Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân Hướng Hóa thu nhập khá nhờ cây hồ tiêu

Nông dân Hướng Hóa thu nhập khá nhờ cây hồ tiêu
Ngày đăng: 01/12/2015

Việc phát triển diện tích hồ tiêu đã giúp nông dân có thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân tại địa phương.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn tiêu gần 500 gốc đang phát triển xanh tốt, ông Nguyễn Mạnh, ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp cho biết: “Kinh tế gia đình tôi chủ yếu dựa vào cây cà phê và hồ tiêu.

Những năm trước, dịch bệnh xuất hiện cùng giá cả xuống thấp làm nản lòng không ít nông dân nhưng tôi vẫn kiên trì giữ lại vườn tiêu, nỗ lực chăm sóc và tìm kiếm các loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ nên vườn tiêu của gia đình tôi vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, cho thu nhập ổn định, gần 150 triệu đồng/năm.

Vài năm trở lại đây giá tiêu phục hồi nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi.

Sắp tới tôi dự tính sẽ trồng mới thêm 200 gốc tiêu nữa”.

Với lợi thế có vùng đất đỏ bazan màu mỡ, nhiều năm trước đây hồ tiêu được xác định là một trong những loại cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa.

Tuy nhiên, qua một thời gian dài do dịch bệnh hoành hành cùng với giá tiêu xuống thấp đã khiến diện tích hồ tiêu trên địa bàn giảm sút nhanh chóng.

Vài năm trở đây cùng với các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển cây hồ tiêu của chính quyền địa phương và trợ giúp của các tổ chức xã hội nên diện tích cây hồ tiêu không ngừng tăng lên.

Ông Lê Long, ở thôn Tân Xuyên (Tân Hợp) tranh thủ thời tiết thuận lợi vừa trồng xen thêm 300 gốc hồ tiêu trên diện tích cà phê gần 1,5 ha của gia đình.

Ông Long cho biết: “Giá cà phê mấy năm nay xuống thấp nên thu nhập của gia đình bị ảnh hưởng, bên cạnh trồng các loại cây như gừng, lạc để lấy ngắn nuôi dài, gần đây giá tiêu hạt khá cao và ổn định nên tôi quyết định trồng xen hồ tiêu trên diện tích cà phê để tăng thu nhập”.

Đây được xem là một trong những giải pháp được nhiều nông dân huyện Hướng Hóa lựa chọn trong thời gian qua để đối phó với tình trạng bấp bênh về giá cả của cây cà phê.

Không chỉ ở xã Tân Hợp, nông dân ở các địa phương có cùng điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển cây hồ tiêu như: Tân Liên, Hướng Phùng, thị trấn Khe Sanh, người dân cũng tích cực mở rộng diện tích cây hồ tiêu.

Đến thăm gia đình anh Võ Công Trí, ở thôn Đại Thủy, một trong những nông dân có diện tích cây hồ tiêu khá lớn ở xã Tân Liên.

Anh Trí cho biết: “Cây hồ tiêu gắn với gia đình tôi từ lâu, hiện trong vườn nhà tôi có 400 gốc tiêu.

Vụ hồ tiêu năm ngoái với sản lượng thu hoạch gần 600 kg tiêu khô, gia đình tôi thu nhập hơn 120 triệu đồng.

Nếu so với trồng cà phê thì thu nhập từ cây tiêu ổn định hơn nhiều”.

Anh Trí cho biết thêm, ngoài diện tích được trồng tại vườn nhà, anh còn mở rộng thêm một vườn hồ tiêu hơn 500 gốc, đến nay được hai năm tuổi, đang phát triển tốt, dự kiến sẽ cho thu hoạch lứa đầu vào năm sau.

Được biết anh Trí là thành viên tích cực của câu lạc bộ chăm sóc vườn tiêu do UBND xã Tân Liên thành lập năm 2013, với sự hỗ trợ của tổ chức Roots of Peace (ROP) về phục hồi và phát triển mới diện tích hồ tiêu được thực hiện tại địa bàn xã Tân Liên.

Hiện toàn xã Tân Liên có 50 hộ tham gia dự án này thông qua hai câu lạc bộ trồng tiêu bền vững, với hình thức hỗ trợ 50% chi phí vật tư, cây giống, kinh phí tập huấn kỹ thuật, người dân tham gia tự đối ứng 50% vốn còn lại.

Đây là mô hình liên kết khá hiệu quả trong việc phát triển cây hồ tiêu đang được huyện Hướng Hóa khuyến khích nhân rộng.

Theo số liệu thống kê, toàn huyện Hướng Hóa có khoảng 200 ha hồ tiêu, tập trung chủ yếu tại các xã Tân Liên, Tân Hợp, Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh.

Với việc giá tiêu hạt đứng ở mức cao như hiện nay, dự báo diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Tuy nhiên để cây hồ tiêu ở Hướng Hóa phát triển bền vững, trở thành loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, góp phần xây dựng thương hiệu cho cây hồ tiêu Quảng Trị, bên cạnh khuyến khích người dân mở rộng diện tích.

Vấn đề phòng chống dịch bệnh, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu chọn giống, chăm sóc và thu hái hồ tiêu cần được các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.

Có như vậy người dân mới yên tâm mở rộng diện tích hồ tiêu, tránh những rủi ro bởi hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, một số dịch bệnh trên cây tiêu vẫn chưa có thuốc đặc trị, nguy cơ lây lan trên diện rộng vẫn tiềm tàng nếu không có những giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Hướng Hóa Nguyễn Ngọc Khả cho biết: Theo kế hoạch năm 2015, toàn huyện Hướng Hóa sẽ trồng mới 18 - 20 ha hồ tiêu.

Để tránh nguy cơ do dịch bệnh nảy sinh, trong quá trình trồng và chăm sóc hồ tiêu, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân nên sử dụng nguồn giống có nguồn gốc rõ ràng, chú ý đảm bảo quy trình kỹ thuật trồng tiêu từ khâu chọn giống, ươm trồng và trong quá trình chăm sóc.

Khi phát hiện dấu hiệu hồ tiêu dịch bệnh cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có giải pháp phòng trừ hiệu quả.

Đặc biệt người dân không nên mở rộng diện tích hồ tiêu một cách tự phát mà cần tuân thủ quy hoạch chung của của các cơ quan chức năng...


Có thể bạn quan tâm

Chôm chôm Long Khánh vào vụ sớm Chôm chôm Long Khánh vào vụ sớm

Hơn tuần nay, bà con nông dân tổ 10, 11, 13 ấp Bầu Sầm, xã Bàu Trâm (TX.Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) vui mừng thu hoạch chôm chôm sớm (ảnh). Mỗi vườn chôm chôm hàng ngày thu hoạch khoảng từ 1 - 2 tấn chôm chôm xuất đi các nơi.

19/05/2015
Nuôi càng đước hiệu quả kinh tế cao Nuôi càng đước hiệu quả kinh tế cao

Nhờ kiên trì theo đuổi việc nuôi và cho sinh sản nhân tạo càng đước (rùa răng, trọng lượng 7- 8kg), nông dân Võ Thành Ngay (52 tuổi, ấp Phú Bình, xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang) là một trong rất ít người bước đầu thành công với mô hình được cho là mạo hiểm, nhưng hiệu quả lại rất cao.

19/05/2015
Nuôi gà kỹ thuật cao cho thu nhập ổn định Nuôi gà kỹ thuật cao cho thu nhập ổn định

Hiện nay, việc ứng dụng phương pháp nuôi gà an toàn sinh học dưới tán cây lâu năm ở Bình Phước đã và đang mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi. Hình thức này còn góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm gà sạch, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Cách làm của hộ ông Lê Xuân Tuyến ở ấp 1, xã Minh Lập (Chơn Thành) là ví dụ điển hình.

19/05/2015
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thức ăn chăn nuôi

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu giống vật nuôi và thức ăn chăn nuôi, họ đang gặp phải nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đề cấp phép kiểm dịch và nhập khẩu.

19/05/2015
Kế Sách (Sóc Trăng) làm giàu nhờ hợp tác nuôi gà Kế Sách (Sóc Trăng) làm giàu nhờ hợp tác nuôi gà

Bà con nông dân ấp Nam Hải, xã Đại Hải, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng vốn gắn bó với nghề chăn nuôi từ lâu. Bên cạnh việc trồng lúa, hầu hết nông hộ đều có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Những năm 2010 trở về trước, nuôi heo nái và heo thịt quy mô gia trại là thế mạnh ở đây.

19/05/2015