Nông Dân Huyện Cai Lậy Góp Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới

Xác định vai trò chủ thể của nông dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Hội Nông dân huyện Cai Lậy đã tích cực vận động hội viên thi đua lao động sản xuất, đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất... để địa phương hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM theo tiến độ.
Trong năm 2014, các cơ sở Hội Nông dân đã tổ chức hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) cho 14.600 lượt hội viên, giải ngân 157 tỷ đồng cho 10.659 hội viên phát triển mô hình sản xuất phù hợp, chăn nuôi, mua bán nhỏ. Nguồn “Quỹ Hỗ trợ nông dân” các xã đã huy động 1,8 tỷ đồng trợ vốn cho nông dân khó khăn. Hầu hết hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, nâng cao thu nhập gia đình.
Đặc biệt, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” đã tạo động lực để hội viên nâng cao hiệu quả các mô hình sản xuất, chăn nuôi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thực hiện tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM.
Qua bình chọn năm 2014, huyện Cai Lậy có 10.765 nông dân SXKD giỏi 3 cấp, trong đó có 2.265 hộ là nhân tố mới với tinh thần vượt khó, chí thú làm ăn, vươn lên làm giàu.
Là điển hình nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh với mô hình chuyên canh sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao, ông Hàn Văn Phúc ở ấp 1, xã Cẩm Sơn cho biết: “Sau 5 năm chuyển đổi từ ruộng sang vườn chuyên canh sầu riêng, kinh tế gia đình tôi đã khá lên rất nhiều.
Cũng nhờ chính quyền xã hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín và tăng cường chuyển giao KHKT mà bà con quanh đây chọn được giống cây trồng phù hợp, sản xuất hiệu quả hơn. Nông dân chúng tôi xác định, phát triển kinh tế gia đình là điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và đóng góp cho xã nhà theo khả năng, điều kiện”.
Các cấp Hội Nông dân huyện Cai Lậy còn vận động hội viên và người dân đóng góp kinh phí, hiến đất, hoa màu, ngày công… hoàn thiện các công trình giao thông, thủy lợi. Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt nhiều vùng nông thôn đã “thay da đổi thịt”, các tuyến đường liên ấp, liên xã đều được nâng cấp, mở rộng, nhựa hóa hoặc dal hóa. Trong sự thay đổi đó, có đóng góp không nhỏ của hội viên nông dân.
Năm 2014, hội viên đã góp sức tu sửa, khai thông dòng chảy 23 km đường giao thông nông thôn, kinh mương nội đồng phục vụ sản xuất và vận chuyển, giao thương hàng hóa. Đã xuất hiện nhiều điển hình hội viên nông dân chủ động hiến đất, tự nguyện giải phóng mặt bằng mở rộng các tuyến đường nông thôn theo chuẩn NTM, là nhân tố tích cực để tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực.
Khi xã vận động hiến đất mở rộng tuyến đường liên ấp Bình Thuận - Bình Hòa A, ông Lê Văn Cạnh, nông dân ấp Bình Hòa A, xã Tam Bình là một trong những hộ đầu tiên di dời hàng rào, giải phóng mặt bằng để công trình sớm thi công.
Ông chia sẻ: “Hồi trước khu vực này nắng bụi mưa bùn, đi lại rất khó khăn; bây giờ lưu thông dễ dàng, thuận tiện lại sạch sẽ. Đường sá khang trang thì việc xây dựng NTM sẽ đạt hiệu quả cao nên người dân rất đồng tình, hưởng ứng. Không chỉ bản thân tôi tích cực tham gia đóng góp mà từng hội viên nông dân nơi đây đều nhận thức rõ vai trò của mình nên vận động người thân, hàng xóm chung tay xây dựng quê hương”.
Huyện Cai Lậy hiện có 24.000 hội viên nông dân tham gia sinh hoạt tại 16 cơ sở hội. Xác định nông dân là chủ thể thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, hơn 3 năm qua, phong trào Nông dân tham gia phát triển kinh tế xã hội, xây dựng NTM được các cấp hội triển khai sâu rộng, đạt kết quả nhất định ở các tiêu chí: thu nhập, hộ nghèo, giao thông, thủy lợi, an ninh trật tự …
Với vai trò cầu nối giữa nông dân với chính quyền, Hội Nông dân cơ sở đã làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức hội viên. Nhạy bén, cần cù lao động, hội viên nông dân huyện Cai Lậy đã ứng dụng hiệu quả tiến bộ KHKT vào sản xuất, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp sức hoàn thiện hạ tầng nông thôn, bảo đảm quốc phòng, an ninh... cùng cấp ủy, chính quyền địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM theo kế hoạch.
Nguồn bài viết: http://baoapbac.vn/kinh-te/201412/nong-dan-huyen-cai-lay-gop-suc-xay-dung-nong-thon-moi-567227/
Có thể bạn quan tâm

Giá rau muống tăng gần gấp ba lần so với bình thường, phổ biến ở mức 10.000 đồng -12.000 đồng/mớ, rau ngót lên mức 7.000-8.000 đồng, mồng tơi 6.000-7.000 đồng/mớ, cải ngọt 20.000-22.000 đồng/kg

Ở giữa những vạt rừng âm u của xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) có một người đàn ông Dao từ khó nghèo đã vươn lên trở thành triệu phú và vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách phó “thủ lĩnh” Hội ND xã, được bà con tin yêu...

Trong khi người dân 2 xã Đông, xã Lơ Ku (Kbang , Gia lai) vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ vụ bắp (ngô) không có hạt thì đến lượt người dân xã Đăk Pơ Pho huyện Kon Chro của tỉnh này cũng khốn đốn bởi 2 giống bắp NK 67, NK 7328.

Khi chúng tôi đến, các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm mồ hôi nhễ nhại, đang mải miết kéo lưới bắt cá; trên bờ bà con nông dân nói cười hồ hởi, chờ để nhận con giống về nuôi. Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch Hội Nghề cá phường Hà An (TX Quảng Yên) vui vẻ nói với chúng tôi: “Khi nhận được tin Trung tâm Khoa học kỹ thuật và Sản xuất giống thuỷ sản đã sản xuất thành công giống cá đối mục, bà con chúng tôi ai cũng mừng, cứ như sắp có một mùa bội thu lớn vậy.

Nhằm chọn lọc đàn dê địa phương để tạo ra đàn dê cái nền có khả năng sinh sản cao thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, Sở KH&CN Bắc Kạn đã phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội xây dựng và triển khai dự án “Nghiên cứu cải tạo giống dê tại tỉnh Bắc Kạn”. Thời gian thực hiện trong 3 năm (2011 - 2013). Địa điểm thực hiện tại xã Hoà Mục huyện Chợ Mới, xã Nông Thượng thị xã Bắc Kạn.