Nông Dân Sản Xuất Lúa Giống

Sản xuất lúa giống không chỉ còn là chuyện của các nhà chuyên môn, mà đã trở thành “sinh kế” cho những nông dân chân đất ở Tịnh Trà (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi). Liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà để cùng làm ra những hạt lúa giống chất lượng, mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, người nông dân và HTX vẫn gặp khó, khi sản phẩm khó có thể bán đại trà ra thị trường…
Mạnh dạnKhông còn sản xuất lúa theo kiểu “trông trời, trông đất, trông mây” như trước đây, hàng trăm nông dân Tịnh Trà hiện đang trồng lúa giống theo quy trình kỹ thuật. “Ngày trước, đến mùa là gieo sạ thôi. Nhưng giờ trước khi vào vụ là chúng tôi xử lý đất bằng vôi.
Cứ 20 kg vôi/sào để trừ dịch bệnh. Sau đó là đến rải phân chuồng để đất khỏi thoái hóa, bạc màu”, ông Nguyễn Hồng Linh, thôn Trà Bình, xã Tịnh Trà hồ hởi chia sẻ. Vụ đông xuân này là vụ thứ 2 ông Linh tham gia trồng lúa giống cho HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà. Nếu như năm ngoái ông chỉ gieo sạ 3.000m2, thì năm nay, ông nâng diện tích lên gần gấp đôi.
Cũng như ông Linh, sau khi trồng thử một vụ và thấy ngay hiệu quả, ông Nguyễn Đình Long đã mở rộng diện tích trồng lúa giống lên 6.000m2, qua đó trở thành nông dân có diện tích sản xuất lúa giống lớn nhất xóm Gò Mít - Gò Mới, thôn Trà Bình. Tuân thủ theo đúng quy trình chăm sóc lúa, phân bón thì 54 hộ dân ở KDC Gò Mít - Xóm Mới đã hợp đồng với Công ty Phân bón NPK Sao Việt để được cung cấp phân bón ngay tận ruộng.
Đến mùa thu hoạch, nông dân trồng lúa giống cũng không còn phải thấp thỏm chuyện nắng mưa, bởi lẽ lúa làm ra được HTX Tịnh Trà đến tận chân ruộng để thu mua. “Làm lúa mà không cần phải phơi thì còn gì khỏe bằng. Vụ vừa rồi, thửa ruộng chỉ 800m2, áp dụng trồng giống lúa Khang Dân 18 mà thu hoạch được 7,1 tạ…”, ông Nguyễn Đình Long cho biết.
65 tạ/ha khi trồng giống TH6, 80 tạ/ha khi trồng lúa Khang Dân 18, nông dân Tịnh Trà đang từng bước nâng cao diện tích sản xuất lúa giống, hoàn thiện khoa học kỹ thuật để tiến tới phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu nhờ vào việc mạnh dạn sản xuất lúa giống.
Cần sự trợ lực
Dù mới chập chững bước vào “nghề” sản xuất lúa giống nhưng nông dân và HTX dịch vụ nông nghiệp- nông thôn Tịnh Trà đã trở thành một điểm sáng khi đã thành công trong việc liên kết, đồng hành, tạo ra lợi ích bền vững cho người nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, dù HTX đã bao tiêu được cho người nông dân, nhưng lại “ôm” phần khó về cho mình, khi chưa tìm được cách đưa lúa giống ra thị trường một cách đại trà.
Chia sẻ trăn trở, ông Lê Văn Chương - Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà cho biết, dù năng suất, chất lượng lúa giống của Tịnh Trà rất cao nhưng do HTX vẫn chưa liên hệ, kết nối được với những đơn vị cần sản xuất lúa giống nên đầu ra cho lúa giống chủ yếu vẫn chỉ là liên hệ, tự bán cho bà con nông dân.
“Liên kết với các đơn vị cần sản xuất lúa giống, hoặc chuyển nhượng bản quyền giống lúa là cách duy nhất để lúa giống làm ra có thể danh chính ngôn thuận xuất bán đại trà. Tuy nhiên, với tiềm lực của một HTX, việc xoay đủ kinh phí để chuyển nhượng được bản quyền không phải là chuyện dễ dàng, bởi con số đó có thể lên đến vài tỷ đồng”, ông Chương cho biết thêm.
Hiện, sau khi đã bán được 15 tấn lúa giống cho nông dân trong xã và các xã lân cận, thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp - nông thôn Tịnh Trà đang “tay xách nách mang” 10 tấn lúa còn lại lên Đaklak tiêu thụ. Hành trình mang theo những hạt lúa giống chất lượng, chắc khỏe… từ Tịnh Trà lên vùng Tây Nguyên nắng gió như gần lại, khi ông Lê Văn Chương nhận được cái gật đầu đồng ý thu mua hết tất cả của các chủ nhiệm HTX tỉnh bạn.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Trạm Khuyến nông huyện Đan Phượng (Hà Nội), nhiều hộ nông dân trên địa bàn đã chuyển sang trồng đu đủ, dưa chuột, dưa lê… Đây là hướng đi đang mang lại thu nhập cao cho người dân so với trồng lúa, ngô truyền thống.

Các tỉnh thành ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ lúa hè thu, tuy nhiên mấy ngày qua liên tục bị mưa dầm khiến việc thu hoạch ùn ứ do lúa đổ ngã, ẩm ướt… Lúa gặp mưa làm chất lượng giảm nên bị thương lái chê, đẩy nông dân vào cảnh khốn đốn vì không tiêu thụ được.

Qua 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu thanh long ước đạt 16,9 triệu USD tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 11,8% tổng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp, chiếm 61,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản và chiếm 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Thị trường xuất khẩu thanh long đã có biến chuyển tích cực, phát triển vào thị trường Mỹ, Hồng Kông và Qatar, tuy số lượng thấp, nhưng đây vẫn là điều đáng mừng của các doanh nghiệp.

Nhờ nguồn giống chất lượng cao, nước tưới dồi dào, chú trọng đầu tư thâm canh nên 3 tháng nay 7 sào lúa hè thu trên cánh đồng Cồn Mồ của anh Tám Duy Vinh ở huyện Duy Xuyên sinh trưởng và phát triển rất tốt.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở tỉnh Đồng Tháp nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi nên đã dần thoát khỏi đói nghèo, trở nên khá giả, có hộ thu nhập gần 800 triệu đồng/năm.