Nông Dân Quảng Tân Sản Xuất Cà Phê Theo Hướng Bền Vững

Năm 2013, từ nguồn kinh phí của khuyến nông quốc gia, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh đã triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững được cấp giấy chứng nhận tại Tây Nguyên theo quy tắc 4C (bộ quy tắc chung của cộng đồng cà phê quốc tế).
Mô hình thu hút tham gia 60 hộ dân, với 30 ha cà phê vối tập trung ở các thôn Đắk R’tăng, Đắk M’rê, thôn 7, thôn 4, thôn 8, thôn 5 và thôn Đắk Suôn, xã Quảng Tân (Tuy Đức).
Theo đó, tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn các kỹ thuật bón phân, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản theo tiêu chuẩn 4C, đồng thời được tập huấn về bộ quy tắc 4C. Trong quá trình triển khai mô hình, các cán bộ khuyến nông của tỉnh, huyện cũng đã theo sát diễn biến từng vườn cây, do đó, giúp bà con kịp thời điều chỉnh, bổ sung những vấn đề còn hạn chế về cách áp dụng các kiến thức đã học.
Nhờ đó, các vườn cà phê sản xuất theo mô hình đều cho kết quả khả quan, giảm được sâu bệnh, năng suất cao hơn và chất lượng hạt cà phê cũng hơn hẳn so với trước kia.
Theo ông Nguyễn Hoàng ở thôn Đắk R’tăng thì qua tham gia mô hình, ông đã biết cách tạo tán, tỉa cành hợp lý. Ông không còn để nhiều cành như trước đây mà mạnh tay bỏ những cành phụ, cành nhỏ, cành sát đất nhằm tập trung dinh dưỡng cho những cành chính.
Tán cây nhìn cũng không quá sum suê mà thông thoáng hơn nên hạn chế được phần nào sự phát sinh của sâu bệnh, nhất là trong mùa mưa. Do được tạo tán đúng cách nên cành cà phê dài, khỏe, quả cũng to và nhiều hơn. So với trước, năng suất tăng lên 2 tạ/ha.
Còn theo ông Trần Phụng thì sản xuất cà phê bền vững giúp ông hiểu được giá trị của việc bảo vệ tài nguyên đất, tạo môi trường trong sạch cho vườn cây.
Cụ thể như việc trước đây, gia đình ông chú trọng nhiều đến các loại phân hóa học thì nay đã cân đối tất cả các thành phần, nhất là ưu tiên dùng các loại chế phẩm vi sinh, phân sinh học, phân chuồng để tạo độ phì nhiêu cho đất, nhờ đó đất không còn chai cứng.
Cũng theo ông Phụng thì tổng số chi phí đầu tư cho mỗi héc ta cà phê trước kia là hơn 30 triệu đồng gồm phân bón, thuốc trừ sâu, trừ bệnh nhưng khi tham gia mô hình chỉ mất khoảng 26 triệu đồng. Chi phí giảm nhưng năng suất lại tăng cho nên thu nhập trên cùng diện tích cũng tăng lên đáng kể.
Nếu tính giá trung bình khoảng 33.000 đồng/kg, với năng suất trung bình của các mô hình là 4,1 tấn/ha thì nhà nông thu về 135 triệu đồng, trừ chi phí 26 triệu đồng thì có lãi hơn 100 triệu đồng/ha/năm.
Theo Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện Tuy Đức thì kết quả quan trọng nhất khi tham gia mô hình là các hộ dân đã được học và thực hành đạt hiệu quả các kỹ thuật cao trong chăm sóc cà phê.
Nhờ đó, đất đai được cải tạo, tơi xốp, những công đoạn chăm sóc như tỉa bỏ những cành sinh trưởng kém, cành tăm, phun thuốc 4 đúng (liều lượng, thời điểm, nồng độ, đúng loại), hạch toán kinh tế đều đã đem lại cho bà con những tư duy mới trong việc thâm canh cà phê. Kết quả đối chứng cho thấy, vườn mô hình sản xuất cà phê bền vững thu từ 3,9-4,3 tấn/ha, trong khi đó chi phí giảm và đảm bảo sức khỏe vườn cây, duy trì năng suất vụ sau.
Công ty Netslé đã liên kết với các đại lý để thu gom toàn bộ sản phẩm của tất cả các hộ tham gia mô hình với giá cộng thêm là 200-300 đồng/kg. Từ thành công này, huyện sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, tổ chức các cuộc tham quan, hội thảo để nhân rộng ra tất cả các xã.
Có thể bạn quan tâm

Trước thực trạng hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) liên tiếp gặp khó khăn trong tiêu thụ những niên vụ gần đây; đặc biệt là giá trị thị trường luôn rớt xuống ở mức rất thấp mỗi khi bước vào vụ thu hoạch rộ, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp trước thềm niên vụ hành sắp tới.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, bà con nông dân trong tỉnh Bắc Ninh mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình nuôi trồng cây, con đặc sản, gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Qua đó, nhiều gia đình vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững.

Trồng cỏ voi, cỏ sả để nuôi bò, nhất là bò lai, cho thu nhập khá. Mấy năm gần đây, trồng cỏ nuôi bò đã trở thành phong trào rộng khắp của bà con nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định).

Thời gian qua, tình trạng bơm nước vào heo hơi trước khi giết mổ làm tăng ký, ăn gian người tiêu dùng diễn ra ngày càng tăng, với nhiều thủ đoạn phức tạp và có hành vi chống đối ngành chức năng. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khoẻ của người tiêu dùng.

Nhằm cải tạo giống dê địa phương có trọng lượng nhỏ (tối đa chỉ từ 25 - 30kg), và đang dần bị thoái hóa giống. Để đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, tăng thu nhập giúp người dân XĐGN theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra, huyện Đồng Văn (Hà Giang) đã xây dựng và thực hiện Phương án cải tạo đàn dê với mục tiêu nâng cao tầm vóc, trọng lượng của dê.