Nông dân tập trung xuống giống vụ lúa tôm

Ông Thái Văn Nhơn gieo sạ trên đất nuôi tôm vừa cải tạo.
Nông dân vùng chuyển đổi lúa - tôm huyện Phước Long đang chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để gieo sạ. Do độ mặn nước sông còn khá cao, vì thế, để vụ lúa trên đất nuôi tôm đạt kết quả như mong đợi, nhiều người phải bơm tát nước tháo chua, rửa mặn cho ruộng.
Ông Huỳnh Nhựt Linh (thị trấn Phước Long, huyện Phước Long) chia sẻ: “Năm nay, nước ngọt đầu nguồn về trễ nên độ mặn trên các ao nuôi tôm còn khá cao.
Những năm trước chỉ cần tháo rửa ruộng 1 - 2 lần là có thể xuống giống, nay phải làm nhiều lần mới đảm bảo đủ độ ngọt cần thiết. Để gieo sạ kịp lịch thời vụ, gia đình tôi gấp rút cải tạo đất”.
Một số hộ tận dụng nguồn nước từ các cơn mưa những ngày qua và tiến hành gieo sạ. Ông Thái Văn Nhơn (thị trấn Phước Long) là một trong những hộ sạ lúa trước so với các hộ lân cận. Với 1,5ha đất canh tác, ông Nhơn trồng giống Một bụi đỏ cho vụ lúa chính trong năm.
Ông Nhơn bày tỏ: “Những năm qua, ở vụ lúa trên đất nuôi tôm, gia đình tôi luôn sử dụng giống Một bụi đỏ. Do giống lúa này có thời gian canh tác dài ngày hơn so với các loại giống khác nên tôi phải gieo sạ trước, để thu hoạch đồng loạt với mọi người”.
Vụ sản xuất này, Phòng NN&PTNT huyện Phước Long khuyến cáo bà con sử dụng các loại giống lúa ngắn ngày để chủ động nguồn nước sản xuất. Trong đó, các loại giống OM (OM 2517, OM 2395…), Một bụi đỏ là những giống có đặc điểm nổi trội như: cứng cây, chịu được độ phèn mặn cao, cho năng suất khá.
Hiện nay, thời tiết diễn biến khá thuận lợi cho khu vực sản xuất vùng chuyển đổi lúa - tôm. Phòng NN&PTNT huyện Phước Long đang hướng dẫn bà con kỹ thuật tháo chua, rửa mặn để đến hết tháng 9/2015 hoàn thành xuống giống vụ lúa trên đất nuôi tôm năm 2015.
Kỹ sư Cao Văn Nhạn, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Phước Long, khuyến cáo: “Vào thời điểm này là mùa mưa, vì vậy bà con tận dụng nước mưa để xuống giống kịp lịch thời vụ.
Nên gieo sạ đồng loạt để có thể thuận tiện trong việc tiêu thoát nước và khi thu hoạch. Đề phòng xâm nhập mặn vào những diện tích đất đã được cải tạo nhưng chưa xuống giống để tránh bị thiệt hại”.
Luân canh lúa - tôm là một trong những mô hình được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng, giúp bà con nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác.
Khoảng cách luân phiên giữa 2 vụ lúa và tôm còn làm cho đất canh tác không bị bạc màu, có thời gian phục hồi lượng phù sa cần thiết. Mô hình này còn được xem là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của nhiều địa phương trong tỉnh.
Để phát huy thế mạnh của mô hình lúa - tôm, các ngành chức năng cần rà soát, quy hoạch hợp lý các vùng chuyển đổi để đầu tư cơ sở hạ tầng; khuyến khích, hỗ trợ việc sản xuất theo hướng hợp tác; tăng cường tập huấn kỹ thuật để bà con áp dụng vào thực tiễn...
Có thể bạn quan tâm

Phong trào nuôi nhím cách đây vài năm, nhiều gia đình tại Bắc Ninh đã bỏ ra khoản đầu tư lớn để nuôi loài động vật hoang dã này. Để rồi có những hộ chưa kịp “giàu” vì nhím đã lao đao khi giá bán nhím rớt thê thảm, hàng loạt hộ đành ngậm ngùi bán tháo để chuyển sang ngành nghề khác.

Sinh năm 1976 tại thôn Đồng Ý, xã Việt Dân (Đông Triều - Quảng Ninh), anh Nguyễn Văn Hào là người có tham vọng vươn lên làm giàu trên mảnh đất của quê hương mình. Năm 2007 anh xin chuyển đổi diện tích 10.000 m2 đất canh tác nông nghiệp của gia đình sang trồng các loại cây có giá trị cao phù hợp với chất đất và khí hậu. Anh Hào tâm sự: Đất ở đây chủ yếu là đất pha cát, nếu trồng lúa năng suất rất thấp nên không hiệu quả.

Tổng cục Thủy sản cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, việc khảo nghiệm sản xuất tôm bố mẹ là chủ trương được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được UBND tỉnh khuyến khích. Nếu Việt - Úc thành công thì đây là niềm vui và vinh dự cho ngành sản xuất tôm giống Bình Thuận...

Giá tôm thẻ chân trắng gần đây cũng tăng cao, hiện thương lái ở ĐBSCL thu mua tôm thẻ loại 50 con/kg với giá 122.000 đồng/kg; loại 60 con/kg giá 111.000 đồng/kg; loại 70 con/kg giá 102.000 đồng/kg, bình quân tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so tuần trước.

Hai năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã rất vất vả khi Nhật Bản tăng cường kiểm tra dư lượng Trifluralin và Enrofloxacin với mức rất khắt khe, thấp hơn 10 lần so với tôm xuất sang EU. Sang năm 2012, tiếp tục chất Ethoxyquin cũng bị phía Nhật Bản kiểm soát đối với riêng tôm Việt Nam mà không kiểm soát chất này trong tôm Thái Lan, Indonesia…