Nông Dân Lo Hạn Hán

Năm nay, khô hạn khắc nghiệt hơn hẳn mọi năm khiến sản xuất nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Vừa qua, hàng trăm hécta mía ở xã Gia Canh, huyện Định Quán (Đồng Nai) cùng một vài nơi khác cháy rụi khiến nông dân càng bất an, lo lắng.
Tuy trong tỉnh chưa xảy ra tình trạng hoa màu hoặc cây trồng lâu năm chết khô vì hạn hán, nhưng nông dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiệt hại.
* Lao đao vì nắng
Nắng gắt, khô hanh kéo dài không chỉ gây nên tình trạng thiếu nước sản xuất mà còn tác động trực tiếp đến sự sinh trưởng của cây trồng, mùa vụ. Nông dân phải tốn nhiều chi phí, công sức hơn để chống hạn.
Huyện Tân Phú hiện đang là một trong những điểm “nóng” về nguy cơ khô hạn của tỉnh. Năm nay, mùa khô bắt đầu từ giữa tháng 11, riêng Tân Phú từ giữa tháng 10 hầu như đã dứt hẳn mưa khiến người dân khổ sở vì thiếu cả nước sinh hoạt và nước tưới.
Theo ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú, nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn vì nguồn nước ngầm bị hụt, nhiều hộ phải đào thêm giếng khoan để có nước tưới. “Nhà nhà tăng cường bơm nước tưới khiến nguồn điện bị quá tải, nông dân phải chuyển qua tưới đêm, nhiều hộ phải tưới bằng máy dầu.
Trung bình mỗi tuần, 1 hécta cây trồng phải mất cả triệu đồng tiền dầu phục vụ tưới tiêu là gánh nặng không nhỏ với nông dân. Huyện rất mong được đầu tư thêm các công trình thủy lợi để gỡ khó cho nông dân trong mùa khô” - ông Đạt nói.
Ông Tư Kiệm, nông dân ở xã Phú Hòa (huyện Định Quán), chia sẻ: “Với diện tích hơn 2 hécta trồng bưởi, ngoài nguồn nước từ giếng đào, tôi đã phải đầu tư thêm 4 giếng khoan vì 2 giếng không có nước. Đảm bảo nguồn nước tưới tiêu là nỗi lo không nhỏ với nông dân trong mùa khô”.
Ông Lê Minh Tôn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca cao huyện Thống Nhất, nhận xét: “Nắng gắt kèm với gió khô hanh nên dù dưới gốc ướt nước tưới, lá ca cao vẫn bị rụng vì cháy nắng; hoa ra đợt nào khô đợt đó nên mùa vụ năm nay nhiều nhà vườn chậm cho thu hoạch. Nếu khô hạn tiếp tục kéo dài, năng suất cây trồng bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi”.
* Chủ động chống hạn
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn, vụ đông - xuân 2014, tổng diện tích trồng cây lương thực (bắp, lúa) toàn tỉnh đạt 26.665 hécta, tăng 756 hécta so với cùng kỳ năm ngoái. Ứng phó với tình trạng hạn hán trong mùa khô, nhiều địa phương đã chuyển đổi vụ lúa đông - xuân sang trồng bắp, hoa màu để giảm nhu cầu về nước tưới.
Ông Nguyễn Minh Kiều, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, cho rằng: “Mùa khô năm nay khó khăn hơn vì mực nước tại một số hồ, đập thủy lợi đã rút xuống thấp, trong khi nhu cầu nước cung ứng cho tưới tiêu lại tăng”.
Công ty đã chủ động điều tiết nước, nếu cần thì bơm nước từ sông Đồng Nai dẫn nước vào đồng, đảm bảo nước tưới cho cả những điểm nóng khô hạn, như: cánh đồng Cao Cang (huyện Định Quán), cánh đồng Năm Sao (huyện Tân Phú)… nên đến nay, Đồng Nai chưa có cánh đồng lúa, hoa màu nào bị thiệt hại do khô hạn. Hiện công ty cũng chú trọng công tác hướng dẫn để nông dân có ý thức trong việc tiết kiệm nước tưới.
Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, phương pháp tưới nước tiết kiệm là một trong những giải pháp hiệu quả giúp nông dân chống hạn trong mùa khô, góp phần tăng năng suất cây trồng và giảm chi phí đầu vào. Hiện toàn tỉnh có hơn 5 ngàn hécta cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Từ hiệu quả thực tế đã thuyết phục nhiều nông dân quan tâm và tiếp tục nhân rộng mô hình này.
Theo ông Nguyễn Phước Huy, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa khô năm nay hầu như không có mưa trái mùa khiến nguồn nước ngầm và nguồn nước ở các ao hồ, sông suối thiếu hụt hơn. Đồng Nai vừa có đợt cao điểm nắng nóng, có khi nhiệt độ ngoài trời tăng đến 40-41 độ C. Tuy tuần này, thời tiết mát mẻ hơn do nhiệt độ giảm, nhưng từ nay đến cuối mùa khô có khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện những đợt cao điểm nắng nóng khác.
Có thể bạn quan tâm

Theo TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cũng là một người gắn bó lâu năm với ngành Thủy sản, để phát triển thủy sản, không chỉ là những chính sách hỗ trợ đánh bắt ngoài khơi, ngành Thủy sản còn cần xây dựng một cơ chế hỗ trợ trên bờ.

Ông Phạm Hữu Tú, thôn Đồng Luật, xã Thành Mỹ được biết đến là một trong những người tiên phong trồng cây mắc ca ở các tỉnh phía Bắc. Ông cho biết: Năm 1998, gia đình ông nhận khoán 20 ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thạch Thành.

Trứng gà Tân An (Quảng Ninh) là một trong số những nông sản được tỉnh lựa chọn để xây dựng thương hiệu. Đây là cơ hội nâng cao uy tín sản phẩm; tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc được chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu vẫn chưa giúp gì nhiều cho trứng gà Tân An mở rộng hơn thị trường tiêu thụ...

Ông Phạm Hùng Sanh, thôn Xuốm, xã Đồng Lương, cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, qua tìm hiểu thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng được sự hỗ trợ kinh phí, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây cao su, gia đình tôi quyết định chuyển đổi một số diện tích vườn tạp và cây trồng kém hiệu quả sang trồng mới 1,5 ha cao su.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất - Đồng Nai) nổi tiếng là người đi tiên phong sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi với quy mô lớn tại Đồng Nai. Hiện trang trại của ông đang có 500 heo nái, 3 ngàn heo thịt và đang đầu tư mở rộng trại, tăng đàn thêm 1 ngàn heo thịt.