Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Huyện Lai Vung Rủ Nhau Bỏ Lúa, Trồng Quýt Đường

Nông Dân Huyện Lai Vung Rủ Nhau Bỏ Lúa, Trồng Quýt Đường
Ngày đăng: 24/07/2014

Mặc dù mới được nhà vườn ở Lai Vung (Đồng Tháp) trồng vài năm gần đây nhưng diện tích quýt đường của huyện đang tăng đột biến và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện, diện tích quýt đường trên địa bàn hiện ước khoảng 1.200ha, trong khi cuối năm 2012 diện tích chưa tới 300ha.

Cây có múi là thế mạnh riêng của huyện Lai Vung, nhưng với diện tích quýt đường phát triển mạnh và bộc phát như hiện nay thì các ngành chức năng và địa phương cần bắt tay vào cuộc.

Theo Phòng NN&PTNT huyện, nguyên nhân dẫn đến diện tích quýt đường tăng đột biến trong thời gian qua là do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, nhưng chủ yếu là do ưu thế kinh tế so với lúa, màu, một số loại cây ăn trái khác. Khoảng 2 năm trở lại đây, quýt đường liên tục giữ mức giá cao, trung bình từ 18 - 35 nghìn đồng/kg.

Với mức giá này, bà con nông dân lãi cao gấp nhiều lần so với nhiều cây trồng khác. Bên cạnh đó, gần đây nhiều nhà vườn cho biết, thương lái đến tận vườn để đặt hàng trước một năm do thiếu nguồn cung nên nông dân đã rủ nhau đầu tư trồng quýt đường để “đổi vận”.

Nhà vườn Huỳnh Thị Tuyết Mai ngụ xã Tân Hòa, huyện Lai Vung cho biết: “2 năm trở lại đây, nhờ cải tạo gần 1ha vườn tạp chuyển sang trồng quýt đường nên thu nhập của gia đình tôi được cải thiện rất nhiều. Sắp tới, gia đình định làm liếp trồng thêm quýt đường. Theo tôi, so với quýt hồng thì quýt đường dễ xử lý cho trái hơn, đặc biệt có thể cho trái quanh năm...”.

Diện tích trồng quýt đường tăng nhưng một số loại cây trồng khác lại giảm, trong đó, có quýt hồng. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện, diện tích trồng quýt hồng trong huyện hiện nay khoảng 1.115ha. Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích quýt hồng đã giảm đáng kể.

Những năm gần đây, một số diện tích trồng quýt hồng có hiện tượng chết cây rải rác không rõ nguyên nhân và ngay sau đó, nhà vườn đã cho trồng thay bằng cây quýt đường. Đây cũng là thách thức lớn đặt ra cho ngành nông nghiệp huyện Lai Vung khi chủ trương của huyện là tăng diện tích trồng quýt hồng.

Theo bà Trương Thị Nên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, giá quýt đường vẫn đang giữ mức cao. Tuy nhiên, với diện tích quýt đường bùng phát như hiện tại, thì trong thời gian tới thị trường TP.Hồ Chí Minh sẽ không tiêu thụ hết sản lượng quýt đường của huyện.

Trong khi đó, cây quýt đường là loại cây dễ trồng, có thể cho trái quanh năm và phù hợp với nhiều vùng thổ nhưỡng... Vì vậy hiện nay, không riêng ở huyện Lai Vung phát triển cây quýt đường mà các địa phương khác trong tỉnh, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ cũng đang đẩy nhanh diện tích trồng quýt đường.

Trong thời gian tới, quýt đường của huyện Lai Vung có nguy cơ sẽ bị cạnh tranh với nhiều khu vực khác. Sắp tới, huyện sẽ vận động, tuyên truyền cho người dân biết chủ trương của huyện là không chuyển diện tích trồng lúa nước theo qui hoạch về quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, huyện cũng vận động người dân giữ lại diện tích trồng quýt hồng vì hiện tại quýt hồng là sản phẩm đặc sản riêng của huyện Lai Vung đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận cũng như được chứng nhận VietGap. Mặt khác, với diện tích trồng quýt đường lớn như hiện nay, huyện sẽ tìm kiếm nhà đầu tư và mở rộng thị trường ra các tỉnh phía Bắc.

Hiện tại, hai doanh nghiệp ở Hà Nội đã đặt vấn đề hợp tác mua quýt đường của huyện. Tuy nhiên, do nhà vườn vẫn chưa quen với cách phân loại hàng theo yêu cầu của doanh nghiệp nên việc liên kết tiêu thụ quýt đường vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Thời gian tới, huyện cũng định hướng nông dân sản xuất theo qui trình an toàn cũng như làm quen dần với cách bán hàng cho doanh nghiệp... để sản phẩm quýt đường của Lai Vung có thể bán được ở nhiều thị trường, tránh trường hợp “ứ hàng - dội chợ” cho nông dân.


Có thể bạn quan tâm

Giá Tiêu Vẫn Ổn Định Giá Tiêu Vẫn Ổn Định

Theo tính toán của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2014, sản lượng hồ tiêu của cả nước sẽ đạt khoảng 120.000- 125.000 tấn, tương đương vụ năm 2013.

14/03/2014
Gia Cầm Chết Hàng Loạt Ở Tuy Phước Bình Định Gia Cầm Chết Hàng Loạt Ở Tuy Phước Bình Định

Hơn tháng qua, người dân ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tuy Phước (Bình Định) như ngồi trên đống lửa khi đàn gia cầm bị dịch bệnh chết hàng loạt. Điều đáng lo ngại là nhiều hộ chăn nuôi đã vứt bỏ gia cầm chết xuống kênh mương thủy lợi, gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

18/02/2014
Săn Mật Ong Rừng Trúng Lớn Săn Mật Ong Rừng Trúng Lớn

Vào thời điểm này, thời tiết thuận lợi, cây cối phát triển ra hoa nhiều nên chất lượng mật ong tốt nhất so với các thời điểm khác trong năm.

14/03/2014
Kế Hoạch Hành Động Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản Kế Hoạch Hành Động Tái Cơ Cấu Ngành Thủy Sản

Ngày 12/3/2014, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp với Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO) tổ chức hội thảo tham vấn về dự thảo kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành thủy sản. Tham dự Hội thảo có đông đảo các đại biểu đến từ các cơ quan thuộc Bộ NN&PTNT, Tổng cục Thủy sản. Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT và ông Jong-ha Bae, Trưởng đại diện FAO tại Việt Nam tới dự và chỉ đạo hội thảo.

14/03/2014
Khẩn Trương Chống Rét Cho Mạ Và Lúa Xuân Khẩn Trương Chống Rét Cho Mạ Và Lúa Xuân

Thời tiết đột ngột rét đậm, rét hại kéo dài trong mấy ngày qua đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới diện tích mạ và lúa xuân mới cấy tại các tỉnh phía Bắc. Trước diễn biến này, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) khuyến cáo bà con nông dân làm tốt công tác phòng chống rét cho cây trồng, không chủ quan với thời tiết.

18/02/2014