Nông Dân Không Lãi Trong Sản Xuất Lúa Vụ 2

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang thu hoạch lúa vụ 2 nhưng nhà nông không vui bởi giá lúa giảm. Bên cạnh đó, do dịch bệnh xảy ra nhiều, chi phí cao nên nông dân Cà Mau đang đứng trước nguy cơ thua lỗ. Trong khi đó, giá lúa ở các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL đang có chiều hướng tăng và ổn định.
Anh Nguyễn Thanh Hải, ấp 8, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, cho biết: “Chi phí cho các thứ đều cao nhưng có hai thứ quan trọng không cao, đó là năng suất và giá lúa nguyên liệu. Vụ này lấy lại được chi phí phân bón, thuốc là quý rồi, chứ không mong có lãi”.
Do sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nên áp dụng giống mới, sinh trưởng nhanh nhưng lúa không ngậm sữa dẫn đến số lượng hạt lép nhiều, năng suất chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha (vụ 1 đạt 7 tấn/ha).
Ông Lê Đoàn Kết, ấp 5, xã Tân Lộc, vừa thu hoạch xong 1 ha với năng suất đạt 5,6 tấn, cho biết: “Năm nay người trồng lúa ở đây hầu như không có lãi, do bị ảnh hưởng mưa nhiều trong giai đoạn đầu mới sạ, phải sạ lại. Thêm vào đó là các loại bệnh như: sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh cổ bông và nhện gié… gây tốn kém cho người trồng lúa rất nhiều. Chi phí cao hơn vụ 1 nhưng giá lúa bán ra lại thấp hơn”.
Hiện nay, giá phân bón, thuốc có xu hướng tăng nhưng giá lúa thương phẩm thì ngày càng giảm. Điều này làm cho người trồng lúa chịu nhiều thiệt thòi và người hưởng lợi lại là nhà kinh doanh và thương lái thu mua lúa gạo.
Anh Nguyễn Văn Cởm, thương lái thu mua lúa gạo tại Cà Mau, cho biết, các loại lúa tươi OM 7347, 6162,4900… mua tại đồng với giá 4.900 đồng/kg và lúa ngang với giá 4.700 đồng/kg. Giá thấp là do lúa của vùng Cà Mau hạt gạo không đẹp, không đạt chất lượng như các tỉnh khác.
Còn doanh nghiệp thu mua trong tỉnh thì chỉ thu mua khi người dân hay thương lái tự vận chuyển đến công ty nhưng điều này đối với nông dân thì quá khó để thực hiện. Hiện nay, người sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn vẫn tự tìm thương lái bán sản phẩm.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, công ty có hứa là tạo mọi điều kiện để thu mua lúa của dân tham gia cánh đồng mẫu lớn với giá cao hơn thị trường từ 500-1.000 đồng/kg, nhưng đến thời điểm thu hoạch, họ không thực hiện lời hứa.
Ông Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công ty XNK Nông sản thực phẩm Cà Mau, cho biết, hiện nay công ty chỉ thu mua lúa tại chỗ. Do không có đủ nhân công cũng như phương tiện nên công ty không thể đến tận hộ dân thu mua.
Hiện công ty chỉ thu mua cầm chừng do phía Tổng Công ty Lương thực miền Nam vẫn chưa ký được hợp đồng nào với đối tác nước ngoài. Và công ty cũng chưa được tiếp cận gói ưu đãi của Chính phủ trong việc thu mua dự trữ lúa gạo trong dân, nên việc thu mua lúa gạo trong dân chưa được đẩy mạnh.
Một trong những điều quan trọng mà các ngành chức năng cần quan tâm là nên có chính sách, địa điểm thu mua lúa gạo cho nông dân. Các doanh nghiệp thu mua lúa gạo trong tỉnh tích cực tạo mọi điều kiện thu mua đúng giá để người trồng lúa bán đúng giá của thị trường, tránh bị ép giá như hiện nay.
Theo đó, cần điều tiết giá phân, thuốc và hoá chất ngay từ đầu vụ để người dân tiếp cận. Có vậy người trồng lúa ở Cà Mau mới trụ được trên đồng đất của họ.
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu tháng 8-2012 đến nay, dịch bệnh heo tai xanh đã xuất hiện rải rác tại một số quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ. Các ngành chức năng thành phố đã và đang áp dụng các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, dập tắt và không để dịch heo tai xanh lây lan ra diện rộng...

Trong khi người nuôi heo và gia cầm lại gặp khó khăn thì người nuôi bò ở Phú Yên thu lãi lớn vì giá thịt bò đang ở mức cao, thị trường tiêu thụ rộng. Những hộ nuôi bò ở các địa phương đang đầu tư phát triển đàn.

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 06/2013/NQ-HÐND ngày 26.7.2013 của HÐND tỉnh về chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương (KCHKM), kênh mương nội đồng (KMNÐ) giai đoạn 2013-2015, hệ thống cơ sở hạ tầng thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta từng bước được hoàn thiện, phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN) có hiệu quả hơn. Tuy nhiên so với yêu cầu, tiến độ thực hiện KCHKM vẫn còn chậm do vốn đầu tư thấp.

Những năm qua, nông dân xã Yên Đồng (Yên Mô - Ninh Bình) đã chuyển đổi từ chân ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình lúa - cá nhằm khai thác diện tích mặt nước trên ruộng, tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên, giảm bớt chi phí đầu tư, nâng cao thu nhập.

Với trang trại rộng hơn 4.000 m2, anh Huỳnh Chí Công (xã Phước Vĩnh An, Củ Chi, TP.HCM) đã thu hàng tỉ đồng từ nghề nuôi rắn, kỳ đà và rùa để xuất khẩu.