Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Phú Yên Vất Vả Diệt Chuột

Nông Dân Phú Yên Vất Vả Diệt Chuột
Ngày đăng: 15/02/2014

Hơn tháng qua, nông dân ở các xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên), Hòa An (Phú Hòa, Phú Yên) phải nhiều đêm thức trắng để ra đồng diệt chuột. Nhờ vậy, tình trạng chuột cắn phá lúa đã phần nào được ngăn chặn.

Thức đêm đặt bẫy

Từ khi sạ lúa đông xuân đến nay, cứ vào lúc sẫm tối, ông Phạm Tấn Thanh ở thôn Minh Đức (xã Hòa Kiến) lại mang theo hàng trăm bẫy bán nguyệt ra cánh đồng trước nhà đặt để bắt chuột. Đến khuya, ông lại lặn lội từ nhà ra ruộng thăm bẫy, thu gom chuột dính bẫy.

Trung bình 1 đêm bắt 30 con chuột, nên từ khi gieo sạ đến nay, ông đã diệt trên 1.000 con chuột. Với thành tích này, ông Thanh được người trong thôn phong là “vua diệt chuột”. Ông Thanh chia sẻ: “Chuột thường cắn phá lúa vào ban đêm nên muốn diệt chúng, mình phải chịu khó thức đánh bẫy mới bắt được. Đặc tính của chuột là đa nghi nên đặt bẫy phải di dời bẫy thường xuyên mới bắt được nhiều chuột”.

Trên cánh đồng Cây Da, Cây Duối (xã Hòa Kiến), ban đêm bẫy bán nguyệt được đặt khắp các thửa ruộng. Ông Nguyễn Trọng Tài đang thu gom bẫy cho hay: “Trước đây, nhiều diện tích lúa của các xã Bình Kiến, Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) dọc theo tuyến tránh quốc lộ 1, chuột đào hang ẩn nấp trong các mô đất cạnh kẽ đá, người bắt không thể phá hết được các hang ổ nên chuột vẫn duy trì mức sinh sản nhiều, cắn phá lúa tả tơi.

Vào đầu vụ sản xuất, nông dân đã ra quân diệt chuột, nhưng do địa hình phức tạp, lại không tiến hành đồng bộ nên chuột di chuyển từ vùng này đến vùng khác. Hiện nay, nông dân dùng bẫy bán nguyệt, ai cũng ra quân đồng loạt nên chuột giảm, lúa phát triển thuận lợi”.

Trước đây, không có đám ruộng nào là không có dấu răng của chuột. Có năm, chuột tấn công dữ dội từ khi cây lúa vừa ra lá non; nhiều đám ruộng lúa hiện ra những khoảnh đất trống to bằng cái sàng, cái nong. Giải pháp đầu tiên cứu lúa khỏi bị chuột cắn là nông dân dùng thuốc đánh bả nhưng chuột không ăn; một số người tranh thủ lấy nước vào ruộng cho “ngập lụt” để ngăn chuột từ bờ bò vào.

Thế nhưng do ruộng nằm ở cuối kênh thủy nông Đồng Cam nên việc lấy nước gặp khó khăn và ruộng vẫn bị chuột phá hại. Còn vụ này, nhờ bà con nông dân chịu khó thức đêm diệt chuột mà các cánh đồng ở xã Bình Kiến, Hòa Kiến vào thời điểm này lúa trải dài, xanh mượt.

Nhiều cách diệt chuột

Để giải “bài toán” diệt chuột, bảo vệ mùa màng, ngay từ đầu vụ sản xuất đông xuân, Sở NN-PTNT phát động phong trào toàn dân tham gia diệt chuột; qua đó chỉ đạo các địa phương và nông dân thực hiện nhiều biện pháp kết hợp như dùng nôm bắt chuột hoặc dùng bẫy, bả thuốc… diệt chuột xuyên suốt cả vụ. Trong đó, biện pháp dùng nôm, đặt bẫy ban đêm được xem là tối ưu và có lợi cho môi trường sinh thái.

Xã Hòa An (Phú Hòa) là một trong những nơi tổ chức diệt chuột thành công nhất. Phong trào diệt chuột bảo vệ lúa ở xã Hòa An được nâng lên thành chiến dịch, HTX thuê các “vua diệt chuột” ở huyện Đông Hòa, TP Tuy Hòa về để vừa diệt chuột vừa hướng dẫn nông dân cách bắt chuột hiệu quả.

Ông Lương Công Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho hay: “Từ đầu vụ đến nay, địa phương liên tục phát động diệt chuột, trong đó các xã Hòa An, Hòa Thắng là những địa phương thực hiện nổi bật của huyện. Ở các xã này, đã có hàng chục ngàn con chuột bị diệt. Để phong trào diệt chuột đạt hiệu quả cao hơn, các địa phương phải ra quân đồng loạt và xuyên suốt vụ lúa”.

Ngoài Phú Hòa, huyện Đông Hòa cũng đang triển khai diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đào bắt, bẫy, bả thuốc trừ chuột hóa học và sinh học nên phần nào hạn chế số chuột trên đồng. Theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT, phong trào diệt chuột được phát động từ đầu vụ nhưng ở một số xã miền núi do đặc điểm địa hình và chưa áp dụng các biện pháp diệt chuột triệt để nên chuột cắn phá ảnh hưởng đến năng suất. Để hạn chế tác hại của chuột, các huyện cần quan tâm diệt chuột thường xuyên bằng nhiều cách khác nhau sẽ tạo được hiệu quả.


Có thể bạn quan tâm

Đi săn rồng đất Đi săn rồng đất

Rồng đất (còn gọi là kỳ tôm hay càng tôm) sống trong môi trường hoang dã, là đặc sản của các nhà hàng ở Tây Nguyên thời gian gần đây.

22/05/2015
Doanh nghiệp bao tiêu 15 nghìn con thỏ/tháng Doanh nghiệp bao tiêu 15 nghìn con thỏ/tháng

Thông tin từ UBND huyện Sơn Động (Bắc Giang), Công ty TNHH Nippon Zoki Việt Nam (Ninh Bình) vừa ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thỏ dược liệu cho HTX chăn nuôi thỏ Hợp Thành (Sơn Động).

22/05/2015
Hướng đi mới cho con tôm Hướng đi mới cho con tôm

Có thể nói, nhiều địa phương ven biển ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, con tôm rất được kỳ vọng để giúp người dân đổi đời, giúp địa phương phát triển kinh tế. UBND xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) thừa nhận, hồi trước đời sống người dân vùng này rất cơ cực, cứ mãi thiếu trước hụt sau, bởi sản xuất nông nghiệp không hiệu quả.

22/05/2015
Hỗ Trợ Hoa Màu Bị Thiệt Hại Do Nắng Hạn Hỗ Trợ Hoa Màu Bị Thiệt Hại Do Nắng Hạn

Ba xã miền núi, vùng cao: Đông Giang, Đông Tiến, La Dạ huyện Hàm Thuận Bắc có 721 ha bắp lai bị khô héo, thiệt hại trên 1,2 tỷ đồng. Trong khi đó, ở các xã Hòa Thắng, Phan Lâm, Phan Sơn huyện Bắc Bình 687 ha đậu phụng, bắp lai, cây lâm nghiệp của hơn 400 hộ xuống giống 2 tháng gặp phải khô hạn, héo úa, không lên nổi; thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.

17/11/2014
Săn cá thu nước ngọt Săn cá thu nước ngọt

Chiều! Mực nước sông Hậu vừa rún ròng, cũng là lúc “ngư phủ” dong xuồng bủa lưới bắt cá. Đang ở cuối mùa đánh bắt cá bông lau nên bà con chuyển sang giăng lưới cá thu. Cứ thế, cuộc sống mưu sinh trên sông nước xoay vòng theo năm tháng.

22/05/2015