Nông dân hiểu luật thành phố thêm yên bình

Hàng ngàn buổi tuyên truyền
Theo Hội Nông dân (ND) TP.HCM, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho ND thành phố được các cấp hội triển khai khá sớm thông qua việc thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn giáo dục về pháp luật, tham gia hòa giải, giải quyết khiếu nại tố cáo của ND.
Hội ND cũng phối hợp các sở, ngành của thành phố (tuyên giáo, tư pháp, an toàn giao thông, công an, hội luật gia...) để phát hàng ngàn tờ rơi, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền đến tận cơ sở.
Trong đó, các cấp hội tập trung tuyên truyền các nội dung chính của Hiến pháp, Luật Đất đai, Luật Biển, Luật Khiếu nại tố cáo, các quy định của pháp luật về quản lý đô thị…
Cán bộ phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP.HCM đang tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho nông dân thành phố.
Trong năm 2013, 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, các cấp Hội đã cùng các đơn vị chức năng tổ chức 2.587 cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật với 224.646 lượt người tham dự.
Ông Đoàn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM cho biết, các hoạt động của Hội đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng các quyền công dân hợp pháp, chính đáng, tránh các hành vi vi phạm pháp luật, tránh gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt bình thường của người dân.
Học hỏi nhiều điều hay
Ông Sơn Sa Ranh (dân tộc Khmer), ngụ xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, cho biết, dù ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn luôn hào hứng tham gia các buổi tuyên truyền về pháp luật do các đoàn thể địa phương tổ chức.
Thông qua các buổi tuyên truyền, ông học hỏi được rất nhiều điều, đồng thời nắm được nhiều thông tin về các chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người dân, nhất là người ở khu vực nông thôn.
Từ đó ông luôn khuyên con cháu sống và chấp hành pháp luật tốt hơn.
Anh Bùi Ngọc Thảo (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh) cũng thường xuyên được mời tham dự các lớp tập huấn, tuyên truyền về Luật Môi trường, Luật Bảo vệ động vật hoang dã...
“Tham gia các buổi tuyên truyền này rất bổ ích, mình biết được nhiều quy định pháp luật mới, thiết thực.
Chỉ tiếc mình không có nhiều thời gian tham dự đầy đủ các buổi đó” - anh Thảo nói.
Nhiều hội viên ND khác cũng cho biết, việc tham gia các buổi tuyên truyền giúp họ nắm được các quyền lợi và nghĩa vụ của mình trên nhiều lĩnh vực, qua đó chấp hành pháp luật tốt hơn.
Ông Đoàn Văn Thanh đánh giá, việc phổ biến, tuyên truyền pháp luật đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, từ đó góp phần chủ động phòng và chống hành vi vi phạm pháp luật trong cán bộ, hội viên, ND thành phố.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được Hội ND các cấp phối hợp lồng ghép chọn lọc để phổ biến một cách kịp thời, thường xuyên hơn.
Công tác tuyên truyền cũng tạo ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật trong cán bộ, hội viên ND trên địa bàn thành phố.
Theo ông Thanh, thời gian tới Hội sẽ tiếp tục thực hiện chương trình phổ biến pháp luật của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến với ND.
Chương trình sẽ được kết hợp với hoạt động tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại tố cáo.
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (Công an TP.HCM) vừa phối hợp Hội ND TP.HCM mở đợt tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ cho cán bộ, hội viên ND thành phố.
Theo đó, các đơn vị đã phổ biến cho ND biết các quy tắc khi tham gia giao thông; điều kiện người lái xe máy tham gia giao thông; một số hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia giao thông...
Có thể bạn quan tâm

Về xã Yên Hồ (Đức Thọ - Hà Tĩnh) trong những ngày cuối thu, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND xã dẫn đi “mục sở thị” hiệu quả của mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao đất của anh Lê Thanh Hà - một điển hình của công đoàn xã trong phát triển kinh tế.

Ngày 4/11, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Ðắk Song (Đắk Nông) đã tổ chức Hội thảo đầu bờ tổng kết đánh giá mô hình nuôi cá rô phi đơn tính tại hộ ông Vũ Thanh Sơn, thôn 2, xã Thuận Hà (Ðắk Song), mô hình thử nghiệm bắt đầu từ tháng 5/2013.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu khuyến cáo không nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, trước tình trạng tôm sú gặp nhiều rủi ro, nhiều người dân đã quay sang phát triển diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng một cách ồ ạt không theo quy hoạch, không theo quy trình kỹ thuật nuôi. Điều này có thể tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là nguy cơ phát sinh dịch bệnh cao.

Những năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi của xã Thanh Tân (Kiến Xương - Thái Bình), giàu lên từ vùng chuyển đổi. Trong số đó có gia đình anh Bùi Mạnh Hùng (thôn Tử Tế) mỗi năm thu về hơn 200 triệu đồng tiền lãi nhờ áp dụng chăn nuôi theo mô hình VietGAP.

Nuôi gà thả vườn là mô hình nuôi gà chung theo hình thức cộng đồng làng vừa được tổ chức phi chính phủ Malteser International (Đức) triển khai thí điểm tại một số xã của huyện Tây Giang (Quảng Nam), giúp người dân thay đổi tư duy canh tác và tiếp cận mô hình mới, đem lại hiệu quả thiết thực.