Nông Dân Sang Lào Trồng Lúa Sạch

Gần 30 nông dân của Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói (ấp 9, xã Mỹ Lộc, H.Tam Bình, Vĩnh Long) vừa xuất ngoại sang Lào để trồng lúa sạch theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và chuyển giao kỹ thuật trồng lúa cho nông dân Lào.
Chuyên gia nông dân
Những nông dân này được Công ty TNHH TM DV-SX-XNK Bảo Ngọc Bình Phước thuê sang Lào trồng lúa sạch từ tháng 6.2014. Ông Nguyễn Văn Trọng (Mười Trọng), Chủ nhiệm Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói ấp 9, cho biết: "Đây là chương trình hợp tác giữa ngành nông nghiệp VN và Lào.
Công ty mời những nông dân có kinh nghiệm trong sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn để sang Lào trồng lúa sạch và chuyển giao công nghệ cho nông dân Lào". Khi sang Lào, những nông dân này sẽ được giao 700 ha đất để tổ chức sản xuất, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu nhằm làm ra sản phẩm sạch. Hiện những nông dân này đã xuống giống 100 ha với 2 giống lúa Thảo Dược và Hồng Ngọc.
Theo ông Trọng, hiện ở Lào đất hoang hóa nhiều do việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn kém, thủy lợi chưa được đầu tư. Nông dân nước bạn vẫn còn gieo mạ, cấy và gặt lúa bằng tay với những thửa đất nhỏ, năng suất chỉ khoảng 2 tấn/ha.
“Những nông dân VN sang Lào lần này đều đã có kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở hầu hết các khâu như làm đất, sạ hàng, thu hoạch bằng máy...”, ông Trọng nói.
Ông Nguyễn Văn Năm (67 tuổi), ngụ ấp 9, cho biết: "Hiện một mình tôi làm 2,2 ha lúa tại ấp 9 nhưng vẫn khỏe re vì đã có máy móc làm thay, những việc nặng đều có tổ dịch vụ làm thuê. Ở vùng này, đã 5 năm sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên bây giờ chỉ cần đứng trên bờ là biết lúa bệnh gì hay cần bón loại phân nào. Vì vậy, những nông dân ở đây đủ khả năng làm "chuyên gia" hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa cho nông dân Lào".
Xuất gạo sạch qua Hà Lan
Sau một thời gian ở Lào, tranh thủ về thăm nhà, ông Nguyễn Văn Tâm (47 tuổi) chia sẻ: "Tôi được Công ty Bảo Ngọc Bình Phước ký hợp đồng lái máy xới và máy cắt lúa ăn theo sản phẩm. Chỉ hơn 1 tháng, tôi cùng ông bạn là nông dân ở địa phương mỗi người được lãnh hơn 20 triệu đồng".
Ông Tâm cho biết sau khi về thăm nhà vài hôm, ông sẽ cùng 6 nông dân khác qua Lào tiếp tục trồng lúa. Hiện tại, không chỉ nông dân trong xã mà cả những xã lân cận cũng đến xin được qua Lào trồng lúa. Tuy nhiên, họ phải được ông Mười Trọng chọn lựa về tay nghề cũng như tính cần cù, siêng năng.
Về thu nhập, nông dân phụ trách phun thuốc, sạ được thuê với giá 6 triệu đồng/tháng; nông dân có tay nghề lái máy cày, máy gặt ăn theo sản phẩm với thu nhập 15 - 20 triệu đồng/tháng. Dự kiến, trong thời gian tới, Tổ dịch vụ sản xuất nông nghiệp trọn gói ấp 9 sẽ tuyển thêm vài chục nông dân đưa sang Lào làm lúa sạch.
Ông Quách Phi Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Bảo Ngọc Bình Phước (trụ sở ở Bình Phước), cho biết dự án trồng lúa hữu cơ của công ty tại Lào có quy mô 10.000 ha, đây là mùa vụ đầu tiên, diện tích trồng khoảng 100 ha. Những nông dân VN sang tham gia dự án với tư cách là chuyên gia, kỹ thuật viên... và hưởng thù lao tùy theo vị trí công việc. Toàn bộ gạo sạch thu hoạch được sẽ xuất qua Hà Lan.
Có thể bạn quan tâm

Tại các tỉnh phía Nam gần đây liên tiếp xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm kèm cảnh báo nguy cơ lây nhiễm qua người khiến nhiều người hoang mang. Các trang trại gà ở Đồng Nai hiện đang khốn đốn vì giá liên tục giảm do thông tin về cúm.

Phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy (Hậu Giang) cho biết, do chưa xác định được nguyên nhân, thuốc phòng trị nên diện tích vườn cam sành bị nhiễm một loại bệnh lạ gây vàng lá từ trên đọt vàng xuống (vàng đầu) tiếp tục bùng phát mạnh.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành (Tiền Giang), vụ khoai lang năm nay nông dân xuống giống gần 200 ha, chủ yếu là ở các xã vùng đất cát như: Tân Hương, Tân Lý Đông và Tân Lý Tây. Trong vụ này, bà con trồng nhiều nhất là khoai bí đế, một số ít diện tích trồng khoai Nhật (ruột tím).

Những năm gần đây, cây chuối đã khẳng định giá trị kinh tế khi mức thu nhập hiện nay của những hộ trồng chuối đạt từ 30-50 triệu đồng mỗi năm. Nhiều hộ nhờ trồng chuối mà thoát nghèo, có cuộc sống no đủ.

Nông dân trồng xoài ở TP.Cao Lãnh đang lao đao vì nếu giá xoài giảm như hiện nay sẽ không đủ chi phí mua thuốc trừ sâu, thuê nhân công chăm sóc. Có nhà vườn không hái bán để xoài chín rụng kín gốc cây mà không nhặt.