Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông Dân Hoang Mang Với Nạn Phân Rởm

Nông Dân Hoang Mang Với Nạn Phân Rởm
Ngày đăng: 31/12/2014

Do hám lợi, các đại lý phân bón đã đưa mặt hàng phân bón kém chất lượng bán cho người dân, làm ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất.

Thời gian gần đây, lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân, sự hám lợi của các đại lý, phân bón kém chất lượng đã len lỏi vào từng thôn làng ở Gia Lai, ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất và gây bức xúc cho bà con nông dân.

Như thường lệ, vào cuối mùa mưa, anh Nguyễn Văn Bẩy ở thôn Phù Tiên, xã Ia Bă, huyện Ia Grai lại đến đại lý vật tư nông nghiệp lớn nhất xã mua phân bón cho hơn 2 héc-ta cà phê và hơn 200 trụ tiêu của mình.

Đại lý giới thiệu cho anh Bẩy loại phân Urê - Silic của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Ngưu về dùng thử. Anh đã dùng một phần trong số này rắc quanh gốc cà phê, nhưng đến nay đã hơn 3 tháng, qua nhiều lần tưới nước và xới gốc, những hạt đen của phân vẫn trơ như sỏi đá. Thử hoà phân này trong nước thấy chỉ tan được một nửa. Nửa còn lại kết tủa thành từng mảng keo dính, như đất sét.

Anh Nguyễn Văn Bẩy nói: “Bình thường, nếu rắc thẳng phân vào cây, tôi sẽ khó phát hiện. Nhưng vì hôm đó trời nắng, tôi phải hòa phân vào nước để tưới tiêu. Sau khi ngâm 10 đến 15 phút, tôi thấy cô đọng dưới đáy phi loại chất dẻo này. Cứ 2,5 kg sẽ có 1kg chất dẻo”.

Cũng tin mua phân bón mới do đại lý giới thiệu, ông Lê Đức Thiện thôn Phù Tiên, xã Ia Bă chỉ phát hiện ra đây là phân rởm khi toàn bộ 2 ha cà phê của mình đã có biểu hiện suy dinh dưỡng và sụt giảm năng suất trầm trọng.

Từ việc hàng năm thu về 8 tấn nhân, nay vườn cây của ông chỉ còn cho 2 tấn. Vừa qua, gia đình ông lại phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua phân chuồng, phân vi sinh và nhiều loại phân đơn khác để cứu vườn cây sau một mùa bị suy dinh dưỡng nặng.

Ông Thiện nói: "Rễ cám của cây cà phê bị tụt, chết đi, đen lại, lá vàng, trụi chỉ còn cành. Đó là nó bị thiếu dinh dưỡng. Để khắc phục hậu quả, tôi phải dùng phân chuồng, phân vô cơ chất lượng tốt”.

Nằm ở trung tâm xã Ia Bă, mỗi năm, đại lý Luyn Linh bán ra vài nghìn tấn phân bón vô cơ các loại cho bà con nông dân toàn xã. Tuy nhiên, khi loại phân Urê- Silic bán ra từ đại lý này bị phát hiện có hàm lượng phốt-pho chỉ đạt 30% hàm lượng đăng ký, số điện thoại trên bao bì không có thật,... ông Nguyễn Hồng Luyn, chủ đại lý lại cho rằng đó là lỗi của cơ quan quản lý thị trường.

Còn các đại lý chỉ cần có cam kết chất lượng của công ty và giá cả phù hợp là nhập hàng. Ông Nguyễn Hồng Luyn cho biết: "Việc kém chất lượng hay đảm bảo chất lượng đã có cơ quan chức năng giám định, làm việc. Chất lượng hàng hóa dựa theo cam kết của công ty. Chúng tôi là người bán hàng, cứ theo tiêu chuẩn đó để nhập hàng, bán cho bà con. Tình hình này, chúng tôi bị mang tiếng, mất uy tín nên tôi gửi trả lại hàng cho công ty".

Hiện nay, toàn tỉnh Gia Lai có 15 nhà máy sản xuất phân bón và hơn 300 cửa hàng, đại lý bán mặt hàng này. Theo ông Nguyễn Duy Lộc, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Gia Lai, nguyên nhân việc phân bón giả tràn lan là do có nhiều đại lý kinh doanh chụp giật.

Ông Duy Lộc nói: "Một số cơ sở, nhất là những cơ sở kinh doanh nhỏ ở nông thôn lợi dụng sự thiếu thông tin của người dân bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc cho người tiêu dùng, gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Với vai trò quản lý Nhà nước, Sở Công thương chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra những cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc quyết liệt, triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn".

Ông Nguyễn Duy Lộc cũng cho rằng, ngành công thương đã vào cuộc nhưng vẫn chưa ngăn chặn được phân bón giả, kém chất lượng.

Nguyên nhân là do mức xử lý theo Nghị định 163/2013 của Chính phủ không đủ sức răn đe. Cho dù phát hiện ra phân bón kém chất lượng, hình thức xử lý "mạnh tay" nhất cũng chỉ ở mức yêu cầu công ty thu hồi hàng, cam kết bán hàng đảm bảo chất lượng. Điều này khiến cho nỗi lo tiền mất, tật mang của nông dân chưa biết đến khi nào kết thúc.


Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Hòa An chung tay xây dựng nông thôn mới Phụ nữ Hòa An chung tay xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, thực hiện nhiều phong trào thi đua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã có những việc làm thiết thực cùng với cấp ủy đảng, chính quyền phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

11/11/2015
Nâng cấp và hiện đại hóa thủy lợi nội đồng để xây dựng nông thôn mới Nâng cấp và hiện đại hóa thủy lợi nội đồng để xây dựng nông thôn mới

Thạc sĩ Nguyễn Đình Vượng, Trung tâm Nghiên cứu Thủy nông và Cấp nước - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, đã nghiên cứu thành công đề tài giúp nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống thủy lợi nội đồng, phục vụ phát triển các mô hình sản xuất nông - ngư nghiệp.

11/11/2015
Giúp nhà nông nâng cao sinh kế thích ứng BĐKH từ sản xuất lâm nghiệp Giúp nhà nông nâng cao sinh kế thích ứng BĐKH từ sản xuất lâm nghiệp

Ngày 11/11, Ban điều hành dự án thêm cây do tổ chức phi chính phủ trồng và khai thác rừng Đan Mạch (DDS) có buổi làm việc với Hội Nông dân Hà Tĩnh nhằm đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua và triển khai nhiệm vụ thời gian tới.

11/11/2015
Nguy cơ gia tăng dịch bệnh trên gia súc gia cầm Nguy cơ gia tăng dịch bệnh trên gia súc gia cầm

Chỉ vài tháng gần đây, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xuất hiện trên đàn gia súc, gia cầm tại một số địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh.

11/11/2015
Kỳ Anh chọn khâu đột phá để sớm thành huyện nông thôn mới Kỳ Anh chọn khâu đột phá để sớm thành huyện nông thôn mới

Trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được trong quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã xây dựng chiến lược, chọn khâu đột phá để hiện thực hóa mục tiêu sớm trở thành huyện NTM.

11/11/2015