Nông Dân Phải Đi Vay Nặng Lãi Để... Nuôi Tôm

Sau hơn 2 tháng xảy ra hiện tượng tôm thẻ chân trắng chết hàng, đến nay để tiếp tục thả vụ tôm mới, người dân ở đây lại phải đi vay nặng lãi để mua giống, thức ăn.
Trở lại vùng nuôi tôm của xã bãi ngang Kim Trung (Kim Sơn, Ninh Bình) thời điểm này, chúng tôi nhận thấy khung cảnh ở đây đã thay đổi đi nhiều, phần lớn các ao, đầm nuôi tôm trước đây cạn trơ đáy bây giờ đã được người dân tiến hành thả nuôi vụ mới.
Đang ra thăm ao nuôi tôm trong khu công nghiệp, anh Nguyễn Xuân Thiêm ở xã Kim Trung cho hay: “Sau trận tôm thẻ chết vừa qua, gia đình tôi chịu thiệt hại nặng quá, nhưng ở cái đất này không nuôi tôm, cua thì cũng chả biết làm gì để sống cả, nên tôi đành bán tạm đất ngoài đầm và vay thêm tiền người thân đầu tư nuôi lại thôi”.
Anh Thiêm cho biết, sau vụ đầu nuôi tôm bị đổ bể mất hơn 100 triệu đồng, vụ này anh đã quyết định bán đi khu đất đầm nuôi tôm ngoài bãi lấy hơn 100 triệu đồng đầu tư nuôi tiếp mong rằng sẽ lấy lại được vốn.
Cùng xã với anh Thiêm, nhưng hoàn cảnh của gia đình ông Trung Văn Phán ở xóm 2 có phần thê thảm hơn, có hơn 4 mẫu ao nuôi tôm thẻ bị chết trong đợt vừa qua, đã đẩy gia đình ông vào thảm cảnh nợ đầm đìa, riêng số nợ ngân hàng lên đến gần 150 triệu đồng, nhưng gia đình ông không còn khả năng hoàn trả.
Để tránh bỏ đất hoang, gần 1 tháng trở lại đây, 2 vợ chồng ông Phán phải tìm đi khắp nơi để xoay xở vay lãi đầu tư nuôi tôm trở lại. Vừa vét vệ sinh ao nuôi, ông Phán vừa bảo: “Gần như cả xã này, cứ hộ nào đầu tư nuôi tôm mà bị chết trong đợt tháng 5 vừa rồi cũng vỡ nợ cả, hộ nợ nhiều thì vài trăm triệu đồng, còn hộ ít như tôi cũng lên đến cả trăm triệu đồng đấy”.
Ông Phán cho hay, từ khi tôm thẻ bị chết hàng loạt đến nay đã hơn 2 tháng, ngoài mấy cân thuốc khử trùng, vệ sinh ao nuôi ra không thấy các cơ quan chức năng địa phương quan tâm hỗ trợ con giống và tiền vốn cho chúng tôi, nên tôi đành phải đi vay lãi về nuôi tiếp thôi.
Cũng trong tình cảnh như các hộ dân ở xã Kim Trung, các hộ dân ở 2 xã Kim Hải và Kim Đông có tôm bị chết trong đợt vừa qua cũng phải “tự bơi” tìm vay vốn để đầu tư nuôi tôm trở lại. Ông Phạm Văn Hoan ở xóm 2, xã Kim Hải đi vay lãi ngoài được gần 50 triệu đồng đầu tư mua hơn 25 vạn tôm thẻ giống về nuôi, ông Hoan cho biết:
“Lứa tôm mới thả nuôi đã được gần 1 tháng, qua kiểm tra thấy tôm cũng phát triển khá tốt, nhưng từ giờ đến khi thu hoạch thời gian còn dài lắm, không biết thế nào đâu, không may tôm lại chết nữa thì nông dân chúng tôi chỉ còn cách bán nhà đi để trả nợ thôi”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Chí Nguyện – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim Trung cho hay: “Ngay sau khi trên địa bàn xã có xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt, chúng tôi đã thống kê thiệt hại gửi lên UBND tỉnh đề nghị giúp đỡ hỗ trợ người dân tôm giống và thuốc khử trùng. Tuy nhiên, hiện xã mới chỉ nhận được gần 10 tấn thuốc khử trùng, vệ sinh ao nuôi, còn về tôm giống người dân cần hơn thì vẫn đang chờ”.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ có truyền thống phát triển nuôi heo theo quy mô nhỏ tại nông hộ, nhất là tại các xã thuộc phía Bắc kênh Cái Sắn. Gần đây, khi giá heo hơi ở mức cao, người dân rất phấn khởi, tích cực phát triển đàn. Tuy nhiên, chăn nuôi heo theo quy mô nhỏ tại các nông hộ cũng gặp không ít rủi ro.

Qua theo dõi đặc điểm dịch tễ của bệnh, các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc liên tục xuất hiện các trường hợp gia súc mắc bệnh Nhiệt thán trong những năm gần đây và thường xuyên có người bị mắc bệnh Nhiệt thán do ăn thịt gia súc mắc bệnh, chết. Do vậy, nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh Nhiệt thán trên gia súc là rất cao, đặc biệt ở địa phương đã có ổ dịch Nhiệt thán trong thời gian vừa qua.

Điểm nổi bật về phát triển chăn nuôi thời gian qua là chuyển mạnh từ hình thức chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi thâm canh, hình thành nhiều mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại theo hình thức tập trung, thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.

Hiện nay các địa phương đã thu hoạch xong lúa hè thu, các cánh đồng bỏ hoang chờ gối vụ, rất thuận lợi cho việc thả trâu không chăn giữ. Bên cạnh đó, thời điểm này là mùa mưa nên cũng rất thuận lợi cho việc trồng cỏ nuôi bò lai.

Theo đa số chủ vựa thu mua cà chua, giá cà chua quá thấp thì cả nhà vườn và người buôn đều lỗ. Vựa cà chua Thắng Bảy (Thạnh Mỹ, Đơn Dương) cũng cho biết: “Chúng tôi cố lắm thì chỉ thu mua cà loại 1, trái to đẹp xuất đi cũng chỉ được gần 1.000 đồng/kg”.