Nông Dân Long Mỹ Thuần Hóa Đất Phèn

Những năm trước, trên đất nhiễm phèn, nông dân huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) chủ yếu trồng dứa (khóm), mía, với hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm, tiêu…, nhiều hộ có thu nhập cao hơn hẳn.
Theo ông Lê Hồng Việt – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, toàn huyện có khoảng 17.433ha đất phèn, tập trung ở các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Thuận Hòa… Có nơi bị nhiễm phèn nặng nên bà con chỉ sản xuất được 2 vụ lúa, thu nhập rất bấp bênh.
“Nhưng giờ đã khác rồi, nhờ nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm mà đến nay, bà con đã xác định được nhiều loại cây trồng phù hợp trên đất phèn, thu nhập ổn định hơn hẳn. Đối với những nơi nhiễm phèn nặng, chúng tôi khuyến cáo bà con nên trồng mãng cầu xiêm, khóm, dừa xiêm; vùng nhiễm nhẹ thì có thể trồng cam, mít, tiêu… ” – ông Việt cho biết.
Đến xã Thuận Hòa (Long Mỹ), chúng tôi được chị Lê Thị Thanh Cần – cán bộ khuyến nông xã cho biết: “Trước đây, khi phải canh tác trên vùng đất nhiễm phèn, bà con cũng loay hoay lắm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều hộ bắt đầu trồng mãng cầu xiêm và thu được hiệu quả không ngờ. Sắp tới, sẽ có thêm 33 hộ trồng mãng cầu xiêm ở ấp 2, nâng tổng số hộ trồng mãng cầu xiêm của toàn xã lên 60 hộ”.
Ông Cao Văn Hoàng (ấp 2) - một trong những hộ đầu tiên trồng mãng cầu xiêm ở xã Thuận Hòa cho biết: Cái lợi đầu tiên khi trồng mãng cầu xiêm trên đất phèn là khả năng chịu phèn rất cao, do mình ghép mãng cầu trên cây bình bát. Lợi thứ hai là công chăm sóc không nhiều, lượng phân bón và thuốc cũng ít hơn nhiều loại cây trồng khác.
Ngoài ra, khả năng cho trái của mãng cầu xiêm cao, mỗi cây trưởng thành (4 năm tuổi trở lên) có thể đạt 40 - 50kg/vụ, đầu ra ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua. “Hiện tui đang trồng khoảng 3.000m2 với 200 gốc mãng cầu xiêm, mỗi năm tui thu được khoảng 70-80 triệu đồng, so với trồng lúa thì khỏe hơn rất nhiều” - ông Hoàng hào hứng.
Cũng là hộ “bén duyên” với cây mãng cầu xiêm và nay nhờ nó mà khá lên, anh Phan Văn Niềm, cùng ngụ ấp 2 cho hay: “Với 5 công mãng cầu xiêm, vụ vừa rồi tui thu được 120 triệu đồng. Giá mãng cầu xiêm dao động từ 15.000 – 18.000 đồng/kg, có lúc lên đến 26.000 đồng/kg, cây càng lâu năm thì càng cho trái nhiều, công chăm sóc ít đi nên bà con sẽ thu lãi cao”.
Ngoài mãng cầu xiêm, ông Dương Thanh Bình (ấp 1, xã Vĩnh Viễn) cũng chọn cây tiêu để trồng trên đất phèn. Ông Bình cho biết: “Trước mắt tui trồng 4.000m2 tiêu dưới tán tràm, sau 2 năm tiêu đã cho thu hoạch, vụ vừa rồi tui thu được trên 30 triệu đồng, bước đầu thấy đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao nên rất yên tâm canh tác”.
Có thể bạn quan tâm

Rộng trên 40ha, năng suất bình quân đạt khoảng 45 tạ/ha/vụ, cao hơn từ 2-10 tạ/ha/vụ so với bình quân nhiều địa phương miền núi trong tỉnh... Vì vậy cánh đồng Làng Mùng, thuộc xã Sơn Bao, huyện Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) được ví là "cánh đồng vàng".

Xuất khẩu cá tra đang hồi phục mạnh do nhu cầu của thị trường tăng. Trong ảnh là công nhân Công ty cổ phần Gò Đàng Tiền Giang (GODACO) đang chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu.

Được Hội ND tỉnh tư vấn, hỗ trợ phân bón, khoa học kỹ thuật… nhiều hộ thành viên hội trồng cam sành huyện Hàm Yên, Tuyên Quang có thu nhập từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

Ông Minh cho biết, gà Đông Cảo - giống gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, đặc điểm nổi bật của loại gà này là đôi chân rất to, xù xì, da đỏ hồng, dáng vẻ oai vệ, khi trưởng thành gà trống có thể nặng đến 6kg, gà mái từ 3,5 - 5kg.

Là thương binh hạng 2/3, nhưng nói về làm kinh tế trang trại thì ít người lành lặn làm được như ông Nguyễn Hoàng Kim ở xã Khánh Thành (Yên Khánh, Ninh Bình).