Nông Dân Tân Phú Đông Làm Giàu Nhờ Trồng Sả

Thời gian gần đây, người trồng sả ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) rất phấn khởi do giá sả liên tục ổn định ở mức cao, nhiều hộ thu lợi nhuận tới 150 triệu đồng/ha/năm. Chính vì vậy, từ đầu năm 2013 đến nay, diện tích trồng sả ở địa phương liên tục tăng, hiện đạt gần 450ha.
Lợi nhuận khá
Những ngày này, đi dọc Tỉnh lộ 877B về các ấp Bà Tiên 1, Bà Tiên 2, Lý Quàn 1, Lý Quàn 2 (xã Phú Đông) và ấp Cả Thu 1, Cả Thu 2, Giồng Keo (xã Phú Thạnh), đâu đâu cũng thấy những cánh đồng sả bạt ngàn, cả những vùng đất bỏ hoang trước đây và một phần diện tích trồng lúa đạt năng suất thấp cũng được bà con đưa vào trồng sả theo mô hình xen canh 1 vụ sả - 1 vụ lúa hoặc 2 vụ sả/năm.
Ông Phạm Văn Hùng, một trong những nông dân tiên phong trồng sả ở xã Phú Thạnh cho biết, hiện sả đang được thương lái thu mua với giá 5.500 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi vụ sả trong 3 tháng, nông dân thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha.
"Tôi trồng 2ha sả, mỗi năm trồng 2 vụ, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ cây sả mà gia đình tôi xây được nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, đời sống kinh tế khá ổn định", ông Hùng chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Hùng, cây sả thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở huyện cù lao Tân Phú Đông, nhất là ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông. Kỹ thuật trồng sả cũng khá đơn giản, chỉ cần lên liếp hay xẻ rãnh đặt sả giống, sau 3 tháng sả cho thu hoạch với năng suất 20 tấn/ha. Khi thu hoạch, mỗi bụi chỉ cần để lại 2-3 tép là vụ sau sả phát triển bình thường với năng suất không thua kém vụ đầu tiên.
Ông Lê Văn Út ở xã Phú Đông cho biết, cây sả thích nghi với điều kiện khô, mặn nhưng không bị nhiều dịch bệnh như các loại hoa màu khác. Thông thường sả chỉ mắc bệnh rệp sáp và thối thân vào thời điểm sắp thu hoạch.
Giúp nông dân thoát nghèo
Thời gian gần đây, khi diện tích trồng sả tăng lên, nhiều thương lái từ TP.Hồ Chí Minh tổ chức đến Tân Phú Đông thu mua sả, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân trở nên thuận lợi. Một thương lái chuyên thu mua sả ở xã Phú Thạnh cho biết, có thời điểm, thương lái thu gom tới 20 tấn sả/ngày, vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Trong hai năm gần đây, giá sả luôn ổn định ở mức 5.500 - 7.500 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.
Ông Lương Công Phú, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, tùy từng khu vực có nước nhiều hay ít mà nông dân trồng 2 vụ sả/năm hoặc trồng 1 vụ lúa - 1 vụ sả. "Chỉ cần giá sả ổn định ở mức 5.000 đồng/kg thì từ nay đến năm 2015, xã Phú Thạnh sẽ có nhiều hộ thoát nghèo nhờ cây trồng này", ông Phú nói.
Mặc dù hiệu quả kinh tế từ cây sả khá khả quan nhưng nếu diện tích trồng sả tăng quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Ước tính, đến thời điểm này, toàn huyện Tân Phú Đông có 413ha sả, tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2013; trong đó có 2/3 diện tích đang cho thu hoạch, tập trung ở 3 xã Phú Thạnh (215ha), Phú Đông (185ha) và Tân Phú (13ha).
Để ổn định đầu ra cho cây sả, Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông đã liên kết với Công ty TNHH Đức Huệ Trường Thành (TP.Hồ Chí Minh) hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây sả tươi cho bà con. Bà con cũng được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn trồng sả theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Do giá bán các máy ấp trứng trên thị trường quá cao, ông Nguyễn Tấn Lộc (ấp Láng Dài, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tự thiết kế thành công chiếc máy ấp trứng gà, mỗi tuần cho ra lò hơn 300 con gà giống cung cấp cho thị trường.

Năm 1981, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Đào Văn Bằng ở thôn Đồng Vang, xã Kim Long - Tam Dương luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình.

Trong một chuyến đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm thực tế về kỹ thuật trồng cây chanh dây từ người dân, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trịnh Văn Quyền – thôn 8 – xã ĐăkNia – thị xã Gia Nghĩa – tỉnh Đăk Nông. Đây là một trong những gia đình trồng chanh dây đạt hiệu quả kinh tế cao.

Phú Yên hiện có gần 1.000 tàu cá đang nằm bờ, trong đó có khoảng 670 tàu khai thác xa bờ, nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, giá bán thủy sản thấp, không ổn định nên có hơn 80% tàu thuyền khi về bến bị lỗ vốn. Để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, các ngành chức năng và địa phương ven biển Phú Yên đang tập trung chỉ đạo hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân…

Trong sản xuất và tiêu thụ mía của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) hiện nay, ngoài chịu ảnh hưởng chung của cơ chế thị trường, thì nhiều nơi nằm trong vùng nguyên liệu vẫn còn bộc lộ những mặt hạn chế, dẫn đến việc giá thu mua mía nguyên liệu giảm.