Nông Dân Lao Đao Vì Giá Mía Đầu Vụ Quá Thấp

Hiện nay, nông dân ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang) bắt đầu thu hoạch mía. Tuy nhiên, giá mía hiện nay đang ở mức thấp kỷ lục từ trước đến nay, làm cho người nông dân phải lao đao. Bán cũng không được mà để lại cũng không xong, vì mía đã đến ngày thu hoạch mà chi phí bỏ ra cả năm trời chỉ trông chờ vào số mía này.
15 công mía của gia đình bà Bùi Thị Trắng, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ đã đến ngày thu hoạch nhưng khi thương lái vào mua chỉ trả 650 đồng/kg với lý do mía của gia đình bà chữ đường không cao nên chỉ mua đến giá đó mà thôi.
Tiếc của, tiếc công, bà Trắng quyết định thuê nhân công đốn mía rồi tự mướn ghe mang ra nhà máy đường để cân với hy vọng giá mía sẽ được cao hơn để bù lại bao công sức, chi phí mà gia đình bà đã bỏ ra suốt cả một năm trời. Bà Trắng nói: “Mía năm ngoái gia đình tôi bán được 850 đồng/kg nhưng năm nay giá quá thấp, thấp hơn tới 200 đồng/kg. Thương lái vào mua chỉ nói chữ đường năm nay thấp quá chỉ 6 đến 7 chữ nên phải mua rẻ trừ hao. Nói là nói vậy chứ người nông dân chúng tôi đâu có biết nên đành mướn ghe chở ra nhà máy bán thôi, được bao nhiêu thì mình hưởng bấy nhiêu”.
Hiện nay, nông dân huyện Long Mỹ mới bắt đầu bước vào thu hoạch mía, tuy nhiên giá mía đang ở mức thấp kỷ lục làm cho người trồng mía không khỏi đau xót. Thương lái đến mua mía của dân chỉ dao động từ 650 đến dưới 700 đồng/kg, so với năm 2012 thì thấp hơn 200 đồng/kg.
Với giá như vậy người nông dân phải cầm chắc phần thua lỗ. Anh Lê Chí Nguyện, ở ấp 9, xã Vĩnh Viễn A, cho biết: “Gia đình chỉ có 4 công đất mía, nhưng là đất phèn nên chỉ trồng được mía Sufat 7. Tuy năng suất có cao nhưng chữ đường thì thấp. Nếu tính mướn hết nhân công là lỗ, còn gia đình tôi toàn lao động nhà nên còn dư chút đỉnh, nhưng chỉ đủ chi phí chứ không có lời là bao”.
Vụ mía năm 2013, huyện Long Mỹ trồng được 380ha mía, trong đó tập trung nhiều nhất ở 2 xã Vĩnh Viễn và Vĩnh Viễn A. Do thích hợp với các điều kiện thổ nhưỡng nên cây mía từ lâu đã được người dân ở các xã này chọn là cây trồng chính thay thế cho các loại cây trồng khác. Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, cây mía đã làm cho người trồng phải lao đao. Nguyên nhân được cho là do bà con nông dân chọn những giống mía có chữ đường thấp như Sufat 7, R570, K92 nên thương lái chê, mua giá thấp.
Mặt khác, năm nay mưa nhiều nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chữ đường. Giá thấp, sản xuất không có lời đã làm cho người trồng mía nản lòng. Bà Trắng ngậm ngùi nói: “Tính đốn xong số mía này là tôi sẽ ban ra để trồng lúa. Trồng lúa cực nhưng nhanh thu hồi vốn, còn mía giá cả bấp bênh mấy năm nay làm không có lời”.
Ông Trịnh Bạch Duyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Viễn A, cho biết: Toàn xã Vĩnh Viễn A có khoảng 230ha mía. Năm nay, năng suất so với năm ngoái tương đương nhưng giá thì thấp hơn rất nhiều. Tình trạng này kéo dài bà con sẽ ban đất trồng mía rất nhiều. Nếu không có chính sách hỗ trợ của trên cũng như giá mía cứ ở mức thấp như hiện nay thì xã cũng khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng cho phù hợp để giảm bớt rủi ro cho người nông dân.
Đối với những người nông dân đã đầu tư công sức, tiền bạc vào cây mía suốt một năm trời không ai nghĩ rằng kết quả nhận được lại là sự thua lỗ. Nếu giá mía cứ tiếp tục ở mức thấp như hiện nay thì những người gần cả đời gắn bó với cây mía như bà Trắng cũng đành phải từ bỏ cây mía mà thôi.
Có thể bạn quan tâm

Khi đánh giá về kết quả phát triển thủy sản tại địa phương, đồng chí Chủ tịch UBND xã Điêu Lương (huyện Cẩm Khê) - nơi có trên 100 ha nuôi thủy sản cho biết: Mặc dù xã làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, chuyển đất lúa kém hiệu quả sang nuôi thủy sản nhưng do ruộng đất ít nên quy mô chăn nuôi thủy sản vẫn nhỏ.

Nuôi bò vàng, bò thịt vốn đã phát triển từ nhiều năm trước ở huyện Củ Chi (TPHCM). Tuy nhiên 2 năm trở lại đây, đặc sản “bò tơ Củ Chi” bắt đầu nổi tiếng và lan rộng khắp miền Nam.

Đến xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên – TP Hà Nội) qua khu Bãi Tạ (thôn Sảo Hạ) nếu như trước năm 2010 nơi đây là khu lò gạch, ngổn ngang những gò đất, hố sâu do lấy đất và những ống khói cao ngất hàng ngày xả khói ra môi trường, giờ đây khi thành phố có chủ trương cấm đốt, sản xuất gạch tại các khu vực này thì thay vào đó là các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt đang đi vào hoạt động có hiệu quả.

Hôm qua 5.8, Tổng cục Biển & hải đảo (Bộ Tài nguyên - môi trường) phối hợp với Chi cục Biển & hải đảo Quảng Nam tổ chức hội nghị “Truyền thông về quản lý tổng hợp đới bờ (THĐB) cho dải ven biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ”. Hội nghị đã nêu một số bài học kinh nghiệm và đặt ra nhiều giải pháp hoàn thiện cơ chế, qua đó nâng cao công tác quản lý THĐB trong thời gian đến.

Sau một thời gian dài giảm giá mạnh, khoảng 1 tháng gần đây, giá bán các sản phẩm chăn nuôi như lợn, gà… đang tăng dần trở lại. Đây được xem là tín hiệu vui để người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục duy trì chăn nuôi, yên tâm tái đàn.