Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) Không Mặn Mà Với Cây Mía

Nông Dân Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) Không Mặn Mà Với Cây Mía
Ngày đăng: 26/05/2014

Cây mía một thời được xem là cây công nghiệp chủ lực của huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, sau một thời gian chịu cảnh mía “đắng”, nhiều nông dân đã phá bỏ cây mía, chuyển sang trồng mì, bắp, lúa và một số cây hoa màu khác.

Lợi nhuận thấp

Chưa khi nào người trồng mía ở Nghĩa Hành thất vọng về cây mía như vụ mía vừa qua. Không chỉ bị thiệt hại do lũ dẫn đến năng suất giảm mà giá mía cũng giảm. Trong khi đó giá nhân công, chi phí thì lại tăng lên.

Những cánh đồng mía bạt ngàn, giờ đây đã được thay thế bởi cây mì, bắp… Nhiều nông dân đã gắn bó với cây mía hơn 20 năm trời, nay cũng chuyển đổi toàn bộ diện tích đất sang trồng mì, bắp hoặc trồng cỏ nuôi bò. Điển hình như ông Chế Thanh ở thôn Long Bàng Nam, xã Hành Minh. Sau nhiều năm gắn bó với cây mía, giờ đây ông Thanh đã không còn mặn mà với cây mía nữa.

Hiện tại, ông đã chuyển hơn 1 mẫu đất trồng mía trước đây sang trồng các loại cây trồng khác. Trong đó, ông dành 6 sào đất để trồng cỏ và mua 6 con bò lai về nuôi. Theo tính toán của ông Thanh thì với 6 con bò này, ít nhất 1 năm ông cũng thu lãi được khoảng 60 triệu đồng. So với trồng mía thì lợi nhuận cao hơn nhiều.

Cùng hoàn cảnh với ông Thanh, ông Chế Tiền cũng có vài mẫu đất trồng mía. Tuy nhiên, giờ đây ông Tiền cũng đã chuyển hết sang trồng mì, bắp. “Tôi đã gắn bó với cây mía mấy chục năm nay, nhưng càng ngày tôi nhận thấy rằng cây mía thật sự không thể đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Vì vậy tôi quyết định chuyển toàn bộ diện tích trồng mía sang trồng các loại cây khác”. Còn chị Nguyễn Thị Bích Thủy lại chia sẻ: “Cũng 1 sào đất trồng mía, mọi năm tôi chỉ thu được khoảng 1,6 triệu đồng. Còn bây giờ chỉ trồng một mùa đậu phụng, tôi cũng thu được 2 triệu đồng rồi”.

Theo nhiều nông dân thì nguyên nhân khiến họ quay lưng với cây mía là do giá mía quá thấp. Những năm trước giá mía nằm ở ngưỡng từ 900 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/tấn.

Có thời điểm giá mía còn được 1,1 triệu đồng/tấn. Còn vụ mía vừa qua giá mía giảm chỉ còn 850 nghìn đồng/tấn. Trong khi đó năng suất chỉ còn khoảng 60 - 65 tấn/ha, giảm 5 - 10 tấn/ha so với những năm trước. Mặt khác, giá nhân công từ 200 - 250 nghìn đồng tăng lên 300 - 350 nghìn đồng/tấn mía.

Ông Phan Thanh Trinh – Phó Chủ tịch UBND xã Hành Minh cho biết: Hiện trên địa bàn xã Hành Minh đã có hơn 34 ha đất trồng mía được người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác.

Việc người dân phá mía chuyển sang cây trồng khác cũng là điều dễ hiểu. Bởi cây mía có chu kỳ dài, chi phí đầu vào cao, nhưng giá mía thấp. Việc thu mua mía chậm dẫn đến năng suất giảm cũng đã làm cho nông dân mệt mỏi, chán nản với cây mía.

Cần liên kết để giữ vùng nguyên liệu mía

Theo thống kê của ngành nông nghiệp huyện Nghĩa Hành thì vụ mía năm nay diện tích đã giảm khoảng 104ha so với vụ trước. Và con số này sẽ còn tăng lên nếu giá mía không được cải thiện và việc thu mua mía còn nhiều bất cập.

Ông Đàm Bàng - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành cho rằng: “Đảm bảo nguồn nguyên liệu mía cho nhà máy là cần thiết. Nhưng nếu nhà máy đường không đảm bảo được lợi ích cho nông dân thì việc họ chuyển đổi sang cây trồng khác là lẽ đương nhiên”.

Đối với người nông dân, điều mà họ mong muốn nhất là sản phẩm họ vất vả làm ra có nơi tiêu thụ và giá cả ổn định. Được như vậy thì dù có nhọc nhằn đến mấy, người nông dân cũng sẽ chấp nhận. Thế nhưng, dường như bài toán này vẫn chưa có lời giải, khiến nông dân rơi vào cảnh lao đao.

Thiết nghĩ, để nguồn nguyên liệu đảm bảo và nông dân không quay lưng với cây mía thì cần phải có sự ký kết hợp đồng giữa nhà máy đường và người dân. Nhà máy phải có sự đồng hành với nông dân, chứ để người nông dân tự gánh lỗ một mình thì khó có thể tránh khỏi tình trạng nông dân phá mía, chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày khác.


Có thể bạn quan tâm

Giá Tôm Càng Xanh Vượt Đỉnh Giá Năm Ngoái Giá Tôm Càng Xanh Vượt Đỉnh Giá Năm Ngoái

Giá tôm càng xanh hiện đang được nông dân miền Tây thu hoạch bán tại ruộng với giá 240.000 – 280.000 đồng/kg (tôm loại 1), bình quân cao hơn năm ngoái 60.000 đồng/kg; tôm loại 2 hiện cũng không dưới mức 180.000 đồng/kg

24/06/2011
Phát Triển Cây Dó Bầu Ở Tân Phú Phát Triển Cây Dó Bầu Ở Tân Phú

Từ trước đến nay, việc khai thác trầm hương chỉ phụ thuộc vào tự nhiên, nhưng hiện nay tại huyện Tân Phú đã có người nghiên cứu thành công chất cấy tạo trầm trên cây dó bầu, mở ra một hướng đi mới cho việc phát triển kinh tế của một huyện miền núi.

01/07/2012
Không Kịp Thu Hoạch, Nông Dân “Đắng Lòng” Vì Mưa Bão Không Kịp Thu Hoạch, Nông Dân “Đắng Lòng” Vì Mưa Bão

Theo thống kê ban đầu, tính đến thời điểm này, bão số 2 đã làm 8 người chết và mất tích, 81 người bị thương. Điều đáng nói, cơn bão xuất hiện đúng vào lúc nhiều địa phương ở miền Bắc nông dân đang xuống đồng thu hoạch…

25/06/2011
Nghề “Xịt Trắng”: Biết Chết... Vẫn Làm Nghề “Xịt Trắng”: Biết Chết... Vẫn Làm

Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân ở Thái Bình kéo nhau ra các thành phố để mưu sinh nên số lao động còn ở lại rất ít. Chính vì thế, mà mỗi lúc vào thời vụ của nhà nông, xuất hiện những người làm nghề phun thuốc trừ sâu thuê.

02/07/2012
Trị Ruồi Đục Trái Hiệu Quả Trị Ruồi Đục Trái Hiệu Quả

Mới đây, nhiều nhà vườn trồng vải thiều, na (mãng cầu ta), nhãn, mận, ổi, xoài hay nông dân trồng khổ qua, dưa leo, bầu bí, đậu ở các tỉnh miền Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Hà Tây, Yên Bái và một số tỉnh phía Nam: Đồng Nai, Vĩnh Long, Hậu Giang

11/07/2012