Nông dân nuôi tôm miền Tây lại treo ao

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là vua nuôi tôm ở ĐBSCL, ngụ tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, Bạc Liêu nói: “Bây giờ nông dân nuôi tôm “treo ao” nhiều lắm”.
Theo ông Ngoãn, giá tôm nguyên liệu xuống thấp, dịch bệnh bùng phát khiến việc nuôi tôm của nông dân không có lãi, do đó họ đã quyết định “treo ao” vì nếu đầu tư tiếp sẽ chịu rủi ro rất lớn.
Cụ thể, theo ông Ngoãn, hiện tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá chỉ 80.000-85.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất nguyên liệu hiện cũng đã xấp xỉ 80.000 đồng/kg. “Với lợi nhuận quá ít, chỉ khoảng 5.000 đồng/kg như vậy là quá rủi ro để nông dân tái đầu tư nuôi tiếp”, ông nói.
Thực tế, báo cáo sơ bộ của các địa phương nuôi tôm ĐBSCL, cho thấy tính đến hết tháng 7-2015, toàn vùng có đến khoảng 21.000 héc ta diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại, bị “treo ao”.
Còn theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 8-2015, cả nước xuống giống được 640.000 héc ta tôm, giảm 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có 577.000 héc ta diện tích nuôi tôm sú và 63.000 héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng.
Theo lý giải của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu khó khăn, giá tôm nguyên liệu xuống thấp, thiệt hại do dịch bệnh là nguyên nhân dẫn đến diện tích xuống giống của nông dân giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Trước đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Cafatex (Hậu Giang), cho biết nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu tôm cả năm 2015 sẽ giảm từ 700 triệu đến 1 tỉ đô la Mỹ so với con số khoảng 3,9 tỉ đô la Mỹ của năm ngoái.
Còn báo cáo mới nhất của Hiệp hội xuất khẩu thủy sản (VASEP), cho thấy tính đến ngày 15-7-2015, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước chỉ mới đạt hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ, tức vẫn còn thấp hơn so với cả năm 2014 đến 2,5 tỉ đô la Mỹ.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành xây dựng 10 mô hình nuôi trồng thủy sản tại các huyện Đất Đỏ, Long Điền, Xuyên Mộc, Châu Đức và TP. Vũng Tàu.

Quý I-2015, diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh An Giang gần 545 héc-ta (tăng 2,3% so cùng kỳ), trong đó, diện tích nuôi cá tra gần 340 héc-ta (tương đương cùng kỳ). Sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 52.000 tấn (tăng 4,8% so cùng kỳ), trong đó, sản lượng cá tra 44.000 tấn (tăng 2,1% so cùng kỳ).
Ngành Nông nghiệp huyện Phước Long (Bạc Liêu) vừa nghiệm thu thành công mô hình nuôi lươn trong bể lót bạt bằng giá thể tại xã Vĩnh Phú Tây.
Chăn nuôi được đánh giá sẽ chịu “tổn thương” rõ nét nhất trong ngành nông nghiệp khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Xây dựng hợp tác xã chăn nuôi được cho là một hướng đi tốt để giảm thiểu những tổn thương này.

Sau khi ủ, lên men 12 ngày hỗn hợp vỏ trái cacao, muối và cám gạo là có thể sử dụng làm thức ăn cho heo rừng.