Nông Dân Tân Phú Đông Làm Giàu Nhờ Trồng Sả

Thời gian gần đây, người trồng sả ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) rất phấn khởi do giá sả liên tục ổn định ở mức cao, nhiều hộ thu lợi nhuận tới 150 triệu đồng/ha/năm. Chính vì vậy, từ đầu năm 2013 đến nay, diện tích trồng sả ở địa phương liên tục tăng, hiện đạt gần 450ha.
Lợi nhuận khá
Những ngày này, đi dọc Tỉnh lộ 877B về các ấp Bà Tiên 1, Bà Tiên 2, Lý Quàn 1, Lý Quàn 2 (xã Phú Đông) và ấp Cả Thu 1, Cả Thu 2, Giồng Keo (xã Phú Thạnh), đâu đâu cũng thấy những cánh đồng sả bạt ngàn, cả những vùng đất bỏ hoang trước đây và một phần diện tích trồng lúa đạt năng suất thấp cũng được bà con đưa vào trồng sả theo mô hình xen canh 1 vụ sả - 1 vụ lúa hoặc 2 vụ sả/năm.
Ông Phạm Văn Hùng, một trong những nông dân tiên phong trồng sả ở xã Phú Thạnh cho biết, hiện sả đang được thương lái thu mua với giá 5.500 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi vụ sả trong 3 tháng, nông dân thu lãi khoảng 70 triệu đồng/ha.
"Tôi trồng 2ha sả, mỗi năm trồng 2 vụ, thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Nhờ cây sả mà gia đình tôi xây được nhà kiên cố, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, đời sống kinh tế khá ổn định", ông Hùng chia sẻ.
Theo kinh nghiệm của ông Hùng, cây sả thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở huyện cù lao Tân Phú Đông, nhất là ở 2 xã Phú Thạnh và Phú Đông. Kỹ thuật trồng sả cũng khá đơn giản, chỉ cần lên liếp hay xẻ rãnh đặt sả giống, sau 3 tháng sả cho thu hoạch với năng suất 20 tấn/ha. Khi thu hoạch, mỗi bụi chỉ cần để lại 2-3 tép là vụ sau sả phát triển bình thường với năng suất không thua kém vụ đầu tiên.
Ông Lê Văn Út ở xã Phú Đông cho biết, cây sả thích nghi với điều kiện khô, mặn nhưng không bị nhiều dịch bệnh như các loại hoa màu khác. Thông thường sả chỉ mắc bệnh rệp sáp và thối thân vào thời điểm sắp thu hoạch.
Giúp nông dân thoát nghèo
Thời gian gần đây, khi diện tích trồng sả tăng lên, nhiều thương lái từ TP.Hồ Chí Minh tổ chức đến Tân Phú Đông thu mua sả, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân trở nên thuận lợi. Một thương lái chuyên thu mua sả ở xã Phú Thạnh cho biết, có thời điểm, thương lái thu gom tới 20 tấn sả/ngày, vận chuyển về TP.Hồ Chí Minh tiêu thụ. Trong hai năm gần đây, giá sả luôn ổn định ở mức 5.500 - 7.500 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi.
Ông Lương Công Phú, Phó chủ tịch UBND xã Phú Thạnh cho biết, tùy từng khu vực có nước nhiều hay ít mà nông dân trồng 2 vụ sả/năm hoặc trồng 1 vụ lúa - 1 vụ sả. "Chỉ cần giá sả ổn định ở mức 5.000 đồng/kg thì từ nay đến năm 2015, xã Phú Thạnh sẽ có nhiều hộ thoát nghèo nhờ cây trồng này", ông Phú nói.
Mặc dù hiệu quả kinh tế từ cây sả khá khả quan nhưng nếu diện tích trồng sả tăng quá nhanh sẽ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Ước tính, đến thời điểm này, toàn huyện Tân Phú Đông có 413ha sả, tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2013; trong đó có 2/3 diện tích đang cho thu hoạch, tập trung ở 3 xã Phú Thạnh (215ha), Phú Đông (185ha) và Tân Phú (13ha).
Để ổn định đầu ra cho cây sả, Hội Nông dân huyện Tân Phú Đông đã liên kết với Công ty TNHH Đức Huệ Trường Thành (TP.Hồ Chí Minh) hợp đồng bao tiêu sản phẩm cây sả tươi cho bà con. Bà con cũng được cán bộ kỹ thuật của công ty hướng dẫn trồng sả theo quy trình VietGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày gần đây, gà vườn liên tục tăng giá, không chỉ có người nuôi vui mừng mà các tiểu thương kinh doanh gà tại chợ cũng vui lây.

Ngày 12/9/2011, Hiệp hội Thủy sản Quốc gia Mỹ (NFI) đã công bố danh sách 10 loài thủy sản được ưa chuộng nhất tại Mỹ năm 2010. Theo đó, thứ hạng cá pangasius (cá tra, basa) được tăng một bậc so với năm 2009, đứng vị trí thứ 9

Trong khi nhiều ND ở ĐBSCL đang khốn đốn vì cá rô đầu vuông, thì anh Nguyễn Trường Sơn (44 tuổi) ở ấp Hòa Thuận, xã Hiệp Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An mỗi năm lãi trên 1,3 tỷ đồng.

Theo Sở NN-PTNT, trong 5 năm trở lại đây, diện tích mì trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định có chiều hướng tăng mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có 13.342 ha, vượt trên 3.000 ha so với quy hoạch, năng suất mì bình quân ở mức 221 tạ/ha. Nguyên nhân làm cho diện tích mì tăng mạnh là do đầu ra của mì nguyên liệu khá thuận lợi, giá cao và ổn định. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích mì đã tác động bất lợi đến môi trường, thoái hóa đất; tại một số địa phương, người dân ồ ạt phá rừng trồng mì.

Thông tin từ các Sở NNPTNT khu vực ĐBSCL, tình hình rầy nâu, sâu bệnh hại lúa ngày càng nghiêm trọng khi lúa hè thu tại đây đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng.