Nông Dân Phú Tân Được Mùa Tôm Thẻ Chân Trắng

Từ đầu năm 2013 đến nay, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Phú Tân (Cà Mau) phát triển nhanh, năng suất thu hoạch khá. Riêng bà con khu vực thị trấn Cái Đôi Vàm hiện đang trúng mùa tôm thẻ chân trắng.
Hiện toàn huyện có hơn 1.200 ha đất nuôi tôm công nghiệp, gần 50% diện tích này đã cho thu hoạch vụ nuôi đầu tiên với năng suất bình quân 7 tấn/ha. Riêng tôm thẻ chân trắng năng suất đạt 8 tấn/ha.
Năng suất đạt khá cùng với giá cả tương đối hợp lý, người nuôi đa số có lời. Thị trấn Cái Đôi Vàm là khu vực phát triển mạnh loại hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức công nghiệp.
Ông Huỳnh Minh Luân, hộ nuôi tôm ở thị trấn Cái Đôi Vàm, là một trong những hộ nuôi có hiệu quả nhiều năm qua, khẳng định, vùng đất ở thị trấn Cái Đôi Vàm là vùng đất bãi bồi, rất thích nghi để cho tôm thẻ chân trắng sinh sống và phát triển. Vì vậy, bà con nơi đây nuôi tôm thẻ chân trắng nhiều hơn nuôi tôm sú và hiệu quả cũng khá cao.
Hiện tại, nhiều hộ đang thu hoạch với năng suất khá cao. Tỷ lệ đầu con/kg càng thấp, người nuôi càng có lời. Do điều kiện thuận lợi, nhiều hộ nuôi thẻ chân trắng ở đây kéo dài thời gian nuôi để tôm đạt trọng lượng bình quân 35 con/kg.
Cũng theo ông Huỳnh Minh Luân, nhiều hộ nuôi tôm công nghiệp ở thị trấn Cái Đôi Vàm có người nuôi đạt trọng lượng khoảng 30 con/kg, năng suất đạt hơn 15 tấn/ha. Với trọng lượng như vậy, mỗi ký tôm thẻ chân trắng hiện có giá 170.000 đồng, người nuôi sẽ có khoản lời bằng với vốn đã đầu tư.
Không riêng thị trấn Cái Đôi Vàm mà phần lớn người nuôi thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Phú Tân những tháng đầu năm nay đều có thu hoạch khá.
Huyện Phú Tân đang quy hoạch, phát triển các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung. Hiện tại, diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện vượt kế hoạch đề ra trong năm 2013. Với diện tích phát triển nhanh và năng suất đạt khá, loại hình nuôi tôm công nghiệp đang là thế mạnh, mũi nhọn để tăng năng suất tôm nuôi ở Phú Tân hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Hơn tuần nay, bà con nông dân tổ 10, 11, 13 ấp Bầu Sầm, xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) vui mừng thu hoạch chôm chôm sớm (ảnh). Mỗi vườn chôm chôm hàng ngày thu hoạch khoảng từ 1 - 2 tấn chôm chôm xuất đi các nơi.

Nhờ kiên trì theo đuổi việc nuôi và cho sinh sản nhân tạo càng đước (rùa răng, trọng lượng 7- 8kg), nông dân Võ Thành Ngay (52 tuổi, ấp Phú Bình, xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang) là một trong rất ít người bước đầu thành công với mô hình được cho là mạo hiểm, nhưng hiệu quả lại rất cao.

Hiện nay, việc ứng dụng phương pháp nuôi gà an toàn sinh học dưới tán cây lâu năm ở Bình Phước đã và đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Hình thức này còn góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm gà sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Cách làm của hộ ông Lê Xuân Tuyến ở ấp 1, xã Minh Lập (Chơn Thành) là ví dụ điển hình.

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, họ đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề cấp phép kiểm dịch và nhập khẩu.

Bà con nông dân ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vốn gắn bó với nghề chăn nuôi từ lâu. Bên cạnh việc trồng lúa, hầu hết nông hộ đều có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm 2010 trở về trước, nuôi heo nái và heo thịt quy mô gia trại là thế mạnh ở đây.