ thu hoạch năm 2014 là hơn 1.000 ha), đạt trên 16% kế hoạch, bằng 78,43% so cùng kỳ.

Ông Võ Văn Út, Bí thư Huyện ủy Hồng Dân (Bạc Liêu) cho biết, ý tưởng sản xuất và chế biến cá chình thương phẩm xuất khẩu sang Hàn Quốc của nông dân Hồng Dân đã trở thành hiện thực.