Nông dân nuôi bò lo ngại TPP

TPP đến sớm?
Ông Nguyễn Văn Châu, nông dân nuôi bò giỏi của tỉnh, cho biết, vừa qua, ông có dịp lên Sài Gòn và ghé qua siêu thị Co.opmart trên đường 3-2 tham quan. Khi đến quầy thực phẩm, ông mới giật mình vì thấy thịt bò Úc bày bán nhiều và giá rất hợp túi tiền.
“Thịt bò Úc ăn rất ngon. Giá nạc vụn dùng để nấu bò kho, chỉ có 138.000 đồng/kg, còn thịt bắp thì 245.000 đồng/kg. Bò Úc bán tại siêu thị, tuy phải gánh chịu thuế cùng nhiều loại chi phí khác nhưng giá rẻ như thế này thì làm sao bò địa phương có thể cạnh tranh được trong tương lai, khi mà TPP được ký kết” - ông Châu suy tư.
Chuyến đi Sài Gòn giúp ông hiểu được nguyên nhân giá bò trong tỉnh lên xuống bất thường. Đó là do các doanh nghiệp (DN) đầu mối tại TP. Hồ Chí Minh, Long An… nhập bò Úc nguyên con về giết mổ. Khi bò được nhập về nhiều thì giá bò địa phương giảm xuống và ngược lại. Khi giá bò nội địa xuống, nhiều thương lái càng lợi dụng “ép giá” nông dân. Để hạn chế những tác động, ông Châu đã chuyển sang nuôi bò sinh sản để bán giống. Tổng đàn bò của ông hiện có 27 con, trong đó 3/4 là bò cái.
Năm 2012, các DN Việt Nam bắt đầu nhập thịt bò Úc (nguyên con) về giết mổ, cung ứng thịt cho thị trường nội địa. Số liệu của ngành Hải quan cho thấy, nếu năm 2013, các DN đầu mối nhập về 70.000 con bò Úc thì đến năm 2014, con số này tăng lên 150.000 con. Dự kiến năm 2015, số bò được nhập về 460.000 con, bởi chỉ trong quý I-2015, đã có 115.000 con bò Úc được nhập về Việt Nam, tương đương 124 triệu USD.
Hiện tại, TPP vẫn còn trong vòng đàm phán, các DN đầu mối khi nhập bò Úc về Việt Nam phải chịu thuế suất 5% (đối với bò nguyên con) và 15 – 20% (đối với sản phẩm thịt đông lạnh). Tuy vậy, bò Úc vẫn có giá bán gần tương đương với bò địa phương. Đây là điều rất đáng lo ngại vì khi Việt Nam gia nhập TPP, hàng rào thuế quan sẽ bị xóa bỏ thì liệu người chăn nuôi bò địa phương có cạnh tranh nổi về giá so với bò nhập khẩu từ các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến như Úc, Mỹ, Canada… hay không?
Khẩn trương thích ứng
TPP được ký kết, thị trường tiêu thụ sản phẩm sẽ được mở rộng đến 792 triệu dân ở 12 quốc gia thành viên. Đây là một khu vực mậu dịch tự do mà ở đó, các nước thành viên đóng góp đến 40% GDP toàn thế giới, chiếm 1/3 kim ngạch thương mại toàn cầu. Khi đó, hàng hóa của các nước được tiếp cận thị trường của nhau một cách toàn diện và miễn thuế. Các hạn chế về dịch vụ đồng loạt bị xóa bỏ. Đây là một sân chơi lớn của nông dân An Giang, mà cơ hội cũng nhiều và thách thức cũng không ít.
“Nông dân An Giang lo ngại về TPP là hoàn toàn có cơ sở. Tôi đơn cử, chỉ mỗi việc nuôi bò, ở Úc nuôi 1.000 con bò thịt chỉ cần đến 3 người. Trang trại được chia thành 5 khu vực. Đầu tiên, người ta lùa bò (bằng xe cơ giới) vào khu 1 để bò tự ăn, tự đi tiêu tại đây. 20 ngày sau, bò ăn hết cỏ khu 1, người ta lùa toàn bộ sang khu 2. Tại khu 1, công nhân bắt đầu dùng máy cày, xới đất cho phân bò trộn đều vào nhau rồi trồng cỏ tiếp. Khi bò ăn tới khu 5 thì cỏ khu 1 đã đến thời gian phải thu hoạch cho bò ăn. Đây là mô hình khép kín trong chăn nuôi giúp giảm chi phí rất lớn” – ông Trần Thành Lợi, một Việt kiều Úc, chia sẻ.
Để hạn chế đến mức thấp nhất những tác động từ TPP, nông dân trong tỉnh cần đi vào con đường làm ăn hợp tác thông qua mô hình Hợp tác xã (HTX) kiểu mới. Bên cạnh đó, tỉnh cần sớm tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn, mở trang trại nuôi với số lượng lớn để giá thành cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh lai tạo giống bò siêu thịt để nhanh chóng cải tạo đàn bò trong tỉnh. Muốn làm được điều đó, ngành Nông nghiệp cần sớm đưa kế hoạch hỗ trợ kỹ thuật – tài chính – thị trường cho sản phẩm bò thịt giai đoạn 2014 – 2015 mà tỉnh đã công bố đi vào thực hiện.
“Tôi thấy nghề chăn nuôi bò vẫn còn cơ hội phát triển, mặc dù TPP sẽ được ký kết. Tôi tự tin nói điều này vì thị trường có nhiều phân khúc. Đâu phải ai cũng thích ăn thịt bò Úc. Trong khi bò địa phương được nuôi một cách tự nhiên, gần với sản phẩm sinh thái, còn bò Úc là sản phẩm công nghiệp. Nếu thích nghi tốt, nghề nuôi bò ở địa phương vẫn có đất phát triển” - ông Ngô Văn Đủ, chủ trang trại bò ở ấp 5 (xã Khánh Bình, An Phú), nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm

Đồng Tháp là tỉnh có nhiều tiềm năng về kinh tế. Ngoài sản lượng lúa ổn định hàng năm trên 2,8 triệu tấn, thủy sản là thế mạnh thứ hai với chủ lực là con cá tra, mỗi năm xuất khẩu sản phẩm đông lạnh trên dưới 120.000 tấn. Những năm gần đây, con tôm càng xanh được lãnh đạo các địa phương quan tâm với mô hình nuôi trên ruộng lúa mùa nước nổi. Diện tích nuôi tôm ngày càng gia tăng. Giá trị kinh tế từ con tôm càng xanh ngày càng được khẳng định.

Những năm gần đây, mô hình nuôi chồn hương được các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư, nhưng nếu chỉ nuôi đơn thuần chồn hương lấy thịt thì hiệu quả không cao. Tại xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước), anh Đặng Ngọc Tuân đã gây dựng mô hình nuôi chồn hương lấy thịt, giống, đặc biệt kết hợp sản xuất cà phê chồn mang lại tiền tỷ.

Điều kiện môi trường bất lợi, hàng trăm người nuôi tôm ở phường 12 (TP. Vũng Tàu) đã bỏ nghề, nhưng nhiều năm nay, tại ao nuôi của ông Lê Quang Hùng guồng quay máy sục khí vẫn hoạt động bền bỉ. Ao nuôi tôm của ông là một trong số ít những điểm sáng trên vùng đất nuôi thủy sản đã bỏ hoang nhiều năm của khu vực này.

Sở Khoa học và Công nghệ Long An vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu kết quả điều tra “Tình hình chăn nuôi, đặc điểm ngoại hình gà tàu và đề xuất quy trình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2013 tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” đây là giai đoạn 1 của đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà tàu theo hướng an toàn sinh học tại huyện Châu Thành, tỉnh Long An” do phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành đăng ký chủ trì thực hiện; tiến sĩ Đoàn Đức Vũ giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học Nông nghiệp thuộc Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và kỹ sư Nguyễn Thị Đậm trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Châu Thành làm chủ nhiệm đề tài.

Từ lâu, các nhà khoa học đã khuyến cáo nông dân nên chuyển sang trồng các loại rau màu hoặc luân canh lúa màu trên đất lúa kém hiệu quả.